00:00 Số lượt truy cập: 2941218

Hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp sạch của Nông dân xuất sắc tỉnh Bình Phước 

Được đăng : 12/09/2024
Mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của anh nông dân Lương Văn Hậu ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, đã tạo ra bước đột phá khi biến những quả điều thường bị lãng quên thành phân trùn quế hữu cơ.

Sinh ra và lớn lên ở thủ phủ điều của cả nước, nơi sở hữu diện tích trồng điều lên đến 150.000 ha, Anh Lương Văn Hậu nhận thấy rằng sau mỗi mùa thu hoạch hạt điều, vẫn có rất nhiều quả điều bị bỏ đi, Anh đã nảy ra ý tưởng tận dụng nguồn phụ phẩm này để thử nghiệm chăn nuôi giun.

Anh chia sẻ: "Tôi tìm hiểu một số mô hình trên mạng xã hội thấy nông nghiệp hữu cơ rất có ích nên chuyển sang làm nông nghiệp hữu cơ bắt đầu từ con giun (trùn). Nuôi giun giúp xử lý các rác thải hữu cơ, xử lý phân gia súc, gia cầm… áp dụng cho trồng trọt rất hiệu quả. Từ năm 2019 đến hết năm 2020, tôi đã thử nghiệm các quy trình chế biến, phối trộn, tìm các loại chủng vi sinh phù hợp, phân tích tính chất quả điều. Giai đoạn đầu, do chưa am hiểu về đặc tính sinh trưởng của trùn quế, chưa kể xác quả điều chứa khá nhiều axit, phân bò tươi khá nóng, nếu không có giải pháp xử lý sẽ rất nguy hại cho trùn nên có những thời điểm trùn quế trong trại hao hụt tới 90 - 95%, vốn đầu tư lần lượt “đội nón ra đi". Mặc dù thất bại nhiều lần nhưng anh không bỏ cuộc.

anh-luong-van-hau-bai-guong
Nông dân Lương Văn Hậu

 Sau 3 năm dày công nghiên cứu, đến đầu năm 2021, quy trình nuôi trùn quế bằng phụ phẩm từ quả điều, phân bò đã thành công. Sản phẩm phân trùn điều ra đời góp phần tận dụng nguồn quả thải sau thu hạt điều triệt để, làm xanh, sạch môi trường, tạo dựng hướng đi mới cho chăn nuôi giun bằng các phụ phẩm hữu cơ và đã trở thành lựa chọn hàng đầu không chỉ cho người dân tại Bình Phước mà còn cho nhiều tỉnh, thành phố khác. Sản phẩm được khách hàng ghi nhận, đánh giá cao bởi chất lượng phân không thua kém phân hữu cơ cao cấp nhưng giá chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm khác trên thị trường.

 Hàng năm, anh Hậu tận dụng được hơn 100 tấn quả điều/năm để sản xuất được 30-40 tấn phân trùn điều, cung ứng cho người dân có nhu cầu. Theo anh Hậu, trong phân trùn điều có một số vi sinh vật đặc trưng có hàm lượng rất cao như vi sinh vật cố định đạm, vi sinh vật phân giải lân và vi sinh vật phân giải xenlulô hiệu lực cao. Phân trùn điều cung cấp các chất khoáng cần thiết cho sự phát triển của cây trồng như đạm, lân, kali, canxi và các nguyên tố vi lượng khác như đồng, sắt, mangan.

Với sự thành công của sản phẩm phân trùn điều, anh Hậu đã mạnh dạn thành lập Trại giun Phúc Hậu, hướng đến cung ứng cho các nhà vườn, trang trại triển khai theo hướng nông nghiệp hữu cơ, bền vững. Anh Hậu đã áp dụngchiến lược quảng bá sản phẩm trên các kênh truyền thông, ứng dụng mạng xã hội kết hợp tiếp thị trực quan đến từng người tiêu dùng, hộ nông dân nhỏ lẻ, gia đình có nhu cầu trồng cây, rau sạch trên khắp cả nước. Anh cũng đến tận nhà vườn, trang trại, hỗ trợ tư vấn và chuyển giao cách làm cho hàng chục hộ dân trên địa bàn để thực hiện mô hình, chia sẻ về các đặc tính của phân trùn điều, quy trình cải tạo đất, đồng thời cung cấp cho các trang trại nguồn phân có hàm lượng dinh dưỡng cao. Qua đó, anh giúp cho người nông dân tìm ra các giải pháp hiệu quả trong việc chăm sóc cây trồng và phòng ngừa dịch bệnh.

Trại giun của anh Hậu hiện nay đã cho ra nhiều sản phẩm dạng nước, khô, viên nén. Trong thời gian tới, Trai giun Phúc Hậu của anh Lương Văn Hậu định hướng tiến tới thành lập công ty nghiên cứu sản xuất các sản phẩm mới như trà trùn điều, dịch phân giun thủy phân... Anh Hậu cho biết sẽ phấn đấu xây dựng được nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ thải nông nghiệp, cung ứng ra thị trường mỗi năm hàng nghìn tấn phân trùn điều, sản xuất đa dạng sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp Bình Phước./.

Thu Hà