00:00 Số lượt truy cập: 2989427

Hiệu qua từ Mô hình khoanh nuôi bảo vệ phát triển rừng tự nhiên ở Mường Tè, lai Châu. 

Được đăng : 05/05/2019

 

Nếu năm 2010, tỷ lệ che phủ rừng ở huyện Mường Tè (Lai Châu) chỉ đạt 50%, thì đến hết năm 2017 đã tăng lên trên 63%, trở thành địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực cho đời sống người dân.

Với chủ trương giao khoán đến xã, bản và tới từng hộ gia đình, với gần 18.000 lao động tham gia, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc. Kết hợp thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng của người dân, theo đó việc đốt phá rừng làm nương rẫy giảm rõ rệt, các vụ cháy lớn không còn xảy ra. Công tác tuần tra bảo vệ rừng được thực hiện thường xuyên hơn. Đến nay, 100% thôn, bản đã xây dựng được hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, không còn tình trạng thiếu lương thực kéo dài như trước. Nhiều hộ nông dân khấm khá từ bảo vệ, phát triển kinh tế rừng. Mỗi người dân đều mong muốn được tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng

Năm 2018, có 59 cộng đồng bản và 4 tổ chức là Đồn Biên phòng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích 89.615 ha, kinh phí hơn 96 tỷ đồng, bình quẩn hơn 27 triệu/hộ, xã nhiều nhất 57 triệu đồng/hộ, xã thấp nhất 12 triệu đồng/hộ.

 Để có được điều này, Hội Nông dân cùng với cấp ủy, chính quyền cơ sở và ngành chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là các bản vùng sâu vùng xa thực hiện chăm sóc, bảo vệ rừng kết hợp phát triển các cây lâm nghiệp, dược liệu trong tán rừng, chăn nuôi đại gia súc… Đặc biệt, công tác chi trả tiền DVMTR hàng năm đều được niêm yết tại bản và trụ sở UBND xã để nhân dân biết tham gia kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ ràng, chính xác. Do vậy, nhìn chung tại các thôn, bản vùng cao, người dân đã tự giác tham gia công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng; phát đường băng cản lửa; kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Người dân tích cực tham gia trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc với mong muốn “có rừng để bảo vệ”.

Thông qua việc thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, củng cố an ninh chính trị và trật tự ở nông thôn. Việc bảo vệ và phát triển rừng ở các xã biên giới góp phần cùng các lực lượng vũ trang bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia.

Chu Hương