00:00 Số lượt truy cập: 2989949

Hiệu quả từ mô hình nuôi lươn công nghệ cao 

Được đăng : 24/11/2020

 

Từng nhiều lần thất bại, lỗ cả trăm triệu và đứng trước bờ vực phá sản, nhưng nhờ kiên trì mày mò, nghiên cứu, mô hình nuôi lươn công nghệ cao của anh Nguyễn Thanh Tân (Long Hồ, Vĩnh Long) cũng mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm. anh được vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019.

Anh Tân cho biết, năm 2010 anh bắt đầu khởi nghiệp nuôi lươn đồng sau khi bỏ chức Giám đốc sản xuất ở một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương 25 triệu đồng/tháng. Sau nhiều ngày lên mạng tìm hiểu các mô hình làm kinh tế hiệu quả, anh thấy mô hình nuôi lươn thịt đang hút thị trường,  anh quyết định… xin nghỉ việc về quê quyết chí lập nghiệp bằng nghề nuôi lươn và sản xuất lươn giống.

Năm 2012, sau khi đi tham quan một số nơi, về nhà, Tân xây dựng 4 bể xi măng, mua lươn giống do dân bắt được ngoài đồng về nuôi thành lươn thịt nhưng do thiếu kỹ thuật nuôi lươn nên anh thất bại liên tiếp. Và năm đầu, tính “sơ sơ” với 200kg lươn giống, sau 10 tháng, anh lỗ khoảng 80 triệu đồng. Năm 2012 anh quyết tâm tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi lươn đồng bài bản, nhất là sau các chuyến đi thực tế tham quan mô hình nuôi lươn đồng, cộng với kiến thức nghiên cứu trên mạng, anh mạnh dạn bắt tay vào thực nghiệm nuôi lươn giống. Thời gian đầu việc nuôi lươn giống vô cùng khó khăn, anh Tân thất bại liên tục, lươn đẻ trứng xong, đưa vào khu ấp thì trứng bị hư nguyên cả mẻ, hoặc trứng nở rất ít. Thua lỗ liên tục, tài sản bao nhiêu năm tích cóp dần mất hết khiến anh Tân chán nản muốn bỏ cuộc.

Sau thất bại này, anh Tân tìm đến một trung tâm giống ở tỉnh An Giang để tham quan, được cán bộ thủy sản hướng dẫn quy trình sản xuất và nhân giống lươn. Đồng thời, anh tìm đến một số hộ nuôi và sản xuất lươn giống, được chuyển giao kỹ thuật. Anh lại tiếp tục mua con giống về nuôi trong bể, vừa nuôi lươn thịt vừa nghiên cứu sản xuất lươn giống nhưng hiệu quả đưa lại không cao. Năm 2015 vợ chồng anh đã tìm ra được nguyên nhân thất bại và dần xây dựng được quy trình kỹ thuật ương lươn giống chất lượng.

Sau khi nuôi lươn giống thành công, anh Tân thành lập trang trại nuôi lươn giống, chuyên nuôi lươn giống nhân tạo, cung cấp lươn giống cho các hộ, đơn vị, doanh nghiệp nuôi thành lươn thịt thương phẩm với công nghệ nuôi lươn không bùn (nuôi công nghiệp) trong nước và xuất khẩu. Năm 2017, anh Tân mở rộng cơ sở sản xuất diện tích 2.000m2, với 5.000 con lươn bố mẹ, cho sinh sản hơn 1 triệu con giống và bán ra thị trường trong nước. Hiện tại trang trại lươn Thanh Tân ứng dụng các phương pháp kỹ thuật mới, cho lươn bố mẹ sinh sản và tỉ lệ ấp nở đạt đầu con giống lên đến 90%, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng triệu con giống chất lượng. Anh Tân chia sẻ, nuôi lươn thịt trong bể không cần bùn, chỉ cần xây bể theo chiều ngang 2m x 3m và cao 60cm là có thể nuôi được và ốp lót gạch men hoặc tô hồ dầu láng để tránh lươn bị trầy xước. Có thể tận dụng chuồng nuôi heo cũ, diện tích từ 2- 4m2 là được, hoặc dùng vải bạt ny lông tạo thành bể, có gắn ống thoát để tiện cho việc thay nước. Đặc tính của lươn là thích thoáng mát, nguồn nước sạch, cho ăn đúng giờ, thức ăn đảm bảo vệ sinh, trong bể đặt vài chùm dây ny lông đen trên mặt nước làm ụ cho lươn chui vào trú ẩn.

Điểm nổi bật của anh Tân là tận dụng tiện ích từ công nghệ 4.0 để quảng bá, xây dựng thương hiệu. Những ngày đầu khởi nghiệp, anh Tân đã xây dựng kế hoạch kinh doanh, xây dựng thương hiệu, kênh bán hàng... Website chính thức với tên miền luongiongvinhlong.com ra đời đã mở ra thông tin mới cho người nuôi lươn. Đây được xem là website lươn giống bán nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam. Bên cạnh, anh Tân còn tận dụng thêm các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, YouTube... để giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn không bùn và tương tác với khách hàng thông qua hotline, email... Khách hàng trong toàn quốc biết đến, đặt hàng qua website của cơ sở và các trang mạng xã hội chiếm khoảng 70% sản lượng,

Thành công với mô hình nuôi lươn công nghệ cao cũng như ứng dụng được thương mại điện tử vào kinh doanh sản phẩm, anh Nguyễn Thanh Tân cho biết, năm 2021 trang trại dự kiến tăng lên 10 triệu con lươn giống cùng 100 tấn lươn thương phẩm, tổng doanh thu ước đạt khoảng 35 tỷ đồng, lợi nhuận trên 10 tỷ đồng. 

Theo anh đánh giá, thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất nên trang trại của anh mới chỉ đáp ứng được 1% nhu cầu của khách hàng, một con số cực kỳ thấp. Vay tiền từ ngân hàng không khó nhưng vẫn đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, trong khi phần lớn trang trại là đất thuê nên khi thẩm định, giá trị tài sản không lớn, số tiền vay được không đủ đáp ứng nhu cầu. Quỹ khởi nghiệp của tỉnh cũng tạo điều kiện để anh tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nhưng số tiền vay được không nhiều so với mong muốn. Anh hy vọng lãnh đạo các Bộ, ban ngành tạo điều kiện cho những người nông dân như anh có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn với lãi suất ưu đãi.

Thùy Dung