Ông Đinh Đức Bình ở thôn Hoa Tiên, xã Gia Hưng là người đầu tiên của xã thử nghiệm mô hình nuôi ong mật. Ông Bình tâm sự, từ khi lập gia đình, vợ chồng tôi rất chăm chỉ làm ăn, song vẫn bị cái nghèo bám riết. Nếu chỉ bám vào đồng ruộng thì đến bây giờ gia đình tôi vẫn nằm trong top nghèo của xã. Vì vậy, năm 1989, tôi tham quan mô hình nuôi ong mật của một người ở cùng quê, sau đó mạnh dạn mua 3 thùng ong giống về nuôi thử. Vừa nuôi, vừa mày mò áp dụng kỹ thuật đã học, cuối vụ tôi thu được 30 lít mật. Quay được giọt mật ngọt đầu tiên, gia đình tôi vui mừng khôn tả…
Nếu khi mới nuôi, quay được số mật như thế đã được xem là thành công thì nay, qua việc áp dụng kỹ thuật và nâng cao tay nghề, gia đình ông Bình đã thu được bình quân 40 lít/thùng. Kinh nghiệm đúc rút, ông nhân dần số lượng đàn ong, đến nay ông Bình đã có trên 100 đàn ong. Không chỉ bán mật, ông Bình còn nhân giống, tách đàn để bán đàn ong. Mỗi năm, ông tách được gần 100 đàn với giá bán 1 triệu đồng/đàn. Mỗi năm, thu nhập từ bán đàn và bán mật đã mang lại cho gia đình ông Bình nguồn thu hơn 200 triệu đồng.
Ông Bình nuôi ong thắng lợi đã trở thành động lực để nhiều hộ khác làm theo. Tuy nhiên, nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ với những người ham thích, chịu khó học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề nhưng lại khó với những ai thích ăn xổi, không chịu đầu tư kỹ thuật. Nuôi ong, công sức và thời gian chỉ bằng nửa thời gian làm ruộng và ít hao phí sức lực nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, chăm bẵm cẩn thận. Chính người nuôi ong cũng phải cần mẫn như con ong. Con ong thường mắc bệnh bại liệt, tiêu chảy… nếu không phát hiện kịp thời để điều trị thì dễ lây lan dẫn đến mất luôn cả đàn. Nhưng muốn phát hiện bệnh nhanh thì người nuôi phải có cả kinh nghiệm và trang bị kỹ thuật thật tốt. Dùng thuốc không đúng liều thì bệnh không hết mà có khi mật lại bị nhiễm độc. Bởi thế, do thiếu kinh nghiệm, nên nhiều hộ nuôi trong xã đã để ong bỏ đàn bay đi hoặc chết vì rét, dịch bệnh.
Từ thực tiễn đó, năm 2010, với sự hỗ trợ của Liên minh HTX, ông Bình và một số hộ nuôi ong đã thành lập Tổ hợp nuôi ong Hoa Tiên với mục đích tạo điều kiện cho những hộ nuôi ong có dịp chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nuôi ong với nhau. Tham gia vào tổ hợp này, ngoài việc được hỗ trợ về giống, vốn để các hội viên có điều kiện phát triển đàn ong, Ban chủ nhiệm tổ hợp còn thường xuyên đi sát, hướng dẫn các hội viên về kỹ thuật nuôi và phòng trừ bệnh. Tổ kỹ thuật đã đến từng gia đình, kiểm tra từng tổ ong, hướng dẫn cho hội viên các phương pháp tạo chúa, san đàn, quay mật... Đồng thời, hướng dẫn hội viên từ quy trình làm hòm ong sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết theo mùa để ong phát triển tốt, cho ra nhiều sản phẩm như: Loại thùng ong bằng đất, bằng gạch mộc, bằng tre, bằng thùng gỗ… Chính vì vậy, những năm qua, đàn ong của Tổ hợp không bị dịch bệnh, năng suất mật ngày một tăng, chất lượng mật ngày một tốt hơn. Mặt khác, sinh hoạt trong Tổ hợp, các hộ nuôi ong còn bắt tay liên kết với nhau, tìm và giới thiệu sản phẩm cũng như tiêu thụ sản phẩm… Nhờ sự hỗ trợ thiết thực đó, nhiều hội viên đã bắt đầu tăng đàn và có thu nhập cao từ nghề nuôi ong. Đến nay, Tổ hợp đã thu hút hơn 20 hộ nuôi ong tham gia với trên 300 đàn ong. Trung bình, mỗi hộ nuôi chừng 15-20 đàn ong. Nhiều người “đổi đời” từ nghề nuôi ong. ông Đinh Đức Bình, Tổ trưởng Tổ nuôi ong Hoa Tiên vui vẻ cho biết, đối với những hộ nuôi ít, mỗi năm cũng thu lãi từ 20-30 triệu đồng từ ong mật. Lợi ích từ nuôi ong thấy rõ, nhiều người cao tuổi là cán bộ nghỉ hưu cũng bắt tay vào làm mô hình nuôi ong. Còn đối với người nông dân, thu nhập từ ong cao gấp nhiều lần trồng lúa. Hiện nay, trong tổng số hơn 20 thành viên của Tổ nuôi ong thì không còn hộ nào cấy lúa nữa mà chỉ tập trung phát triển chăn nuôi, cuộc sống của các hội viên rất ổn định.
Đồng chí Đinh Khắc Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hưng cho biết, với địa hình thuận lợi cho phát triển kinh tế đồi rừng, địa phương đã tạo điều kiện cho nhân dân phát triển các mô hình kinh tế mới với mục tiêu đưa chăn nuôi trở thành mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Theo đó, để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là phát triển mô hình nuôi ong mật, hàng năm xã đều phối hợp tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi thu hút sự hưởng ứng của nhiều hộ dân. Đồng thời, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho người dân vay vốn với lãi suất thấp để phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ cho vay đạt trên 10 tỷ đồng. Với nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực này, người dân đã phát huy tính sáng tạo, mạnh dạn kết hợp chăn nuôi và trồng các loại cây ngắn ngày xen kẽ. Nhiều gia đình còn chuyển đổi sang phát triển các cây trồng, con nuôi cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các cây trồng, con nuôi truyền thống… Cùng với đó, xã đã tiến hành quy hoạch, xây dựng vùng chăn nuôi tập trung như: Vùng nuôi ong ở thôn Hoa Tiên; nuôi dê ở thôn Đô Lương; nuôi lợn ở xa khu dân cư. Đặc biệt, xã đã vận động, hỗ trợ người dân thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi có từ 10 thành viên cùng liên kết, hỗ trợ nhau trong chăn nuôi. Đến nay, xã Gia Hưng có 6 trang trại, hàng chục gia trại chăn nuôi gà, vịt, chim bồ câu, trâu, bò, nuôi dê, nuôi ong cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Phát triển chăn nuôi đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,1% (năm 2017).
Nguyễn Hùng