00:00 Số lượt truy cập: 2989939

Hiệu quả từ mô hình trồng dâu tây công nghệ cao ở Sơn La 

Được đăng : 18/11/2020
Với mô hình nông nghiệp công nghệ cao, những người nông dân ở Sơn La đang vươn lên làm giàu, trở thành những doanh nhân, đưa nông sản tới khắp miền đất nước. Mô hình sản xuất các loại cây ăn quả áp dụng công nghệ cao, bảo đảm các tiêu chuẩn của quá trình sản xuất an toàn là hướng đi tích cực mà HTX Dâu tây Xuân Quế (Mộc Châu, Sơn La) đang làm, không chỉ khẳng định thương hiệu trên thị trường mà còn góp phần tích cực nâng cao môi trường sản xuất, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

dau-xuan-que

Sản phẩm dâu tây suất bán tại các siêu thị lớn được chọn lọc, đóng hộp rất nghiêm ngặt. 

 

Theo ông Nam, trước đây, cũng như những người nông dân ở vùng quê này, cả gia đình ông đã gắn bó với nương rẫy, mía, ngô. Có những thời điểm, mía ế bán chẳng ai mua, nên ngọn trổ hoa trắng như lau, khiến gia đình ông và bà con điêu đứng. Không cam chịu, ông loay hoay suy nghĩ tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Sau khi đi tìm hiểu, tham quan một số nơi, ông Nam nhận thấy, người dân ở huyện Mộc Châu trồng dâu tây thu lãi nhiều hơn cả, nên đã mạnh dạn vay vốn mua cây giống và cải tạo đất trồng. Lúc đấy giống cây này còn rất xa lạ với bà con nơi đây nên ông không tránh được ánh mắt nghi ngại và những lời đàm tiếu sau lưng, thậm chí có người cho rằng ông quá ảo tưởng. Nhưng ông vẫn quyết tâm theo đuổi bằng được, ông cứ lặng lẽ lên luống, bón phân, rồi lên mạng học kinh nghiệm chăm sóc cây dâu tây. Nhờ công chăm sóc tỉ mẩn, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật học hỏi được, sau một thời gian, vườn dâu tây phát triển tốt và ra hoa, kết trái.  Nhờ vụ đầu thành công, ông tích lũy thêm được một ít vốn. Ông Nam quyết định đầu tư lớn, mua thêm hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt và nhà lưới rộng 4.000 m2 theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngay sau khi triển khai lắp đặt hệ thống ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động đã cho thấy rất nhiều ưu điểm vượt trội so với cách tưới nước truyền thống, “tự động hóa” quá trình tưới nước, bón phân cho cây trồng gắn với việc chủ động điều chỉnh số cây cho phù hợp, bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, vi sinh. Không để cây trồng lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên so với phương pháp canh tác truyền thống. Ngoài ra việc sử dụng nhà lưới để canh tác dâu tây, giảm thiểu tác động bất thuận của môi trường và sâu bệnh hại tới cây trồng. Nhờ đó vườn dâu của gia đình ông luôn xanh tốt, cho thu hoạch đều đặn, mẫu mã đẹp, chất lượng cao, đưa lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Năm 2017, ông Nam cùng một số người trong bản thành lập HTX Xuân Quế. Lúc ban đầu chỉ có 12 hộ trồng dâu tham gia, đến nay ông đã liên kết 23 gia đình trồng dâu. Ngoài việc thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao do tỉnh Sơn La và huyện Mai Sơn tổ chức, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật đúng theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX còn tổ chức chuyến tham quan mô hình trồng dâu ở Đà Lạt. Qua các năm sản xuất, HTX chủ động trồng thử nghiệm, lựa chọn giống dâu tây phù hợp, được thị trường ưa chuộng để nhân giống và bố trí sản xuất cho mùa vụ tới; tổ chức luân canh các giống dâu tây mới, hạn chế sâu bệnh, kích thích sinh trưởng và cho năng suất cao hơn. Hiện nay, 100% diện tích trồng dâu tây của HTX đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, ngoài việc đưa sản phẩm đi trực tiếp giới thiệu ở các địa phương, ông còn tận dụng mạng xã hội để quảng bá, tiếp cận khách hàng, cung cấp dâu tây cho các thương lái trong và ngoài tỉnh. Hiện 23 hộ trồng dâu của HTX đều thực hiện bán hàng qua mạng xã hội.  Nhờ quảng bá tốt qua mạng xã hội, lượng khách hàng của HTX ngày một tăng, lượng dâu tiêu thụ ngày một nhiều. Chỉ tính riêng tiêu thụ lẻ, mỗi thành viên có thể bán trung bình 20 - 30kg dâu/ngày. Ngoài ra, ông còn đăng ký để HTX Xuân Quế tham gia chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn của tỉnh Sơn La; liên kết với các HTX và các hộ trồng dâu tây thành lập Hội Liên kết dâu tây Mai Sơn, tìm kiếm cơ hội hợp tác, ký kết hợp đồng cung ứng... Hiện nay, sản phẩm dâu tây của HTX Xuân Quế đã có mặt tại 33 siêu thị ở Hà Nội, cùng nhiều đầu mối phân phối tại Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế... Trồng dâu tây theo hướng nông nghiệp sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu nên vườn dâu của HTX thu đến đâu bán hết đến đó. Với quả đỏ, mọng, thơm ngon, giống dâu tây do HTX trồng, được nhiều khách hàng ưa chuộng, đánh giá cao.

Ngoài mặt hàng chính là dâu tây tươi, ông Nam còn hướng dẫn các nông hộ làm dâu sấy dẻo, siro dâu tây và xen canh trồng 25 ha xoài tượng da xanh, nhãn, bưởi, mận hậu. Năm 2019, sản lượng mận hậu của HTX đạt 50 tấn, xoài đạt 100 tấn và bưởi đạt 200 tấn, tổng doanh thu khoảng 9,5 tỷ đồng.

Ông Nam chia sẻ, dự kiến trong thời gian tới, HTX sẽ huy động vốn và vay thêm ngân hàng để làm xưởng sản xuất rượu và đầu tư nhà sơ chế và kho lạnh để bảo quản sản phẩm, bảo đảm mẫu mã, chất lượng, nâng giá thành đối với dâu tây quả tươi; tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành tạo điều kiện về vốn, hỗ trợ HTX mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá thành...Phấn đấu  mở rộng diện tích trồng dâu an toàn lên 25 ha, tạo việc làm cho 200 lao động, xưởng sản xuất đi vào ổn định.

Với những bước đi cụ thể, HTX Xuân Quế không chỉ mang lại thu nhập cho các thành viên mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. HTX Xuân Quế đã khẳng định được uy tín trên thị trường và mang lại niềm hy vọng về mở rộng việc trồng và kinh doanh dâu tây từ việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó xóa bỏ tư duy sản xuất lạc hậu truyền thống, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế gắn với du lịch ngay trên chính mảnh đất của quê hương Sơn La.

Mạnh Hùng