00:00 Số lượt truy cập: 2669230

HND huyện Yên Khánh (Ninh Bình): Nhiều cách làm sáng tạo trong triển khai Đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn” 

Được đăng : 12/11/2018
Là một trong những cấp cơ sở Hội đầu tiên bắt tay vào triển khai Đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn”, Hội Nông dân huyện Yên Khánh không chỉ tiến hành các bước tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn mà còn chủ động, linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp quan trọng, nổi bật là việc ra mắt cửa hàng nông sản an toàn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ hội viên vay vốn, lồng ghép nội dung này với việc thành lập các mô hình kinh tế tập thể.

Thực hiện Đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn, giai đoạn 2016 - 2020” của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện và cơ sở đã tổ chức hơn 100 buổi tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; vận động 100% hộ nông dân ký cam kết và thực hiện cam kết “Nói không với thực phẩm bẩn”. Đồng thời chủ động và phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng mô hình “Đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn”, đến nay trên địa bàn huyện đã xây dựng được 19 mô hình sản xuất an toàn. Năm 2018 ra mắt thêm 03 mô hình nói không với thực phẩm bẩn đó là mô hình trồng rau củ, quả an toàn tại hộ Ông Phạm Trọng Việt – Chi hội phố 8, hộ Ông Lại Văn Phi chi hội phố 3; mô hình cơ sở đủ điều kiện sản xuất ATTP đối với HTX nấm và cây dược liệu xã Khánh Công, mô hình cửa hàng nông sản an toàn Tùng Dương tại Thị trấn Yên Ninh (đây là cửa hàng thứ 5 trong chuỗi cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn toàn tỉnh).

Để hội viên, nông dân nhận thức được tầm quan trọng trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội Nông dân huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm như: Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua sinh hoạt chi hội hàng quý, sinh hoạt "Câu lạc bộ Nông dân với Pháp luật", tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về an toàn thực phẩm …lồng ghép vào sinh hoạt tại các chi tổ, Hội. Bên cạnh đó, huyện Hội cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng là SĐT của đồng chí chủ tịch HND huyện để trực tiếp tiếp nhận phản ánh của hội viên, nông dân về những vi phạm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đồng thời tổ chức nhiều cuộc giám sát về các nội dung liên quan. Năm 2018 Hội tiếp nhận 65 ý kiến phản ảnh của hội viên nông dân các cấp trong huyện. 

Việc triển khai thực hiện Đề án đã từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp của hội viên, nông dân, giúp người nông dân tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện. Năm 2018, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức 450 buổi chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy sản, kiến thức sản xuất thực phẩm an toàn cho trên 35.700 lượt cán bộ, hội viên tham dự; phối hợp với Đại lý phân bón Đức Trọng, Công Ty TNHH Bằng Tuyên, các doanh nghiệp cung ứng 266,5 tấn phân bón trả chậm các loại giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất. Phối hợp với Ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình triển khai mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi tại xã Khánh Hồng.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với các phòng, Ban Hội Nông dân tỉnh và Sở Công thương giúp các chủ trang trại, chủ cơ sở SXKD xây dựng Website quảng bá sản phẩm, tư vấn thông tin thị trường, tập huấn kiến thức về mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm. 

dong-chi-dinh-khac-dinh-pho-chu-tich-hndvn-du-va-cat-bang-khai-truong-cua-hang-nong-san-an-toan-tung-duong
Đồng chí Đinh Khắc Đính (thứ 5 từ trái qua) - Phó Chủ tịch HNDVN dự và cắt băng khai trương cửa hàng nông sản an toàn Tùng Dương.

Đặc biệt, HND huyện luôn chú trọng việc gắn liền các nội dung “nói không với thực phẩm bẩn” thông qua các hoạt động của HTX, THT thông qua đó tuyên truyền mạnh mẽ hơn đến các cấp hội viên nông dân về nhận thức cũn như tư duy về sản xuất an toàn. Hiện nay,  huyện đã hướng dẫn thành lập 8 tổ hợp tác chăn nuôi tại xã Khánh Hội, Khánh Thủy, Khánh Hồng, Khánh Nhạc, Khánh Thiện, Khánh An, 01 HTX may Công nghiệp xã Khánh Công.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tư vấn, hỗ trợ hội viên nông dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh thực phẩm sạch; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng giúp đỡ, hỗ trợ nông dân đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm, xúc tiến thương mại quảng bá thực phẩm an toàn.

Lê Bích