Làm đường giao thông nông thôn ở tỉnh Hòa Bình
Hòa Bình được xem là cửa ngõ vùng Tây Bắc, là vùng đệm trung gian giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Với vị trí là cửa ngõ vùng Tây Bắc, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, có hệ thống giao thông tương đối đa dạng đã tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để Hòa Bình tăng cường hội nhập và giao lưu kinh tế thương mại, phát triển văn hóa xã hội với các tỉnh/thành trên cả nước. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hòa Bình luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh xác định rõ quan điểm xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, HĐND-UBND Tỉnh trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp cùng sự chung sức đồng lòng, nỗ lực quyết tâm của các cấp, các ngành và nhân dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt nhiều kết quả nổi bật, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt; từ đó tạo nền tảng vững chắc xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp. Đến nay, toàn tỉnh có 73/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 56,6%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 21 xã nông thôn mới nâng cao, một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu. Có ba địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: TP Hòa Bình (năm 2018), huyện Lương Sơn (năm 2019), huyện Lạc Thủy (năm 2020).
Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, thời gian qua, tỉnh đã huy động các nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án triển khai nội dung hỗ trợ phát triển mô hình phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã và đang được thực hiện quyết liệt tại các địa phương, bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hoá, điển hình như các vùng sản xuất cây ăn quả có múi, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cây dược liệu, trồng mía, nhãn... Các sản phẩm nông sản chủ lực về trồng trọt, chăn nuôi từng bước khẳng định được giá trị ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Công tác tổ chức lại sản xuất, dồn điền đổi thửa, tăng cường hoạt động của các HTX nông nghiệp, nhiều hình thức liên kết sản xuất giữa các hộ dân với doanh nghiệp,... cũng được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện đã góp phần tích cực nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống cư dân nông thôn, như giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế...; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, Hòa Bình có 123 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó có 24 sản phẩm đạt 4 sao, 99 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh được các khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng như: Cam Cao phong, Bưởi đỏ Tân Lạc, Cá sông Đà, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ. Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu... Tổ chức nhiều hoạt động triển lãm, quảng bá, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP với các tỉnh bạn....
Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả các tiêu chí về kinh tế, các tiêu chí về văn hóa - xã hội cũng đạt nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng phổ cập được củng cố, duy trì và nâng cao. Công tác y tế tuyến xã từng bước được củng cố; công tác chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở được đổi mới, mở rộng dịch vụ y tế cho tuyến xã; công tác Truyền thông - Giáo dục sức khỏe được quan tâm hơn, ý thức tự bảo vệ sức khoẻ của người dân được nâng cao. Nguồn kinh phí đầu tư cho y tế xã được tăng cường từ ngân sách Nhà nước và từ nguồn xã hội hoá đã hỗ trợ có hiệu quả cho việc xây dựng, nâng cấp cải tạo và sửa chữa cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trạm Y tế xã. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa tiếp tục được triển khai một cách đồng bộ, rộng khắp, đóng góp vào thành công của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội khu vực nông thôn.
Theo Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 13/01/2023 của UBND tỉnh Hòa Bình đề ra, tới cuối năm 2023, tỉnh phấn đấu có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã. Chuẩn hoá từ 16 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên. Tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: Giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Để đạt được kết quả đề ra theo kế hoạch, Hòa Bình cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; lồng ghép thực hiện với nguồn vốn của các chương trình khác để hoàn thành kế hoạch đề ra./.
Phùng Hà