Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ quảng bá, giới thiệusản phẩm của hội viên nông dân |
Với đặc điểm là địa phương đầu tiên trong cả nước được chọn thí điểm chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” nên thời gian đầu tỉnh Quảng Ninh gặp khá nhiều khó khăn. Để triển khai chương trình bảo đảm hiệu quả, tránh những lãng phí không cần thiết, Quảng Ninh đã cử những cán bộ chủ chốt dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các chuyên đề quốc tế về phong trào OCOP tại các nước khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Phi…
Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan; nghiên cứu, xem xét, đánh giá hiệu quả các chương trình hỗ trợ sản xuất, các chính sách hiện hành, hiệu quả của các mô hình đã triển khai tại Việt Nam.
Trên cơ sở đó, bám sát đặc điểm của địa phương thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Quảng Ninh đã xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm và tổ chức, trong đó tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình OCOP được xây dựng theo hướng tạo thuận lợi để các chủ thể sản xuất có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.
Việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” ở Quảng Ninh đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng; đặc biệt là đã tạo nền tảng, kinh nghiệm để các huyện, thành phố, thị xã khai thác tốt các tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.
Doanh thu từ sản phẩm OCOP tại Quảng Ninh liên tục tăng qua các năm; Đặc biệt, trong năm 2018, doanh thu từ sản phẩm OCOP toàn tỉnh ước đạt khoảng trên 500 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2017.
Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP đã trực tiếp tạo việc làm cho gần 4.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Với việc tích cực thực hiện Chương trình OCOP, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh Quảng Ninh đã phát triển được 362 sản phẩm (nhóm thực phẩm: 179, đồ uống: 60, thảo dược: 46, thủ công mỹ nghệ: 7, dịch vụ: 2); trong đó, 138 sản phẩm đã đạt sao (7 sản phẩm đạt 5 sao, 56 sản phẩm đạt 4 sao, 75 sản phẩm đạt 3 sao).
Quảng Ninh cũng đã có 145 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP; trong đó, có 44 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã (HTX), 56 hộ sản xuất. Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã bao bì được cải thiện và ngày càng được người tiêu dùng tin cậy.
Điển hình như Hợp tác xã Phát triển Đình Trung (huyện Bình Liêu) là một đơn vị tiêu biểu trong tham gia thực hiện OCOP. Sau khi đăng ký phát triển mô hình HTX làm miến dong truyền thống, đơn vị đã được hỗ trợ cả về vốn và kỹ thuật.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, mỗi năm, HTX Phát triển Đình Trung sản xuất khoảng 50 tấn miến thương phẩm, doanh thu đạt 3 tỷ đồng. Sản phẩm miến dong đã được tiêu thụ tại địa bàn và đưa ra các tỉnh khác; tại các kỳ hội chợ nông sản trong nước... Do phát triển ổn định nên HTX đã tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập gần 5 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã thành công trong việc phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia triển khai, nhân rộng chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.
Với vai trò là tổ chức đại diện cho đối tượng trực tiếp tham gia sản xuất ra sản phẩm OCOP, MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tập trung quan tâm hỗ trợ hội viên nông dân trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Phối hợp chặt chẽ với các ngành nông nghiệp, khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp tổ chức phổ biến, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, bảo quản, chế biến nông sản, kỹ thuật vận hành các loại máy nông nghiệp...
Ngoài ra, các tổ chức còn chủ động phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Ninh và trên 30 ngân hàng thương mại trên địa bàn tổ chức thành công nhiều hội nghị kết nối ngân hàng với người sản xuất, nhà nông, chủ trang trại gắn với truyền thông về Chương trình OCOP.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã thành công trong việc phát huy vai trò nòng cốt của các cấp Hội Nông dân tham gia triển khai, nhân rộng Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.
Với vai trò là tổ chức đại diện cho đối tượng hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất ra sản phẩm OCOP, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Các cấp Hội đã đặc biệt quan tâm hỗ trợ hội viên, nông dân trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.
Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành nông nghiệp, khoa học và công nghệ…, các doanh nghiệp tổ chức phổ biến, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, hiệu quả cho hội viên, nông dân trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, bảo quản, chế biến nông sản, kỹ thuật vận hành các loại máy nông nghiệp...
Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã chủ động phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Ninh và 19 ngân hàng thương mại trên địa bàn tổ chức thành công nhiều hội nghị kết nối ngân hàng - nhà nông với hàng trăm chủ trang trại và hộ nông dân gắn với truyền thông về OCOP.
nguồn http://www.hoinongdan.org.vn/