Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị
“Phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi” là chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040 vừa được đưa ra tại Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, có sự tham gia của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Giai đoạn 2018-2020, Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái đầy đủ cho ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, đặc biệt là ngành sữa Việt Nam hiện đứng thứ 3 Asean. Tuy nhiên, vẫn phải kể đến những tồn tại, đó là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số; công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường còn nhiều bất cập nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ và giết mổ nhỏ lẻ; tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn chiếm tỷ trọng thấp; hoạt động nghiên cứu khoa học chăn nuôi chưa có nhiều đột phá; công tác dự báo, dự tính về thị trường sản phẩm chăn nuôi còn nhiều hạn chế…. Hội nghị đã tập trung đưa ra 10 nhóm giải pháp chính để phát triển chăn nuôi trong giai đoạn tới và 5 đề án ưu tiên tập trung vào những nhóm vấn đề quan trọng cần đổi mới và hiện đại hóa để thúc đẩy phát triển bền vững ngành chăn nuôi, gồm: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học – công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.
Mục tiêu cụ thể đặt ra là phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, mức tăng trưởng giá trị sản xuất đạt trung bình từ 4 – 5%/năm, giai đoạn 2026-2030 đạt từ 3-4%/năm. Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 5-5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6-6,5 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt lợn, 20-25% thịt và trứng gia cầm. Sản lượng trứng, sữa đến năm 2025 đạt từ 18-19 tỷ quả trứng và từ 1,7-1,8 triệu tấn sữa, đến năm 2030 đạt khoảng 30 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25-30% vào năm 2025, từ 40-50% vào năm 2030.
PA