Bài đăng 18/11/2023
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025
Ngày 17/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lào Cai, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Chủ trì Hội nghị có đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, Đào Ngọc Dung. Bên cạnh đó, tham dự Hội nghị là lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; đại diện Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo; các cục, vụ thuộc Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 của 63 tỉnh, thành phố; đại diện 74 huyện nghèo toàn quốc.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt với tổng kinh phí tối thiểu là 75 nghìn tỷ đồng, gồm 2 dự án và 11 tiểu dự án để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong chương trình. Đây cũng là giai đoạn thứ 2 cả nước thực hiện chuẩn nghèo đa chiều, thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với người nghèo; đồng thời là sự cam kết của Việt Nam với quốc tế về chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1-1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4-5%/năm).
Trong 3 năm (2021-2023), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phân bổ, giải ngân 23.529 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 21.855 tỷ đồng, chiếm 92,8%; ngân sách địa phương là 1.494 tỷ đồng, chiếm 6,3%; huy động khác là 180 tỷ đồng, bằng 0,77%).
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã thực hiện đầu tư trên 1.684 công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục,... tại 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo góp phần phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tạo liên kết vùng phục vụ dân sinh.
Hỗ trợ trên 1.600 dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp với trên 14.496 hộ tham gia. Hỗ trợ hơn 1.000 dự án nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cho khoảng 37.520 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; khoảng 3.587 người được tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
Chương trình cũng hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 88.218 người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang, thiết bị cho 146 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua 03 năm triển khai thực hiện, Chương trình còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như: Việc ban hành văn bản hướng dẫn cũng như việc phân bổ vốn thực hiện Chương trình còn chậm so với yêu cầu; huy động nguồn lực xã hội hoá cho công tác giảm nghèo còn hạn chế; một số dự án triển khai còn chậm, manh mún, dàn trải; cán bộ làm công tác giảm nghèo từ trung ương tới địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng; công tác truyền thông vẫn còn một số nơi thực hiện chưa thực sự hiệu quả, chưa sát đối tượng, chưa phù hợp với điều kiện, đặc thù vùng miền; kết quả giảm nghèo tuy đạt mục tiêu nhưng chưa bền vững; một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững…
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã trao đổi, tham luận các giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng, trúng, hiệu quả cao.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao kết quả Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững đã đạt được trong 03 năm qua; đồng thời thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện cần khắc phục, tháo gỡ thời gian tới. Đồng chí đề nghị tiếp tục rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình theo thẩm quyền được giao; tập trung ưu tiên các giải pháp tác động vào các chiều có tỷ lệ thiếu hụt cao, đặc biệt tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội vùng lõi nghèo để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới…
Linh Đan