00:00 Số lượt truy cập: 2987215

Hội nghị “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Hướng tới một nền nông nghiệp xanh" 

Được đăng : 11/10/2021
Trên cơ sở sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), mô hình PPP đã được thể chế hóa thành Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (gọi tắt là PSAV). Ngày 8/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị toàn thể PSAV “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Hướng tới một nền nông nghiệp xanh”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị.

 

hn1 

Toàn cảnh Hội nghị 

           Nhóm Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) được thành lập trên cơ sở sáng kiến và cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế tại Diễn đàn Kinh tế thế giới. Sau hơn 10 năm hoạt động, đã có 8 nhóm công tác hợp tác công – tư (PPP) được thành lập trong các ngành hàng bao gồm: Cà phê, chè, rau quả, thủy sản, gạo, hồ tiêu, chăn nuôi và hóa chất nông nghiệp, với sự tham gia của 120 tổ chức, các công ty trong nước và quốc tế, hiệp hội ngành hàng, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ. Việc triển khai các Nhóm công tác PPP ngành hàng đã và đang mang lại kết quả tích cực, đáng khích lệ. Đến nay, đã xây dựng được nhiều mô hình trình diễn canh tác bền vững, thân thiện mới môi trường và tăng thu nhập cho nông dân; tạo dựng một số chuỗi giá trị liên kết với các sản phẩm có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.

           Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với một số thách thức lớn. Có thể đề cập tới là khả năng cạnh tranh của các hộ sản xuất quy mô nhỏ còn hạn chế. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và dịch bệnh nông nghiệp. Đây là cơ sở để Bộ NN&PTNT dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay. Chiến lược hướng đến mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới; đồng thời xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh”. Ngành nông nghiệp cũng xác định yêu cầu chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”.

           Các ý kiến tại Hội nghị đề xuất song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp thời gian tới cần phát triển tích hợp đa giá trị của sản phẩm cả về kinh tế, xã hội, văn hóa bản địa, cảnh quan, môi trường. Ngành nông nghiệp cũng xác định cần tạo ra nhiều giá trị mới cho sản phẩm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thay cho thực trạng ngành nông nghiệp tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên.

Linh Đan