00:00 Số lượt truy cập: 3041635

Hội Nông dân chung tay bảo vệ môi trường góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng nông thôn mới. 

Được đăng : 07/12/2022
Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên cả nước đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, huy động sự vào cuộc tích cực, sáng tạo của cán bộ, hội viên nông dân tham gia bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng nông thôn mới.

duyen-ha-dong-sach

Hội viên nông dân ra quân bảo vệ môi trường

Môi trường và biến đổi khí hậu hiện nay đã trở thành vấn đề toàn cầu, bảo vệ môi trường trở thành trách nhiệm, sự quan tâm của cộng đồng, mọi quốc gia và toàn thế giới. Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu được Đảng ta quan tâm xem như là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam luôn xác định công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những hoạt động quan trọng và thường xuyên của các cấp Hội và phong trào nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt là công tác tuyên truyền vận động để người dân có kiến thức, hiểu và có trách nhiệm trong công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì hiện nay, nhận thức về công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân nông thôn còn hạn chế dẫn đến việc sử dụng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, xả rác thải và xử lý không đúng quy trình gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng đến sức khỏe và sản xuất nông nghiệp. Người nông dân vừa là nguyên nhân gây ra những tác động ảnh hưởng xấu đến môi trường, vừa là đối tượng trực tiếp phải gánh chịu những hậu quả môi trường do chính mình và cộng đồng tạo ra.

Nhận thức rõ vai trò là “Trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”, trong những năm qua, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục hội viên, nông dân nâng cao năng lực, trách nhiệm về bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức tập huấn truyền thông nâng cao kiến thức, nhận thức, thay đổi hành vi cho cán bộ, hội viên nông dân, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên. Tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Hội về tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho trên 13 triệu lượt hội viên nông dân. Biên soạn, in ấn, phát hành tờ gấp và sách tuyên truyền về kiến thức cơ bản, pháp luật bảo vệ môi trường; phát hành tờ gấp các loại hướng dẫn sử dụng nước sạch, thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải; “Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, an toàn”... Đây là hình thức tuyên tuyền hiệu quả, trực quan, mang đậm cách thức vận động “cầm tay chỉ việc” đến với hội viên, nông dân. Tổ chức cuộc thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật về tài nguyên, môi trường” theo hình thức sân khấu hóa. Bằng các hình thức thể hiện sinh động, phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng, các đội thi đã sử dụng thơ, ca, hò, vè,... lồng ghép để tuyên truyền chủ đề nông dân với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Nhiều tiểu phẩm hay ra đời mang tính tuyên truyền cao, có sự kết hợp với văn hóa và các loại hình nghệ thuật của địa phương nên đã thu hút đông đảo người tham gia và cổ vũ.  Hội Nông dân tỉnh, thành đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành có liên quan của địa phương tổ chức phát động phong trào thi đua bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như: Phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với Cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tổ chức các phong trào “Nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân trở thành người tiêu dùng xanh” và Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng các mô hình điểm: “Hội Nông dân bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Đoạn đường nông dân tự quản”, mô hình “Hàng cây nông dân”, “Vườn cây nông dân”, mô hình “Hội Nông dân tham gia thu gom, phân loại, xử lý rác thải nông thôn, làng nghề”, mô hình “Tiếng kẻng môi trường”, mô hình "Sạch đồng – Tốt ruộng – Đẹp quê hương”...

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ; sự phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương và các sở, ngành địa phương đã hỗ trợ nguồn lực để Hội Nông dân các cấp tổ chức xây dựng được trên 30 ngàn hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện từng địa phương. Các mô hình áp dụng công nghệ mới phù hợp với điều kiện kinh tế, tập quán, trình độ của người dân, đem lại hiệu quả thiết thực, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại địa phương. Điển hình là các mô hình: “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón, góp phần bảo vệ môi trường”, “Hội Nông dân tham gia cải thiện điều kiện vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới”; ”Vận động nông dân xây dựng nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh ”Cánh đồng không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật”; mô hình Bảo vệ môi trường Biển; Mô hình “sạch từ nhà ra ngõ”, “tiếng kẻng vệ sinh môi trường”, “sạch làng, tốt ruộng, đẹp quê hương”, “tiếng kẻng vệ sinh môi trường”, “ánh sáng quê tôi”; Mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học; Mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã kiểu mới ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị tại tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế và Bình Phước; Mô hình “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa”; mô hình 3 sạch “Nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch”; Mô hình “Xây dựng cống ngăn mặn xâm nhập, trồng cây phân tán trên các tuyến kênh chống gió, bão, lũ lụt và biến đổi khí hậu” vận động hội viên nông dân đóng góp kinh phí và ngày công lao động để xây dựng cống và trồng trên 12 ngàn cây keo lai, bạch đằng, tràm...

Bên cạnh đó, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức thành lập được trên 12 ngàn lạc bộ nông dân bảo vệ môi trường, thu hút được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia, đã góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, giữ gìn môi trường nông thôn xanh sạch đẹp; các cấp Hội đã vận động hội viên, nông dân đóng góp hàng triệu ngày công, hiến đất để làm 78.085 km đường nông thôn.

Để đẩy mạnh và thể hiện rõ hơn nữa vai trò của nông dân trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, thời gian tới, các cấp Hội cần tập trung vào các nhiệm vụ sau: Đẩy mạnh công tác truyền thông vận động, giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và xây dựng hành vi của cán bộ, hội viên, nông dân sống thân thiện với môi trường và chủ động ứng phó với biên đổi khí hậu; Nâng cao năng lực tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn và ứng phó với biến đổi khí hậu cho đội ngũ cán bộ hội các cấp, làm nổi bật vai trò và trách nhiệm của các cấp Hội tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và phát triển bền vững;  Xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình điển hình của Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; Tăng cường giám sát, tư vấn pháp luật, phản biện, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, nông dân về tài nguyên, môi trường; Huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn.

P.Nguyên