Hậu Giang được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004, có diện tích 1.621,7 km2, hiện có 2 thành phố, 01 thị xã và 5 huyện với 75 xã, phường, thị trấn, 525 ấp, khu vực, dân số khoảng 733.017 người, có các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng sinh sống. Hệ thống Hội Nông dân tỉnh gồm 8 đơn vị cấp huyện, 75 cơ sở, 547 chi Hội, 2.543 tổ Hội với95.470 hội viên, hộ có hội viên chiếm 72,3% hộ nông dân.
Những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng phát triển, các chỉ tiêu đề ra hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, GRDP hàng năm đều tăng, thu nhập bình quân từ 34 triệu đồng/người (năm 2015) tăng lên 47,99 triệu đồng/người (năm 2019), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, phát triển; sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển khá toàn diện, nông sản hàng hóa khá đa dạng, việc ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất và đời sống ngày càng hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước cải thiện rõ nét, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được Tỉnh ủy đánh giá là phong trào thực chất, hiệu quả có sức lan tỏa, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tham gia tích cực. Hàng năm, các cấp Hội trong tỉnh chỉ đạo triển khai tuyên truyền trong cán bộ, hội viên nông dân quán triệt các chủ trương, mục đích, ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của phong trào thi đua, các quy định tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để hội viên nông dân tự nguyện đăng ký phấn đấu trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Từ năm 2015 đến nay có tổng số 483.181 lượt hộ nông dân đăng ký, bình quân hàng năm có trên 96.000 hộ đăng ký.
Để tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua, giúp nông dân trong sản xuất, kinh doanh, Hội chủ động phối hợp và ký kết liên tịch với các sở, ngành, đơn vị chức năng trong tỉnh và ngoài tỉnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong nông dân thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng đến năm 2020 (Đề án 1.000); Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản chất lượng cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020; Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng đến năm 2020; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hoá trong sản xuất; thực hiện chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình, biện pháp sản xuất, kinh doanh hiệu quả. 5 năm qua, có 383.560 lượt nông dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ... Phối hợp hỗ trợ xây dựng được nhãn hiệu cho 11 loại sản phẩm chủ lực của địa phương, được chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá như Chanh không hạt Hậu Giang, Quýt đường Long Trị, Cá thát lát Hậu Giang, Khóm Cầu Đúc Hậu Giang.... Trong đó 3 nông sản (cam sành, khóm Cầu Đúc, cá thát lát) đã phát triển thành thương hiệu nổi tiếng và 5 loại nông sản (bưởi, cam sành, khóm, cá thát lát, cá rô đồng) thực hiện đạt tiêu chuẩn GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, trong 5 năm qua, Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã xây dựng được trên 1.000 ha các mô hình nhân giống lúa chất lượng cao, sản xuất lúa chất lượng cao, “3 giảm 3 tăng”, IPM trên cây lúa, mô hình cấy máy, xử lý rơm rạ bằng nấm Trichoderma, trồng hoa sinh thái, nuôi cấy nấm xanh phòng trừ rầy nâu,… có 100 hộ tham gia. Các mô hình này đã giúp cho người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất, bước đầu giúp cho người nông dân tiếp cập với qui trình sản xuất để giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần làm tăng thu nhập cho người nông dân. Chênh lệch lợi nhuận giữa mô hình sản xuất lúa so với sản xuất lúa truyền thống dao động khoảng 5 – 26 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra mô hình này còn tạo ra nguồn giống lúa xác nhận cung cấp cho địa phương, góp phần làm tăng tỉ lệ nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, giống lúa chất lượng trong tỉnh. Hiện nay, trên 80% diện tích sử dụng giống cấp xác nhận trong toàn tỉnh.
Trên cây ăn trái
Qua 5 năm đã hỗ trợ 269 hộ thực hiện các mô hình trên cây ăn trái với qui mô 87,4 ha. Nhìn chung, các mô hình đã giúp người dân ứng dụng các kỹ thuật trồng, chăm sóc vào vườn cây ăn trái, quản lý dịch hại trên các loại cây ăn trái giúp tuổi thọ của cây ngày càng tăng và phát triển xanh tốt, năng suất và chất lượng trái tăng lên. Cải tạo vườn tạp trồng những cây có giá trị kinh tế cao hơn cũng như lựa chọn các loại cây trồng, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là tại huyện Long Mỹ, ứng dụng túi bao trái giúp hạn chế tối đa sự gây hại của sâu bệnh. Đặc biệt hiệu quả của mô hình cải tạo vườn quýt đường, chênh lệch giữa mô hình và ngoài mô hình khoảng 243 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế giữa mô hình hệ thống tưới so với kiểu tưới truyền thống tiết kiệm chi phí tưới khoảng 27 triệu đồng/ha/năm, mô hình bao trái bưởi tiết kiệm chi phí phun thuốc BVTV khoảng 2,45 triệu đồng/1000m2 .
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền cho nông dân trong và ngoài mô hình ngày càng sâu rộng, tạo được sự đồng thuận của bà con nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới như sử dụng phân hữu cơ bón cho cây trồng, sử dụng thuốc BVTV theo phương pháp “4 đúng” và tạo được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Trên cây rau màu
Trong 5 năm đã xây dựng được trên 10 ha mô hình trồng rau màu các loại, có 50 hộ tham gia. Nhìn chung, hiệu quả từ các mô hình trồng rau màu luôn cho hiệu quả kinh tế tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa và canh tác theo tập quán nông dân. Hiện nay, màng phủ nông nghiệp đã được sử dụng rộng rãi trên cây màu. Từng bước qua các kênh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người trồng rau đảm bảo sản phẩm làm ra được an toàn cho người tiêu dùng.
Trên con heo
Qua các năm, Ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ 17 nông dân thực hiện các mô hình chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường với qui mô 145 con. Các mô hình đã hướng dẫn người dân ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trong quá trình chăn nuôi heo, giúp người dân quen dần với hình thức nuôi theo hướng công nghiệp: sử dụng thức ăn công nghiệp, xây dựng hầm ủ biogas và đệm lót sinh học để xử lý chất thải đảm bảo VSMT,... Hiệu quả điển hình khi nuôi 15 con heo trên đệm lót sinh học có thể tăng lợi nhuận khoảng 3 triệu đồng. Tuy nhiên, dịch bệnh và tình hình biến động giá cả, giá thức ăn tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình chăn nuôi, người chăn nuôi heo chưa yên tâm để đầu tư.
Trên con gia cầm
Qua các năm, Ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ trên 100 hộ xây dựng mô hình chăn nuôi gia cầm trên nền đệm lót sinh học gồm gà, vịt với trên 50.000 con (trong đó có 3.600 con vịt bố mẹ chuyên trứng). Các mô hình này đã khuyến cáo người dân nuôi theo hướng tập trung, đảm bảo qui trình nuôi theo hướng an toàn sinh học, nuôi trên đệm lót sinh học nhằm hạn chế rũi ro về dịch bệnh. Cụ thể khi nuôi gà trên đệm lót sinh học (200 con) có thể tăng lợi nhuận 1,9 triệu đồng
Trên thủy sản
Từ năm 2016-2020, Ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình ở lĩnh vực thủy sản với tổng diện tích 5,7 ha, có 35 hộ tham gia. Các mô hình đã góp phần thúc đẩy sự phát triển các mô hình thủy sản trong tỉnh, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, giúp cho người nông dân ngày càng nâng cao thu nhập.
Đối với mô hình nuôi cá trên ruộng lúa, nuôi cá thát lát ghép sặc rằn, nuôi cá rô đồng ghép sặc rằn, nuôi cá lóc vèo ghép sặc rằn, nuôi lươn. Các mô hình này đạt hiệu quả kinh tế khá cao, giảm chi phí, tăng thu nhập, giảm ô nhiễm môi trường và phù hợp với điều kiện nuôi ở Hậu Giang. Hiện nay, các mô hình này đang được nông dân áp dụng.
Đối với mô hình nuôi tôm càng xanh, tôm sú luân canh trên ruộng lúa và nuôi cá tra thâm canh. Các mô hình này về mặt hiệu quả kinh tế đạt lợi nhuận cao, nông dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật mới. Tuy nhiên, về công tác nhân rộng còn hạn chế do chi phí đầu tư cao, yêu cầu người nuôi có kỹ thuật và vốn đầu tư.
Các mô hình khác:
Mô hình nấm rơm
Các mô hình trồng nấm rơm đã giúp cho người nông dân ứng dụng các kỹ thuật mới trong trồng nấm rơm, tận dụng nguồn rơm dư thừa trong canh tác lúa để trồng nấm, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho người dân. Mô hình này từng bước được nhân rộng ở các địa phương như: thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ và Vị Thủy. Đặc biệt, khi người dân trồng nấm rơm trong nhà với diện tích 48m2 mang lại lợi nhuận khoảng 5,3 triệu đồng/vụ, cao hơn trồng nấm rơm ngoài trời khoảng 1,8 triệu đồng/vụ.
Mô hình hỗ trợ cơ giới hóa
Các mô hình đã hỗ trợ trang thiết bị, góp phần phát triển cơ giới hóa trong sản xuất (dụng cụ sạ hàng, máy cấy, máy phun thuốc,…), phù hợp với xu thế phát triển do nguồn lao động thủ công ngày càng khang hiếm và sử dụng máy móc thiết bị để nâng cao năng suất lao động.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy nông dân tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Cây lúa diện tích gieo trồng khoảng 195.000 ha, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận 1,2 đạt trên 70%; Cây rau màu các loại, diện tích gieo trồng khoảng gần 20.000 ha (năm 2015 là 19.941 ha), sản lượng khoảng 250.000 tấn, tăng 12 % so với năm 2015; Cây cây ăn trái tăng từ 30.743 ha năm 2015 lên gần 40.000 ha, sản lượng 370.000 tấn, tăng 39,1% so với năm 2015; Tổngđàn gia súc, gia cầm ước tính đến cuối năm 2019: đàn heo 151.800 con, tăng 19,6% so với năm 2015; đàn gia cầm 4.134.000 con tăng 12% so với năm 2015; đàn trâu 1.640 con, đàn bò 3.300 con, tăng 32% so với năm 2015; diện tích nuôi thủy sản là 7.490 ha, sản lượng 69.900 tấn, tăng 16% so năm 2015. Hiện nay, thu nhập bình quân của hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở là 170 triệu đồng/hộ, tăng 37 triệu đồng/hộ; cấp huyện 239 triệu đồng/hộ, tăng 21 triệu đồng/hộ, cấp tỉnh 492 triệu đồng/hộ, tăng 10 triệu đồng/hộ, cấp trung ương 957 triệu đồng/hộ, tăng 201 triệu đồng/hộ so với năm 2015.
Từ kết quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn nhiều ngành nghề, dịch vụ ngày càng phát triển, thay đổi hình thức sản xuất, kinh doanh, đến nay toàn tỉnh có 34.679 mô hình sản xuất có hiệu quả; 14 trang trại chăn nuôi, 8 trang trại tổng hợp, 3 trang trại thủy sản, 179 hợp tác xã (4.003 thành viên), 562 tổ hợp tác (11.549 thành viên), thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản, trên địa bàn hiện có khoảng 25 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu lúa, chanh không hạt, mãng cầu xiêm với nông dân. Áp dụng các quy trình sản xuất, tiên tiến, thân thiện với môi trường như VietGAP (cam sành 54,5 ha, chanh không hạt 6 ha, các loại cây trồng khác 164,2 ha), Global GAP (10 ha chanh không hạt), mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây ăn trái, rau màu đang được nhân rộng. 5 năm qua, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp 108.437 lao động có việc làm.
Phong trào đã thu hút đông đảo nông dân tham gia, xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến với những mô hình kinh tế hiệu quả như: Mô hình nuôi và chế biến cá thát lát của hộ ông Võ Đình Chiến, khu vực Bình Hiếu, phường Vĩnh Thường, thị xã Long Mỹ; mô hình sản xuất lươn giống và lươn thương phẩm của hộ ông Trần Văn Niềm, Ấp 8, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ; mô hình trồng dưa lưới của hộ ông Võ Văn Trưng, ấp Tân Long B, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp; mô hình nuôi heo rừng và gà thả vườn của hộ ông Đặng Ngọc Bổn, ấp Phú Lợi A, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành; mô hình trồng dâu kết hợp tham quan du lịch của hộ ông Lê Minh Tâm, Khu vực 7, phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy; mô hình sản xuấtlúa giống, rau màu các loại, mua bán lúa hàng hóa, dịch vụ bơm tưới, xới đất phục vụ sản xuất của Hợp tác xã Toàn Tâm, Ấp 3, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ… Phong trào đã khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau giảm nghèo, thi đua làm giàu; xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn; tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội đã vận động các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ vốn, cây, con giống và kinh nghiệm sản xuất cho 5.871 lượt hộ nông dân với tổng số tiền hỗ trợ 20.807 triệu đồng; qua đó giúp 3.139 hộ nông dân thoát nghèo. Phong trào thu hút, tạo sự gắn bó ngày càng chặt chẽ hơn giữa tổ chức Hội với hội viên, nông dân, 5 năm qua Hội đã kết nạp 33.095 hội viên, bổ sung lực lượng đáng kể vào tổ chức Hội, góp phần thúc đẩy xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, nâng cao chất lượng tổ chức Hội và các phong trào nông dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nông dân.
Tiến Trình