Ba Bể là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Kạn, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp. Những năm qua nhờ có nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp như chính sách cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội nông thôn được triển khai thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi để nông dân yên tâm phát triển sản xuất, ổn định đời sống góp phần hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản về sản xuất nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường thường xuyên có những biến động như: năm 2017 dịch bệnh lùn sọc đen gây hại tại một số xã với nhiều diện tích lúa bị mất trắng, 6 tháng đầu năm năm 2017 giá thịt lợn hơi giảm mạnh, nhiều hộ chăn nuôi không xuất bán được lợn đã gây thua lỗ, thiệt hại về kinh tế, khó khăn trong việc tái lại đàn. Năm 2019, dịch tả lợn Châu phi xảy ra trên địa bàn huyện gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi.
Thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, các cấp Hội Nông dân trong toàn huyện đã tích cực thực hiện tốt các hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân đặc biệt là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Hàng năm, căn cứ Quy định số 194-QĐ/HNDT ngày 28/11/2014 của Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn về tiêu chuẩn hộ nông dân SXKD giỏi các cấp và chỉ tiêu của Tỉnh Hội giao, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cơ sở Hội tổ chức phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tới toàn thể hội viên nông dân và tổ chức cho hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp; giao chỉ tiêu cụ thể về số hộ nông dân đăng ký và đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp cho các cơ sở Hội; chỉ đạo các cơ sở Hội thường xuyên kiểm tra các hoạt động của phong trào ở các chi hội để đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời có những biện pháp chỉ đạo phong trào một cách sát thực, hiệu quả. Cuối năm tiến hành khảo sát, bình xét và cấp giấy chứng nhận cho các hộ nông dân đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đồng thời, để hỗ trợ thúc đẩy phong trào, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cơ sở tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân như: Hỗ trợ tạo điều kiện vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn Ngân hàng chính sách xã hội, phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề ... tạo điều kiện giúp các hộ nông dân sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất. Kết quả, trong 3 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp các cơ quan chuyên môn mở được 322 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 17.785 lượt hội viên, nông dân; Phối hợp tổ chức dạy nghề cho hội viên, nông dân được 26 lớp cho 718 lượt học viên; Cung ứng 257 tấn phân bón trả chậm cho hội viên nông dân. Tạo điều kiện cho 94 lượt hộ vay Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền 3.025 triệu đồng; Nguồn vốn chính sách xã hội tính đến ngày 31/7/2019 đã cho 2.098 hộ vay/71 tổ TK&VV với số tiền 91.611 triệu đồng.Với những cách làm cụ thể, sáng tạo như trên, Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2019 trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả nổi bật sau:
Từ năm 2016 -2019, đã có 6.626 lượt hộ hội viên đăng ký danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp và có 2.122 lượt hộ đạt (năm 2019 chưa xét), trong đó: 30 lượt hộ đạt cấp tỉnh, 267 lượt hộ đạt cấp huyện, 1.825 lượt hộ đạt cấp xã. Từ phong trào số hộ khá giàu tăng lên, đời sống người dân đang từng bước được nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương. Năm 2016, tỷ lệ hộ hội viên nghèo toàn huyện là 33,4% đến năm 2018 giảm xuống 26,2%. Trong phong trào đã xuất hiện những mô hình và những tấm gương nông dân đổi mới tư duy sản xuất, dám nghĩ, dám làm, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, điển hình như: Hộ ông Triệu Kim Chìu xã Khang Ninh đã khai phá, cải tạo đất canh tác để trồng các loại cây gỗ có giá trị kinh tế cao như Lát, Xoan và đào ao thả cá, chăn nuôi đại gia súc cho thu nhập hàng năm trên 700 triệu đồng; Hộ ông Hoàng Văn Tâm, xã Đồng Phúc đã khai phá đất ruộng để làm ao thả cá với tổng diện tích các ao hơn 1 ha kết hợp chăn nuôi cho thu nhập trên 350 triệu đồng/năm. Hộ ông Lý Văn Dũng - Thôn Khuổi Trả, xã Phúc Lộc với mô hình kinh doanh hàng tạp hóa và sản xuất gạch không nung cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm...
Phong trào đã có sức thu hút và tạo sự gắn bó ngày càng chặt chẽ hơn giữa tổ chức Hội với hội viên, nông dân, góp phần thúc đẩy xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Từ năm 2016 - 2018, đã kết nạp thêm 1.130 hội viên nâng tổng số hội viên toàn huyện lên 8.488 hội viên, chiếm 85,5% so với tổng số hộ nông nghiệp. Tổ chức Hội ngày càng được cũng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, hàng năm tỷ lệ cơ sở Hội và chi Hội đạt vững mạnh và khá đạt trên 85% trở lên và không có cơ sở Hội, chi Hội xếp loại yếu, kém. Những kết quả trên đã khẳng định Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn; Phong trào đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp trong nông thôn, xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị ở nông thôn nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Qua thực tiễn thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân huyện đã tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng; sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền, các cơ quan ban, ngành trong quá trình tổ chức và thực hiện chỉ đạo phong trào; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, khích lệ, động viên tinh thần hăng hái, nhiệt tình hưởng ứng, dám nghĩ, dám làm cùng tham gia phong trào của đông đảo hội viên, nông dân. Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật cho cán bộ Hội các cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.Công tác tổ chức, chỉ đạo phong trào của Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp tập trung, kiên quyết, cụ thể; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, tổ chức nhân rộng những điển hình tiên tiến; kịp thời biểu dương, khen thưởng các hộ nông dân đạt thành tích xuất sắc. Qua đó nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế- xã hội; về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ giúp nhau giảm nghèo, sản xuất, kinh doanh giỏi; phát huy truyền thống đoàn kết, giúp nhau trong sản xuất và cuộc sống với sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương và của tổ chức Hội.Xây dựng cơ sở Hội vững mạnh là tiền đề tổ chức phong trào có hiệu quả.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Hội Nông dân các cấp trong toàn huyện sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình tới hội viên nông dân.Đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế - xã hội; hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình và đối tượng sản xuất, kinh doanh phù hợp gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.Xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến, xuất sắc phù hợp với tiềm năng của từng địa phương. Nêu gương và tổ chức học tập, nhân rộng các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi và giúp đỡ có hiệu quả đối với các hộ nghèo. Gắn phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi với các hoạt động công tác Hội. Từng bước xây dựng tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh về mọi mặt, thực sự là trọng tâm nòng cốt trong việc thực hiện các phong trào của Hội.
Trình Vi