00:00 Số lượt truy cập: 2662968

Hội Nông dân Lai Châu kết hợp tập huấn và xây dựng mô hình, dự án KHCN cho nông dân 

Được đăng : 10/08/2019

 

Lai Châu là tỉnh miền núi thuộc khu Tây Bắc, có địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu, địa hình chia cắt, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí còn thấp, trình độ cán bộ ở các cấp Hội Nông dân còn bất cập. Trong năm 2019 Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tập huấn về ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống đến hội viên nông dân trong tỉnh.

- Trong 9 tháng đầu năm 2019 Hội Nông dân tỉnh triển khai phối hợp với Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thực hiện 04 mô hình trình diễn phân bón Lâm Thao cho cây chè tại thành phố Lai Châu. Phối hợp tổ chức 01 lớp tập huấn kiến thức về mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, 03 lớp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, 01 lớp kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 429 cán bộ, hội viên nông dân; mở được 19 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 475 hội viên nông dân; điển hình là thực hiện mô hình úm giống gà H’Mông tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân để cung ứng cho hội viên nông dân xã Xà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ; tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả ôn đới tại xã Giang ma huyện Tam Đường. Từ nguồn phí vay Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã tổ chức 04 lớp tập huấn kỹ thuật và cách phòng, trị bệnh/04 dự án vay vốn được triển khai: dự án chăn nuôi trâu sinh sản, nuôi ngựa bạch sinh sản, nuôi thỏ làm nguyên liệu sản xuất vacxin, nuôi gà thương phẩm cho 160 học viên tại các xã Mường So, thị trấn Phong Thổ huyện Phong Thổ, xã Kan Hồ huyện Mường Tè, xã Phúc Than huyện Than Uyên. Hội Nông dân các huyện, thành phố tăng cường phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nhất là việc đưa các giống mới có năng xuất cao vào sản xuất.

Sở KH&CN phối hợp với Trường dạy nghề huyện Phong Thổ mở lớp tập huấn chuyển giao công nghệ sản xuất nấm ăn tại xã Ma Ly Chải huyện Phong Thổ; tiếp tục duy trì việc tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng nấm ăn cho người dân tại huyện Tam Đường, Tân Uyên, Phong Thổ. Tiếp tục cung ứng giống nấm đạt tiêu chuẩn chất lượng cho các hộ dân trong tỉnh. Trong năm 2019 đã cung ứng được 500 kg giống nấm sò cấp 3 cho các hộ dân có nhu cầu.

Cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn, Hội Nông dân tỉnh triển khai mô hình trình diễn và bảo tồn gen thuộc đề tài “ Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số loài cây thuốc quý hiếm có giá trị kinh tế thuộc chi 7 lá một hoa tại tỉnh lai Châu phục vụ hội thảo tư vấn về đề án phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 tại thành phố Lai Châu. Phối hợp với huyện Mường Tè tổ chức lớp tập huấn lỹ thuật canh tác khoai sọ thuộc nội dung dự án “Xây dựng mô hình trồng khoai sọ Nậm Khao theo hướng hàng hóa tại huyện Mường Tè”. Phối hợp với huyện Tân Uyên tổ chức Hội nghị “Đánh giá công tác phục tráng giống lúa nếp Khẩu Hốc tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu”.

Triển khai các dự án khoa học công nghệ, xây dựng và chuyển giao các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân

Phối hợp, triển khai các đề tài, dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi,Chương trình Tây bắc bao gồm: Tổng hợp 05 đề xuất đặt hàng dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi bắt đầu thực hiện từ năm 2020 của các tổ chức trong và ngoài tỉnh; triển khai thực hiện 10 nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước (08 nhiệm vụ thuộc Chương trình Nông thôn miền núi; 02 nhiệm vụ thuộc Chương trình Tây Bắc trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra định kỳ 04 dự án Chương trình Nông thôn miền núi: “Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gạo đặc sản địa phương (Khẩu Ký, Tẻ Râu) của tỉnh Lai Châu nhằm phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh”; “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi Trâu bản địa năng suất, chất lượng cao và phát triển chuỗi tiêu thụ sản phẩm tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu”; “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng chè nguyên liệu cho chế biến chè Olong và chè xanh chất lượng cao tại tỉnh Lai Châu”; “Chuyển giao công nghệ buồn lọc nước đa tầng để xử lý nước mặt, nước ngầm thành nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Lai Châu”. Kết quả các đề tài, dự án cơ bản bám sát mục tiêu nội dung và kế hoạch thực hiện theo hợp đồng đã ký. Phối hợp với cơ quan chủ trì triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm gạo đặc sản địa phương (Khẩu ký, Tẻ râu) của tỉnh Lai Châu thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025”. 

Qua việc triển khai các đề tài, dự án đã giúp thay đổi nhận thức, trang bị kỹ thuật và đối tượng nuôi mới, hình thành mô hình làm ăn kinh tế từ nuôi cá lồng cho các hộ dân sống ven các hồ thuỷ điện (như cá tầm thương phẩm và trứng cá tầm Caviar). Đồng thời, đã xây dựng 60 ha sản xuất giống lúa Séng cù hàng hóa tạo vùng nguyên liệu chế biến gạo Séng cù Than Uyên trong 3 vụ, với năng suất bình quân đạt 42 - 45 tạ/ha, từ đó được huyện Than Uyên ứng dụng nhân rộng thêm 100 ha. Ngoài ra, việc ứng dụng các tiến bộ về giống, kỹ thuật thâm canh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được tập trung ứng dụng và chuyển giao cho người nông dân. Thông qua các đề tài, dự án khoa học được triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ; ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và dạy nghề cho nông dân tiếp tục được triển khai và ngày càng nâng cao chất lượng.

P. Loan