00:00 Số lượt truy cập: 2989078

Hội nông dân Nghệ An thúc đẩy nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp 

Được đăng : 29/10/2021

 

    Trong những năm qua Nghệ An luôn chú trọng tới phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, coi đây là khâu then chốt để tạo bước đột phá, là nền tảng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp bền vững; tỉnh đã Quy hoạch vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: sản xuất rau an toàn, hoa trong nhà lưới; sản xuất lúa áp dụng công nghệ canh tác theo quy trình Viet GAP, công nghệ thâm canh cây trồng theo SRI, tưới phun nhỏ dọt ngoài trời;  nuôi Bò sữa  theo công nghệ  Ixren;  nuôi lợn thịt ứng dụng công nghệ cao...

Thời gian qua các cấp Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện một số hoạt động thiết thực, có hiệu quả nhằm  thúc đẩy nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, cụ thể như:

    Việc đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến, quán triệt cho cán bộ, hội viên, nông dân các chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của nhà nước về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp để mỗi người dân hiểu, nắm rõ, đồng thuận và tích cực tham gia (Nghị định số: 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 7/9/2018, của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số: 19/2018/QĐ-TTg ngày 19/4/2018 Quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Nghị quyết số 06 -NQ/HNDTW, ngày 06/7/2006 và Kết luận số 209-KL/HNDTW, ngày 04/7/2016 của Trung ương Hội NDVN về đẩy mạnh công tác khoa học và công nghệ thời kỳ CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số:15/2018/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 của UBND tỉnh ban hành quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND ngày 20/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh).

 

Tích cực vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất; thay đổi ý thức từ sản xuất nhỏ lẻ hộ gia đình sang liên doanh, liên kết hợp tác trong sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị từ nuôi trồng, thu hoạch bảo quản và chế biến, kinh doanh; mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ: sinh học, nhà màng, nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến, tự động hóa, … để giúp người dân sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường,  mặt khác giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được việc sản xuất phụ thuộc mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản. Tuyên truyền, vận động hộ nông dân xây dựng các vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi như sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, phát triển chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản theo các vùng sản xuất hàng hóa theo quy hoạch của tỉnh; gắn việc sản xuất kinh doanh với việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (Trực tiếp tư vấn và hỗ trợ thành lập được trên 230 tổ hợp tác, 13 hợp tác xã nông nghiệp; thành lập  590 tổ hội nông dân nghề nghiệp và 33 chi hội nông dân nghề nghiệp) từ kết quả hoạt động của các mô hình này đã góp phần hình thành nên những mô hình sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Tập trung chỉ đạo, phát động và hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững để phong trào ngày càng có chất lượng và có sức lan tỏa rộng rãi, thu hút được đông đảo hộ nông dân tham gia đăng ký và phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, kết quả đến nay toàn tỉnh có 146.708 hộ đạt tiêu chí hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tiên phong, mạnh dạn, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền đổi thửa, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, thâm canh để tăng năng suất và chất lượng, giá trị sản phẩm trên đợn vị diện tích, từ đó xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, tập trung chủ yếu là các mô hình trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình có quy mô lớn, nổi bật.

Chủ động  phối hợp với các cấp, các ngành thu hút các nguồn lực để tổ chức mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, tập huấn chuyển giao KHKT cho hội viên nông dân; phổ biến các kiến thức về sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp theo hướng an toàn, quản trị, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất kinh doanh nông nghiệp để từng bước nâng cao trình độ tay nghề, kỹ thuật, biết ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; làm chủ công nghệ, dây chuyền sản xuất, sử dụng nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, cơ giới hóa, kỹ thuật sử dụng phân bón...thích ứng và phát huy trong môi trường công nghệ hiện đại. Nhiều nông dân sau khi tham gia các lớp dậy nghề, tập huấn KTKT đã áp dụng vào sản xuất; sau học nghề mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập gấp 3-4 lần so với trước.

 

Hội Nông dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân được tiếp cận với các vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất nông nghiệp, như hỗ trợ vay vốn thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đến nay đã đầu tư xây dựng được 281 mô hình dự án, với 2.068 hộ hội viên nông dân vay vốn, với tổng số tiền là 78.061 triệu đồng; nhận uỷ thác Ngân hàng Chính sách xã hội, dư nợ đạt 2.801.379 triệu đồng; tín chấp qua Ngân hàng nông nghiệp đạt 716.382 triệu đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt đạt 67.651 triệu đồng; phói hợp với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn để cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân hàng năm đạt trên 16.000 tấn phân bón các loại…ký chương trình phối hợp với Tổng Công ty Dabaco để cung ứng con giống và thức ăn cho nông dân…Ngoài ra hàng năm các cấp hội đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành có liên quan tổ chức các hoạt động tạo môi trường cho người dân tiếp cận các kiến thức kỹ năng trong sản xuất kinh doanh như: Tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, tham dự các hội thảo về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết nối cung cầu, sàn giao dịch thương mại điện tử; tham quan học tập mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài tỉnh…

Để tạo điều kiện cho tỉnh Nghệ An đẩy mạnh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đề nghị các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Nghệ An cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, chỉ đạo xây dựng một số mô hình trọng điểm tập trung tạo đột phá; Trên cơ sở, vùng đã quy hoạch, một số cây, con, chủ lực đã được xác định, cần có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút, huy động các công ty, doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân đầu tư theo hướng công nghệ cao, quy mô lớn trong sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững của tỉnh nhà.

 

Trường Giang