Hội Nông dân tỉnh tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác và kế hoạch phối hợp năm 2022 giữa Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và triển khai nông sản, hàng hóa.
Thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. Nắm bắt được xu hướng đó, năm 2021, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án "Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025" với mục tiêu tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về chuyển đổi số. Đến nay, sau một năm triển khai Đề án, với những việc làm cụ thể, thiết thực, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã và đang góp phần làm chuyển biến nhận thức của hội viên nông dân về chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số.
Thực tế thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu, giúp nông dân kết nối trực tiếp với người tiêu dùng (thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái để mang sản phẩm đến người tiêu dùng thì ngày nay, chuyển đổi số giúp người bán và người mua kết nối trực tiếp với nhau). Mặt khác, giúp nông dân nâng cao năng suất lao động (canh tác nông nghiệp bằng thiết bị điều khiển từ xa, việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới và thu hoạch đều sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh). Tuy nhiên, trình độ ứng dụng công nghệ của cán bộ, hội viên nông dân còn hạn chế, tập quán canh tác nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp…
Triển khai thực hiện Đề án, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ số vào một số lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp, như: Truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, sử dụng các công cụ, phần mềm trực tuyến....". Tuyên truyền đến hội viên nông dân thấy rõ được lợi ích của chuyển đổi số như: Sử dụng điện thoại thông minh trong giao dịch mua bán các sản phẩm nông sản tiêu dùng không dùng tiền mặt hoặc chuyển tải các thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên hệ thống mạng Internet, Zalo, Facebook……..từng bước giới thiệu kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và thị trường; Kết nối giữa người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước với thị trường.
Đồng thời tích cực vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đi đầu trong lĩnh vực ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; giới thiệu các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn đã và đang triển khai thành công tại một số địa phương tới hội viên, nông dân trong tỉnh. Trong năm qua, Hội Nông dân tỉnh phối hợp hỗ trợ trao hơn 250.000 tem truy xuất nguồn gốc; xây dựng 18 mô hình ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu là các mô hình: sản xuất rau theo hướng hữu cơ ứng dụng CNC; nuôi tôm thâm canh ứng dụng CNC tại vùng ven biển huyện Kim Sơn; trồng bưởi ứng dụng CNC; mô hình trồng đào áp dụng công nghệ tưới, tiêu tiết kiệm nước; nuôi dê núi theo chuỗi giá trị; các mô hình nuôi trồng thủy sản, trồng rau, củ, quả trong nhà lưới có hệ thống tưới tự động...
Đặc biệt, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận với chuyển đổi số. Theo đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đưa được gần 100 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được đưa lên sàn thương mại điện từ (TMĐT). Phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức 3 hội nghị tập huấn giới thiệu sàn TMĐT postmart.vn và lợi ích của bà con khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT cho 537 cán bộ, hội viên, từng bước tuyên truyền đến Hội viên nông dân các xã, phường, chi hội trực thuộc; đặc biệt đối với các hộ nông dân sản xuất kinh giỏi trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản để giới thiệu sản phẩm nông sản của minh lên sàn thương mại điện tử để kết nối và điều khiển các yếu tố từ xa; hỗ trợ và hướng dẫn 242 hộ nông dân tạo tài khoản mua, bán hàng trên sàn TMĐT. Đến nay, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đã sử dụng sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) là một trong những đơn vị khá thành công từ phương thức bán hàng này.
Phúc Nguyên