Hội Nông dân đăng ký với cấp ủy, chính quyền công trình xây dựng tuyến đường hoa
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đã được Trung ương, các tỉnh ghi nhận, lựa chọn mô hình để nhân rộng (là Tỉnh đầu tiên miền bắc có huyện đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Cô Tô là huyện đảo đầu tiên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; xã Việt Dân, thị xã Đông Triều là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của cả nước; chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP tỉnh Quảng Ninh) là sản phẩm riêng của tỉnh Quảng Ninh được Trung ương chọn và triển khai nhân rộng ra cả nước. Ngoài ra tỉnh còn được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong ban hành các cơ chế, chính sách, thí điểm thực hiện các mô hình mới. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy tính năng động của người dân, tỉnh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025 trong năm 2022.Sự thành công trong chương trình nông thôn mới của tỉnh có sự đóng góp tích cực của Hội Nông dân Quảng Ninh.
Các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung tuyên truyền để nông dân thấy được vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới; trong tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn; trong đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, trong xây dựng và giữ gìn đời sống văn hóa - xã hội, môi trường ở nông thôn. Mục tiêu cốt lõi của công tác tuyên truyền là để người nông dân phải thực sự hiểu được, thấy được là họ làm cho chính mình, thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và quy định của địa phương.
Tỉnh đã chú trọng nâng cao hiệu quả công tác vận động nhân dân, phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng", theo đó, người dân đã được dân chủ thảo luận, bàn bạc, quyết định làm gì, việc gì làm trước, việc gì làm sau, phù hợp với khả năng của họ, phù hợp với nguồn lực của địa phương, theo hướng công trình ở thôn, bản do dân tự quản lý, công trình ở xã do xã quản lý. Trong tuyên truyền, vận động xây dựng hạ tầng nông thôn, các cấp Hội chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực vận động hội viên nông dân đóng góp sức người, sức của, hiến đất làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương. Trong 10 năm, hội viên, nông dân đã hiến hơn 450.000 m2 đất, tự nguyện tháo dỡ trên 50.000 m tường rào; đóng góp hơn 65,3 tỷ đồng, hơn 364.000 ngày công lao động (để xây dựng hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi công cộng), sửa chữa và xây mới 1.461 km đường giao thông, 179,3 km kênh mương, sửa chữa 253 cầu cống, xây dựng hơn 200 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các khu sản xuất; 215 hầm Biogas, xây dựng các mô hình xử lý rác thải; mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; xây dựng 638 chi Hội thực hiện tiêu chí “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”...
Trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã vận động nhiều nguồn lực hỗ trợ huyện Bình Liêu hoàn thành xây dựng Nông thôn mới vượt chỉ tiêu đề ra. Điển hình như đóng góp, ủng hộ 406 triệu đồng hỗ trợ 88 hộ dân huyện Bình Liêu xây nhà tiêu hợp vệ sinh; hỗ trợ hội viên nông dân Bình Liệu trồng 130ha dong riềng; cung ứng trên 80.000 cây thông cho trên 40 hội viên, hộ nông dân Bình Liêu trồng trên diện tích 50ha...
Hàng năm, Hội nông dân tỉnh Quảng Ninh đều đưa chỉ tiêu “Tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường” thành một trong những chỉ tiêu chính để xếp loại. Trên cơ sở đó, các cấp hội xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành để thực hiện các chương trình, hoạt động. Đặc biệt, qua chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được sự tham gia tích cực của hội viên nông dân trong thực hiện tiêu chí môi trường. Cùng với đó, Hội nông dân còn đăng ký với cấp ủy chính quyền địa phương hàng trăm công trình xây dựng nông thôn mới, như: di chuyển chuồng trại chăn nuôi xa nơi ở; xây dựng tuyến đường hoa, tuyến đường không rác; tuyên truyền giải phóng mặt bằng làm đường liên thôn...
Các cấp Hội tăng cường hướng dẫn, tổ chức cho nông dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. "Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được xác định là phong trào trọng tâm, xuyên suốt. Hằng năm, các cấp Hội phối hợp và trực tiếp tổ chức hàng trăm buổi tập huấn về khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho hội viên, nông dân. Vận động hội viên, nông dân dồn điền đổi thửa sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, mở rộng mô hình liên kết sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, củng cố, thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả Câu lạc bộ nông dân theo ngành nghề quy mô cấp huyện, cấp xã, cụm xã.
Đến nay, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã trở thành phong trào vững chắc, thực sự là điểm sáng trong các phong trào thi đua của Hội, là nhân tố điển hình góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp ngày càng tăng. Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân tiêu biểu trong xã hội; nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Năm 2009 chỉ có 40.425 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi 3 cấp, đến năm 2022, có 63.533 hộ trong toàn tỉnh đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, bằng 99,4% kế hoạch năm.Trong đó, có 37 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi cấp Trung ương; 1 hộ nông dân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và 4 hộ nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen.
Các cấp Hội dã tích cực nâng cao năng lực của nông dân thông qua đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, đào tạo nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; phối hợp trong đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân; tăng cường mối liên kết “6 nhà” để hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Hội Nông dân tỉnh đã chủ động liên hệ, ký kết, phối hợp với các nhà khoa học về nông nghiệp, với Khoa Nông học của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Trung tâm khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc một số cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, thông qua các mô hình khảo nghiệm để làm căn cứ mở rộng diện tích, phát triển các vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn. Tổ chức cho nông dân giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh; tham gia hỗ trợ, giúp hội viên xây dựng và thường xuyên giới thiệu, tiêu thụ tại các hội chợ và trung tâm OCOP.
Trong năm 2022, các cấp Hội Nông dân đã trực tiếp tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 21 HTX và 24 tổ hợp tác, tổ liên kết. Như vậy, tính đến nay, có 229 HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết do Hội Nông dân trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ thành lập. Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã triển khai xây dựng mới 60 mô hình gắn kết cán bộ với hội viên nông dân.
Để nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần của nông dân. Hội tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới" cùng với các phong trào xây dựng "Làng văn hóa", "Gia đình văn hóa". Vận động nông dân đóng góp ngày công, tiền của xây dựng các công trình nhà văn hóa, thể thao, khu vui chơi; Tổ chức các hội thi tạo ra sân chơi bổ ích, lành mạnh cho nông dân; Phát động và bình xét hộ đăng ký gia đình văn hóa, hàng năm có trên 80 nghìn hộ gia đình nông dân đạt hộ gia đình văn hóa. Tham gia xây dựng quy ước, hương ước ở thôn, xóm, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp, bài trừ hủ tục lạc hậu; đồng thời tổ chức phát động phong trào trên địa bàn nông thôn, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng thôn xóm không có tội phạm, không có ma túy, tệ nạn xã hội.
Hùng Mạnh