00:00 Số lượt truy cập: 2637413

Hội Nông dân Sơn La đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp - Nông dân Sơn La đã vẽ lại bản đồ trái cây của Việt Nam 

Được đăng : 20/10/2019

 Sơn La là tỉnh miền núi, vùng cao, nằm ở phía Tây Bắc, có 250 km đường biên giáp với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 14.174 km2, chiếm 4,27% diện tích cả nước. Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc anh em. Nông nghiệp Sơn La tuy đã có bước phát triển, song sức cạnh tranh thấp; việc tổ chức liên kết nông dân trong sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, hiệu quả thấp; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán; việc tích tụ đất để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung còn hạn chế; việc triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế; công tác đào tạo nghề, chất lượng lao động nông thôn và vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn có những bất cập. Trong những năm qua Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã chủ động tổ chức, thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển trồng cây ăn quả trên đất dốc, thay thế cây lương thực, cây công nghiệp hiệu quả thấp.

1. Công tác tuyên truyền

 Các cấp Hội Nông dân đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền rộng rãi nội dung Nghị quyết; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt học tập và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết, kế hoạch triển khai Nghị quyết tới các cấp Hội, hội viên nông dân thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo, sinh hoạt Hội theo định kỳ… thông qua cuốn Bản tin công tác Hội Nông dân tỉnh phát hành 4 số với số lượng trên 14.000 cuốn/năm… Công tác tuyên truyền đã giúp cho cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học và công nghệ, động lực to lớn phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn địa bàn tỉnh.Triển khai sâu, rộng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, động viên ý chí tự lực tự cường vươn lên của các hộ sản xuất kinh doanh giỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất giá trị, hiệu quả sản xuất. Công tác tập huấn kỹ thuật phổ biến kiến thức đã được đưa lồng ghép vào các chỉ tiêu thi đua hàng năm.Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng các hoạt động thực hiện nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KHKT và công nghệ vào sản xuất, đời sống tại địa phương.

          2. Hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật.

- Hội Nông dân tỉnh tổ chức 12 hội nghị tập huấn về hướng dẫn xây dựng mô hình trồng cỏ có hệ thống tưới ẩm nuôi nhốt bò sinh sản và bò thịt cho 670 hộ hội viên nông dân; 03 Hội nghị tập huấn xây dựng mô hình trồng cây Mắc ca che tán giảm thiệt hại cho cây cà phê do sương muối cho 240 hội viên, nông dân; 8 Hội nghị tập huấn trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây lương thực, cây công nghiệp hiệu quả thấp cho 680 hội viên, nông dân.

- Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh tổ chức 178 hội nghị hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật như: chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho các tổ, nhóm, trang trại, Hợp tác xã, Tổ hợp tác nông dân; kỹ thuật sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường về nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, nông nghiệp, thủy sản... cho 11.146 lượt hội viên nông dân tham gia;

- Hỗ trợ xây dựng 10 mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt trong sản xuất rau, cây ăn quả, cây cà phê cho trang trại, hợp tác xã nông dân; Hỗ trợ và chuyển giao 29 mô hình chuyển đổi sản xuất do bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cho nhóm nông dân vùng dân tộc thiểu số. Phối hợp với Công ty Cổ phần phân bón Dụ Tường xây dựng 93 mô hình chuyển giao khoa học công nghệ mới cho nông dân và 11 HTX nông nghiệp.

Hội Nông dân các huyện, thành phố phối hợp với các ban ngành, doanh nghiệp tổ chức 6.631 lớp tập huấn chuyển giao KHKT về phương pháp lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, bảo quản chế biến thức ăn, sản phẩm nông nghiệp an toàn, trồng ngô, bí xanh, chăm sóc lúa và các loại cây hoa màu, chăn nuôi, cho 364.401 lượt hội viên, nông dân. Triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.

3. Vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể

Hội Nông dân tỉnh tổ chức 05 Hội nghị tư vấn thành lập HTX, tập huấn nghiệp vụ quản lý Hợp tác xã cho 240 sáng lập viên thuộc huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Vân Hồ, Sốp Cộp, thành phố Sơn La; tư vấn, hướng dẫn, thành lập mới 16 Hợp tác xã (Yên Châu 04, Mộc Châu 01, Mai Sơn 01, Sốp Cộp 01, Mường La 01, Thuận Châu 03, Sông Mã 02, Thành phố 01, Phù Yên 01, Quỳnh Nhai 01). Đến nay, toàn tỉnh có 03 Liên hiệp HTX nông nghiệp (Liên hiệp HTX thủy sản sông Đà, Liên hiệp HTX nông sản an toàn Sơn La, Liên hiệp HTX dịch vụ và thương mại nông lâm nghiệp Hưng Thịnh)315 hợp tác xã nông nghiệp (19 HTX rau, củ; 78 HTX cây ăn quả; 25 HTX chăn nuôi; 67 HTX thủy sản; 126 HTX khác); 52 tổ hợp tác nông nghiệp với 937 tổ viên và 1.040 lao động. Năm 2017, 2018 Ban Thường vụ tỉnh ủy tổ chức đánh giá, gặp mặt các hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và kinh doanh tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp (17 doanh nghiệp, 78 hợp tác xã có thu nhập bình quân trong trồng trọt từ 200 triệu đồng/ha/năm từ đất sản xuất, nuôi thủy sản 1 tỷ đồng/ha mặt nước trở lên và 1.109 hộ gia đình có thu nhập trong trồng trọt từ 300 triệu đồng/ha đất sản xuất, chăn nuôi từ 300 triệu đồng/năm, nuôi thủy sản 2 tỷ đồng/ha mặt nước trở lên).

4Phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tạo nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Phối hợp với ngành Ngân hàng duy trì việc tín chấp cho nông dân vay vốn, đến nay tổng dư nợ qua Ngân hàng Nông nghiệp là: 773.600 triệu đồng, cho 301 tổ vay vốn với 8.755 hộ vay. Ngân hàng chính sách xã hội dư nợ 1.220,209 triệu đồng, thông qua 1.123 tổ cho 38.728 hộ vay. Nguồn vốn vay được quản lý chặt chẽ hơn, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đã giúp cho việc sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

 Triển khai các hoạt động dịch vụ phân bón, giống, vật tư nông nghiệp theo hình thức chậm trả, tư vấn việc sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi và các các chế phẩm sinh học đảm bảo môi trường. Kết quả cung ứng 23.123 tấn phân bón, 1.205 tấn thức ăn chăn nuôi, 347 tấn thuốc BVTV, 1.512 tấn giống và 611 máy nông nghiệp theo hình thức chậm trả cho nông dân đảm bảo chất lượng.

5. Công tác xây dựng và quản lý thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La

Đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ 7 sản phẩm quả: Chỉ dẫn địa lý sản phẩm Xoài tròn Yên Châu; nhãn hiệu chứng nhận: quả Nhãn Sông Mã; quả Cam Mường Thải, Phù Yên; Na Mai Sơn; Bơ Mộc Châu; Táo Sơn tra Mường La, Bắc Yên và Thuận Châu; Chuối Yên Châu; hiện nay đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp nhãn hiệu chứng nhận cho các sản Mận Sơn La, Chanh leo Sơn La, Nhãn Sơn La, XoàiSơn La, Bơ Sơn La...

 Đã được Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I cấp 25 mã số vùng trồng Xoài, nhãn, Mận, Bơ để xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ,... với diện tích là 228 ha trong đó: Vùng trồng xoài: Có 06 tổ chức, cá nhân (trong đó 05 Hợp tác xã, 01 công ty phối  hợp với nông dân) với diện tích 41,45 ha ; Vùng trồng nhãn: Có 12 tổ chức, cá nhân (trong đó hợp tác xã 10, và 02 công ty phối hợp với hộ nông dân) với diện tích 153,55 ha; Vùng trồng Mận: Có 02 tổ chức, cá nhân (trong đó hợp tác xã 01, và 01 Tổ hợp tác xã) diện tích 27 ha; Vùng trồng Bơ: 01 tổ chức là hợp tác xã  được cấp mã số diện tích 6 ha. Trong đó việc cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, tính đến thời điểm tháng 9/2019 đã có 68 mã vùng trồng đủ điều kiện để xuất khẩu sang Trung Quốc với tổng diện tích 3.290,43 ha, sản lượng ước đạt 47.390,45 tấn. Trong đó: 45 mã vùng trồng nhãn với tổng diện tích 2.227,43 ha, sản lượng 33.411,45 tấn; 22 vùng xoài với tổng diện tích 983 ha, sản lượng 12.779 tấn; 01 vùng trồng thanh long với tổng diện tích 80 ha, sản lượng 1.200 tấn.

6. Một số kết quả đạt được

Mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bằng biện pháp ghép cải tạo vườn cây ăn quả, đạt 12.672 ha, trong đó: (cây nhãn 7.623 ha, cây xoài 3.967ha, cây bơ 209 ha, cây cam 364 ha, còn lại là các cây khác quýt, bưởi, hồng, mít, đào)...; lắp đạt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho cây ăn quả đạt 300,73ha; Mô hình xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng cho cây ăn quả được 2,38 ha trồng Dâu tây, Dưa lưới và một số loại cây ăn quả trên địa bàn huyện Mộc Châu, Mai Sơn; hướng dẫn áp dụng các tiến bộ của công nghệ sinh học để tạo ra các sản phẩm trái cây chín sớm, chín muộn trên cây nhãn, xoài, cây có múi (bười, cam, quýt) nhằm dải vụ thu hoạch, tăng thu nhập cho người nông dân.

Tính đến tháng 9 năm 2019 tổng diện tích cây ăn quả  của tỉnh Sơn La là 70.120ha, trong đó trồng mới năm 2019 là 11.296 ha; sản lượng ước đạt trên 250.000tấn; gồm các loại cây ăn quả chủ yếu như sau:

Cây Xoài: Diện tích 15.365 ha, sản lượng ước đạt 23.675 tấn.

Cây Nhãn: Diện tích 16.542, sản lượng ước đạt 42.512 tấn.

Cây Chuối: Diện tích là 4.687 ha, sản lượng ước đạt 35.638 tấn.

Cây Bơ: Diện tích 1.132 ha, sản lượng ước đạt 3.630 tấn.

Cây ăn quả có múi (Cam, Quýt, Bưởi, Chanh): Diện tích 3.982 ha,sản lượng ước đạt 9.606 tấn.

Cây Sơn tra (táo mèo): Tổng diện tích 12.221 ha, sản lượng ước đạt 54.934 tấn.

Cây Chanh leo: Diện tích hiện có là 2.149 ha, sản lượng ước đạt 17.507 tấn.

 

Đang duy trì và phát triển 35 chuỗi quả an toàn, diện tích 745,21 ha với sản lượng đạt 8.465 tấn; sản phẩm quả chủ yếu: Xoài, Nhãn, Mận, Thanh long, Na, Chanh leo, Dâu tây, Bơ; thị trường tiêu thụ chính: trong tỉnh, các siêu thị tại Hà Nội: Fivimart, Metro, VinMart; các tỉnh: Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An...Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp cùng các sở, ngành chuyên môn hỗ trợ 29 HTX và người nông dân trồng cây ăn quả, được cấp chứng nhận VietGAP với diện tích là 423,14 ha.

 

 Văn Hùng - Hoàng Sương