00:00 Số lượt truy cập: 2981164

Hội Nông dân tiếp sức cho nhà nông phát triển kinh tế 

Được đăng : 15/05/2024

 

Hội Nông dân huyện Cẩm Khê hiện có 23.799 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 24 chi hội xã, thị trấn. Thời gian qua, Hội Nông dân huyện đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tiếp cận, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên vùng đất quê hương.

Trong đó, điểm nhấn là Hội Nông dân các cấp trong huyện đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH) thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo. Để nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, đúng thời điểm và đặc biệt là không để ai bị bỏ lại phía sau, Hội Nông dân huyện Cẩm Khê đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác cho vay, đưa nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Hiện có gần 3.846 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Cẩm Khê được tiếp cận vốn vay tín dụng chính sách thông qua các đơn vị ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng dư nợ đạt trên 202 tỷ đồng. Từ những nguồn vốn vay của NHCSXH huyện và vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp các hội viên, nông dân trên địa bàn có vốn sản xuất, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Từ đó, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế xã hội của huyện Cẩm Khê trong những năm qua.

Đã có nhiều gương các hộ gia đình khó khăn được tiếp cận vốn tín dụng chính sách vươn lên thoát nghèo như: Hộ gia đình bà Đỗ Thị Thay ở chi Hội Thắng Lợi, xã Tuy Lộc được vay 80 triệu đồng năm 2022 đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, đến năm 2023 gia đình có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo; hộ ông Nguyễn Hùng, chi Hội khu Dốc Ngát, xã Chương Xá năm 2022 vay 50 triệu đồng đầu tư đào ao thả cá, nuôi trồng thủy sản, đến năm 2023, kinh tế gia đình ổn định và vươn lên thoát cận nghèo; hộ bà Nguyễn Thị Nga khu Tiền Phong, xã Chương Xá được vay 100 triệu đồng đầu tư chăn nuôi thủy sản, tạo việc làm cho 03 lao động, đến nay gia đình có thu nhập ổn định trên 140 triệu đồng/năm....

 Điển hình như Hội Nông dân xã Tạ Xá hiện đang quản lý 6 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thông qua 10 chương trình (hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm cho vay hộ mới thoát nghèo…) đã cho hơn 200 hộ vay, với dư nợ ủy thác trên 14 tỷ đồng. Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH phát huy được hiệu quả, Hội Nông dân xã Tạ Xá thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ nguồn vốn vay, đến nay các hội viên Hội Nông dân xã Tạ Xá đã xây dựng được hơn 100 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 50-300 triệu đồng/năm. Đến hết năm 2022, xã Tạ Xá đã có gần 400 hộ đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" các cấp.

Gia đình anh Nguyễn Cao Cường (khu Giáp Xuân, xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) trước đây thường xuyên trong tình cảnh "thiếu trước hụt sau" do thu nhập phụ thuộc vào vài sào ruộng lúa kém năng suất. Với quyết tâm thoát nghèo, gia đình anh được Hội Nông dân xã cho vay ủy thác số tiền 80 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện để bắt tay xây dựng mô hình trang trại nuôi gà, ngan, kết hợp đào hơn 2 sào ao để thả cá.

Nhiều năm nay, bình quân mỗi năm gia đình anh Cường xuất bán hơn 1 vạn con gà thịt, khoảng 6 nghìn con ngan giống. Sau khi trừ chi phí cho thu nhập gần 400 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi trang trại của hộ anh Cường đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng; trở thành hộ phát triển kinh tế giỏi của xã Tạ Xá.

Bên cạnh đhó, Hội Nông dân uyện Cẩm Khê, còn chú trọng vào làm tốt công tác dạy nghề cho nông dân. Giai đoạn 2017-2023, trên địa bàn huyện đã có hơn 9.000 lao động qua đào tạo và truyền nghề, trong đó có 4.500 lao động được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề trở lên. Thông qua các lớp đào tạo nghề đã xuất hiện nhiều nông dân tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giỏi, có nhiều đóng góp vào công tác an sinh xã hội và phát triển kinh tế tại địa phương. Điều này không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn tạo sức bật cho các địa phương hoàn thành các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững.

Điển hình như mô hình chăn nuôi tổng hợp mang lại tổng thu khoảng 3 tỉ đồng/năm của gia đình anh Lê Đăng Ninh ở khu Cầu Tây, xã Tiên Lương.

Để có được thành quả này, anh Ninh đã tham gia 3 lớp đào tạo chăn nuôi lợn vào năm 2014, chăn nuôi gà năm 2018 và chăn nuôi trâu bò năm 2020, do Hội Nông dân các cấp tổ chức. Đến nay, trang trại diện tích 7ha của anh luôn duy trì 10.000 con gà, 4.000 con vịt, ngan, 800 con lợn, 10 con hươu lấy nhung để xuất bán ổn định cho các thương lái trong và ngoài huyện. Mô hình chăn nuôi tổng hợp  của anh Ninh mang lại tổng thu khoảng 2 tỉ đồng/năm, trừ chi phí cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.

Anh Ninh chia sẻ: “Nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề, tôi đã nắm bắt được nhiều kiến thức, cách phòng chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Từ đó, áp dụng thành công vào mô hình phát triển kinh tế của gia đình. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao trình độ, cập nhập những tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm mở rộng quy mô chăn nuôi nâng cao thu nhập”.

Năm 2024, cùng việc phát triển nguồn lao động có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, huyện Cẩm Khê dự kiến sẽ đào tạo nghề sơ cấp cho 420 lao động nông thôn, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề trên địa bàn lên 68%.

Một trong những nội dung quan trọng nhất được Hội Nông dân huyện chú trọng chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện là hội viên, nông dân nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho chính bản thân và gia đình mình. Để làm tốt nội dung này, Hội đã phối hợp với các phòng, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội của huyện và các xã, thị trấn mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp; vận động hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế của hộ gia đình./.

 

 

Thu Hà