Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, các huyện, thị xã và thành phố tổ chức 76 lớp tập huấn cho khoảng 3.500 nông dân tại các địa phương trong tỉnh với một số nội dung như Kỹ thuật xử lý thanh long ra hoa trái vụ đạt hiệu quả cao; Kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây thanh long; Kỹ thuật sản xuất nước uống lên men trái thanh long quy mô hộ gia đình; Kỹ thuật trồng mãng cầu ta trái vụ cho năng suất cao, Kỹ thuật ứng dụng chế phẩm EM vào chăn nuôi, trồng trọt, nuôi tròng thủy sản và bảo vệ môi trường, Kỹ thuật trồng chuối nuôi cấy mô cho năng suất cao, Kỹ thuật trồng rau thủy canh quy mô hộ gia đình; Kỹ thuật trồng măng tây; Kỹ thuật nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học; Kỹ thuật nuôi gà Ai Cập; Kỹ thuật trồng và chăm sóc thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; Ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất và đời sống; giải pháp thực hiện tiết kiệm trong sử dụng điện; Kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà; Kỹ thuật trồng nấm linh chi tận dụng phế thải nấm linh chi trồng nấm rơm và sản xuất phân vi sinh... Tỉnh Hội tổ chức cho đoàn gồm 44 cán bộ quản lý, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng rau, chủ trang trại của tỉnh tham quan học tập kinh nghiệm tại Tổ hợp tác trồng rau theo quy trình VietGAP tại xã Nhuận Đức, mô hình trồng hoa lan tại ấp Cây Da, xã Tân Phú, huyện Củ Chi; Hợp tác xã trồng bưởi da xanh của xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Tổ chức đưa đoàn cán bộ, hội viên nông dân là ngư dân (15 người) dự hội thảo ứng dụng đèn LED trong khai thác thủy sản tại Viện Hải dương học - Nha Trang. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tổ chức 09 hội thảo ứng dụng đèn tiết kiệm điện năng compact ánh sáng đỏ (15W và 20W), ứng dụng đèn Led và đèn huỳnh quang Compact đỏ chuyên dụng trong điều khiển ra hoa cây thanh long cho 1.110 lượt hội viên, nông dân tham gia sản xuất thanh long. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn để nhân rộng những mô hình hay, thực tế sản xuất hiệu quả. Cụ thể, đã chọn và tổ chức 11 Hội thảo cho 440 hội viên, nông dân về trồng cây ăn quả (Xoài, bưởi, dừa); trồng các loại đậu (Đậu phộng, mè); trồng và sản xuất rau, củ, quả an toàn (Đậu đũa, dưa leo, cà chua, khổ qua, đậu bắp, bầu, hành lá, ớt); trồng cây ăn quả (Quýt đường); Chăn nuôi gà; trồng Măng tây xanh; phòng, chống sâu keo hại bắp; nhân rộng sản xuất lúa giống xác nhận. Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nông vận Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 03 lớp tập huấn cho nông dân về “Sử dụng chế phẩm sinh học AT vi sinh xử lý phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi thành phân bón cho cây trồng, làm giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn” cho 270 học viên tại huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết; 04 lớp tập huấn “Nâng cao nhận thức về ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh nông dân sản theo chuỗi giá trị cho 200 học viên là các chủ trang trại, thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã”. Thông qua công tác đào tạo nghề theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân các cấp phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, Phòng Lao động huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp tổ chức các lớp dạy nghề về trồng và chăm sóc cây cảnh, chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản, trồng và chăm sóc cây thanh long, trồng rau an toàn, chăn nuôi heo, gia cầm, thuyền trưởng hạng 4, máy trưởng hạng 4, thuyền trưởng hạng 5, máy trưởng hạng 5, tin học văn phòng. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân các cấp đã tổ chức 514 lớp dạy nghề cho 16.099 lượt hội viên, nông dân; trong đó, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân trực tiếp phối hợp tổ chức 47 lớp dạy nghề cho 1.562 lượt hội viên, nông dân. Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở thường xuyên phối hợp ngành kỹ thuật tổ chức lớp tập huấn, hội thảo ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho hội viên, nông dân,… Kết quả, từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở đã phối hợp tổ chức 1.985 lớp tập huấn cho 119.017 lượt hội viên, nông dân tham dự.
Cùng với công tác tập huấn khoa học và công nghệ Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh Công tác triển khai xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ cho nông dân.
Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông triển khai 32 mô hình ứng dụng bóng đèn tiết kiệm điện năng Compact ánh sáng đỏ 15W và 20W; 18 mô hình đèn Led (9W - 10W) tại Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình; 05 mô hình khảo nghiệm đèn chiếu sáng trong khai thác thủy sản tại Phan Thiết. Đồng thời cung ứng bóng đèn chong thanh long ra hoa trái vụ có hỗ trợ giá (3.500 đồng/bóng) cho nông dân 508.264 bóng. Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, huyện xây dựng 14 đề tài, mô hình như Xây dựng mô hình nuôi dê lai boer theo phương pháp nuôi nhốt tại huyện Bắc Bình; Xây dựng mô hình trồng rau trên giá thể tại huyện Tuy Phong; Xây dựng mô hình trồng cỏ cao sản (VA06) phục vụ chăn nuôi gia súc tại huyện Tuy Phong; Xây dựng mô hình trồng chanh không hạt kết hợp tưới tiết kiệm nước tại huyện Hàm Thuận Bắc; Xây dựng mô hình nuôi gà Ai Cập trên đệm lót sinh học tại huyện Tánh Linh;Ứng dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trôm lấy mủ tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết; Xây dựng mô hình trồng rau trên giá thể tại huyện Hàm Thuận Nam; Xây dựng mô hình trồng rau ăn lá trong nhà lưới tại huyện Tánh Linh; Xây dựng mô hình trồng rau ăn lá, ăn quả an toàn trong nhà lưới tại huyện Đức Linh; Xây dựng mô hình trồng lan Mokara cắt cành phục vụ nhu cầu du lịch và phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Đức Linh; Xây dựng mô hình nuôi Vịt trời thương phẩm tại huyện Hàm Thuận Nam; Xây dựng mô hình trồng nấm linh chi nấm rơm, sx phân hữu cơ từ giá thể trồng nấm tại huyện Tuy Phong, Xây dựng mô hình nuôi Vịt trời thương phẩm tại huyện Hàm Thuận Bắc; Xây dựng mô hình trồng măng tây xanh kết hợp tưới tiết kiệm nước tại huyện Tánh Linh.
Công tác phối hợp được triển khai chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở mang lại hiệu quả, phù hợp điều kiện sản xuất của từng địa phương.Thông qua các hoạt động tập huấn, hội thảo, xây dựng mô hình đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tiếp cận khoa học công nghệ và kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Kết quả, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, đời sống của hội viên, nông dân đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thêm nhiều sản phẩm mới có giá trị và chất lượng cao, an toàn. Việc áp dụng và xây dựng các mô hình mới về ứng dụng khoa học - công nghệ sẽ giúp cho nông dân có hướng đi mới, tiếp cận được nhiều kiến thức hay, bổ ích áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản xuất góp phần cải thiện đời sống cho nông dân.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác khoa học và công nghệ trong thời gian tới Hội Nông dân tỉnh Bình thuận xây dựng Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phối hợp hoạt động giai đoạn 2021 – 2025 như sau:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò của khoa học - công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ sinh học nhằm phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận tiếp tục phối hợp ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai một số hoạt động liên quan đến chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ cho cán bộ, hội viên, nông dân. Tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình tiên tiến, kinh nghiệm của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Tổ chức hội thảo các mô hình về áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến; các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, con. Xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.