00:00 Số lượt truy cập: 2982652

Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, xây dựng và chuyển giao các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân 

Được đăng : 10/08/2020

 

Nhằm giúp nông dân trong tỉnh tiếp cận với các kiến thức khoa học và công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hàng năm Hội Nông dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chỉ đạo Hội nông dân các cấp đẩy mạnh công tác ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cho nông dân thông qua các lớp tập huấn, các lớp dạy nghề và xây dựng, hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể cho nông dân nhằm tập trung đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, dịch vụ như: ứng dụng vào sản xuất cây con giống cho năng suất và giá trị kinh tế cao, ứng dụng trong chăm sóc phòng trừ dịch bệnh hại cho cây trồng, vật nuôi, ứng dụng trong bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch, phát triển dịch vụ ngành nghề, làng nghề truyền thống sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu, bảo vệ môi trường sinh thái ...

 Trong giai đoạn 2016-2020, các cấp Hội trong tỉnh trực tiếp và phối hợp tổ chức đào tạo 251 lớp dạy nghề (thời gian từ 2-3 tháng/lớp) cho trên 8.785 lao động nông thôn, gồm các nghề: May công nghiệp, Trồng trọt, Chăn nuôi, Nuôi thủy sản; tổ chức được trên 8.500 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 650 nghìn lượt hội viên nông dân với các nội dung như:Hướng dẫn sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGap; tập huấn kỹ thuật sử dụng phân bón; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học an toàn và hiệu quả; hướng dẫn quy trình chăn nuôi và phòng trị bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản; cách bảo quản và chế biến nông sản phẩm sau thu hoạch,...Phối hợp với các Viện, Công ty và các đơn vị có liên quan xây dựng trên 70 mô hình trình diễn/năm về các cây con, kỹ thuật mới; tiêu biểu như: mô hình sử dụng phân bón NPK Lâm Thao trên cây lúa, rau màu, cây ăn quả; mô hình thâm canh các giống bí xanh số 1, số 2; mô hình thâm canh dưa Thanh lê, dưa chuột nếp; mô hình nuôi gà Chọi lai thương phẩm,...

Thông qua tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, xây dựng các mô hình trình diễn đã giúp cho nông dân nâng cao kiến thức trong sản xuất, phòng trị bệnh trên cây trồng vật nuôi; nhiều cây con giống mới, kỹ thuật, công nghệ mới được nông dân áp dụng thành công cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập nông dân. Bên cạnh đó các cấp Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, gắn kết với các doanh nghiệp để tổ chức những loại hình dịch vụ thiết thực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.  Hàng năm, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung ứng phân bón chậm trả cho hội viên nông dân được trên 1.000 tấn phân bón các loại và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng cho các hộ nông dân; tổ chức trình diễn các mô hình sử dụng phân bón khép kín trên cây lúa, chuối, ổi, vải, cà chua, bắp cải ... ; liên kết với Viện nghiên cứu rau, quả Hà Nội cung ứng trên 5.000 cây giống (như mít siêu sớm Thái Lan, hồng xiêm xoài, Xoài Úc, đu đủ, nhãn chín muộn….); phối hợp với Doanh nghiệp Tuấn Hiển hàng năm cung ứng trên 2 tấn chế phẩm sinh học Amyo; phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cung ứng trên 3.000 gói chế phẩm sinh học ET; phối hợp với các doanh nghiệp hàng năm cung ứng trên 3 triệu con giống gà Chọi lai Lương Phượng…. Để giúp hội viên nông dân có vốn áp dụng tiến bộ khoa học tiên tiến vào sản xuất nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, hàng năm  các cấp Hội đã thực hiện tốt việc ủy thác với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT. Đến nay tổng dư nợ tại các Ngân hàng là 2.291,8 tỷ đồng cho 38.852 hộ nông dân vay; trong đó, dư nợ Ngân hàng CSXH là 968,5 tỷ đồng cho 25.857 hộ vay, dư nợ Ngân hàng N0&PTNT là 1.323,3 tỷ đồng cho 12.995 hộ vay; quỹ quốc gia giải quyết việc làm 2,015 tỷ đồng cho 68 hộ vay. Ngoài ra, các cấp Hội đã chủ động tăng cường xây dựng và phát triển  quỹ hỗ trợ nông dân các cấp, đến nay đã có 76,55 tỷ đồng đang cho 3.753 hộ nông dân vay phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó Trung ương Hội uỷ thác 16.000 triệu đồng đầu tư cho 28 dự án cho 428 hộ vay, Quỹ cấp tỉnh 35.470 triệu đồng cho 88 dự án nhóm hộ với 1342 hộ vay, Quỹ cấp huyện 9.187,3 triệu đồng, cấp cơ sở 15.897,7 triệu đồng.

Tích cực xây dựng và chuyển giao các dự án, các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân

 Công tác ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cho nông dân thông qua việc triển khai xây dựng, thực hiện các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, các mô hình trình diễn và các hoạt động hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể cho nông dân cũng được Hội Nông dân các cấp quan tâm thực hiện. Trong lĩnh vực ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh trực tiếp tham mưu và tổ chức thực hiện dự án “Xây dựng mô hình giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn quy mô nông hộ”, thực hiện qua các năm 2016, 2017. Kết quả đã có 91 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích đệm lót sinh học cho chăn nuôi lợn được hỗ trợ kinh phí là 3.300 m2 , với số tiền hỗ trợ nông dân tham gia dự án là 1,035 tỷ đồng. Mô hình có hiệu quả rõ rệt về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao cho sản xuất rau màu an toàn.

Năm 2017, 2018 HND tỉnh trực tiếp chỉ đạo xây dựng mô hình  03 mô hình « Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ rau bắp cải, súp lơ an toàn » tại xã Phạm Trấn, Lê Lợi (Gia Lộc), xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) với quy mô 5 ha/mô hình.

Năm 2019, HND tỉnh trực tiếp chỉ đạo xây dựng 3 mô hình tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn gồm 97 thành viên, cụ thể: Mô hình tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm an toàn xã Tân Việt (Thanh Hà) có 20 thành viên; Mô hình tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ gạo Bắc Thơm số 7 an toàn xã Long Xuyên (Bình Giang) có 42 thành viên; Mô hình tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cà chua an toàn xã Nhân Huệ (Chí Linh) có 35 thành viên.

Năm 2020, HND tỉnh trực tiếp chỉ đạo xây dựng 6 mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn cụ thể: Mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ trái táo an toàn phường Cộng Hòa (TP Chí Linh); mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ gạo bắc thơm số 7 an toàn xã Lê Hồng (Thanh Miện); mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ bí xanh an toàn xã Đồng Lạc (Nam Sách); mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ cam an toàn xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện); mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ ổi an toàn xã Thanh Xuân (Thanh Hà); mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ bưởi an toàn xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang). Các thành viên tham gia mô hình được HND tỉnh tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất nông sản an toàn; được hỗ trợ một phần kinh phí sản xuất để mua giống, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học, bao bì đựng sản phẩm; sản phẩm cà chua an toàn đã được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ gắn tem truy suất nguồn gốc sản phẩm; Hội Nông dân làm cầu nối liên kết với các công ty, doanh  nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình.

Hội Nông dân tỉnh chủ trì thực hiện dự án khoa học “Xây dựng mô hình sản xuất gà Mía lai Sasso thương phẩm trên địa bàn huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương”. Mô hình có quy mô 20.000 con gà Mía lai Sasso thương phẩm. Thực hiện dự án nhằm đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật, kinh tế của việc sản xuất gà Mía lai Sasso thương phẩm, đồng thời hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế, các mô hình kinh tế tập thể cũng đã được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, đến nay các cấp Hội đã trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng được trên 300 mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 25 sản phẩm đặc trưng chất lượng cao, trong đó Hội Nông dân trực tiếp xây dựng và quản lý 15 nhãn hiệu tập thể gồm: Ổi, Chanh, Quất Thanh Hà, Bưởi Thanh Hồng (Thanh Hà); Sắn dây, Hành, Tỏi Kinh Môn; Củ đậu Kim Thành; Rau an toàn Gia Lộc; Bánh đa Hội Yên (Chi Lăng Nam - Thanh Miện), Gạo Thanh Miện; Na Chí Linh; Rươi, Cáy Tứ Kỳ; Hành Nam Sách; Bánh đa Lộ Cương (Tứ Minh – TP Hải Dương). Đồng thời lựa chọn một số sản phẩm tiêu biểu như Vải thiều Thanh Hà, Nếp cái hoa vàng Kinh Môn, Sắn dây Kinh Môn, Củ đậu Kim Thành, Rau an toàn Gia Lộc, Rươi, Cáy Tứ Kỳ...tham gia trưng bày, giới thiệu quảng bá tại các Hội chợ, Hội nghị xúc tiến thương mại tại Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc,... Các cấp Hội tích cực viết các tin, bài giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chất lượng cao trên các phương tiện truyền thông đại chúng, qua đó góp phần thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Với mục đích tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, cải tiến, phát minh sáng chế các máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp nhằm giảm công lao động, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, trong nhiều năm qua Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện (TX,TP) tăng cường công tác tuyên truyền, động viên hội viên nông dân tích cực hưởng ứng tham gia Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông. Năm 2019 Hội Nông dân tỉnh hoàn thiện hồ sơ đề cử Ông Phạm Văn Hát (xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ) tham gia cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” lần thứ VIII (2019-2020) do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, sở Nông nghiệp và PTNT, Liên Hiệp các Hội Khao học và Kỹ thuật tỉnh đề xuất nông dân, các nhà khoa học của tỉnh tham gia Chương trình tôn vinh” Nhà khoa học của nhà nông”, tôn vinh “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”...do Trung ương hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Năm 2018, 2019 có 3 cá nhân được Ban tổ chức Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông”  tặng danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông"; năm 2016, 2017 các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh: Nếp cái hoa vàng Kinh Môn, Củ đậu Kim Thành và Vải thiều Thanh Hà đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.

Trình Vi