00:00 Số lượt truy cập: 2667963

Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình tích cực triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ đến với nông dân 

Được đăng : 22/05/2019

 

Được sự đồng thuận và ủng hộ của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội và bà con nông dân trong tỉnh, sự quan tâm phối hợp của các ban ngành liên quan tại địa phương (nhất là ở cơ sở). Trong năm 2019 Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình  phối hợp tích cực giữa Sở Khoa học và Công nghệ , sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và một số tổ chức khác trong và ngoài tỉnh để tập trung nguồn lực, lồng ghép các chương trình hoạt động nhằm tích cực triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ đến với nông dân; Một số kết quả đạt được như sau:

Công tác tuyên truyền

Hội Nông dân tỉnh đã chủ động tuyên truyền tới đông đảo cán bộ, hội viên nông dân về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội, các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở khu vực nông thôn và miền núi. Chú trọng các hoạt động tuyên truyền về lợi ích xã hội của việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm hàng hoá nông - lâm - thuỷ sản có chất lượng cao, an toàn với sức khỏe cộng đồng; phổ biến kiến thức khoa học và tập huấn kỹ thuật cho nông dân trên Bản tin công tác Hội (3 tháng/số) với 6.500 cuốn phát đến 208 cơ sở Hội, 1.473 chi Hội, trên trang thông tin điện tử, thông qua công tác tập huấn, sinh hoạt chi, tổ Hội, sinh hoạt CLB, hội thi, in ấn tài liệu phát hành, tổ chức các buổi giao lưu sân khấu hoá, tuyên truyền cổ vũ những gương điển hình tiên tiến, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ hội viên nông dân. Việc thông tin tuyên truyền thường xuyên được thực hiện đã giúp cho người nông dân có được những kiến thức bổ ích phục vụ sản xuất và chăn nuôi, ngoài nguồn thông tin như sách, báo, tài liệu, truyền hình... người nông dân đã và đang được tiếp cận với các nguồn thông tin hiện đại như internet...

Công tác tập huấn

Hội Nông dân các cấp phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan hữu quan tổ chức tập huấn về nghiệp vụ khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực: Quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ và hạt nhân; ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ; sáng kiến…  Nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại được đầu tư và làm chủ như: hệ thống nhà lưới điều khiển tự động; nhà nuôi cấy mô cùng các thiết bị chuyên dùng theo dây chuyền công nghệ cao phục vụ công tác nghiên cứu, thí nghiệm; xây dựng các phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO/IEC 17025: 2001…nhờ đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị, các phòng thí nghiệm đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức khoa học và công nghệ được tăng cường một bước về năng lực hoạt động và ứng dụng chuyển giao công nghệ hiện đại vào sản xuất.

Hội Nông dân các cấp đào tạo, tập huấn cho nông dân nâng cao kiến thức hiểu biết xã hội, năng lực ứng dụng tiến bộ KHKT công nghệ mới, tiếp cận thị trường và hội nhập.Phối hợp với các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp tổ chức 358 lớp tập huấn chuyển giao KHKT về chăn nuôi gà, chăn nuôi bò sinh sản, trồng trọt chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ, trồng cây có múi, kỹ thuật tạo cành, tỉa tán trên cây có múi, kỹ thuật ra hoa đậu quả cho bưởi, kỹ thuật chăm sóc cam sau thu hoạch,  thâm canh cây lúa ứng phó với biến đổi khí hậu, rau an toàn, trồng Ngô Lai, thâm canh, chăm sóc, bảo vệ sâu bệnh trên cây trồng, chăn nuôi gia súc gia cầm, quản lý sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp thông tin thị trường,... cho 20.909  hội viên. Tổ chức 01 lớp tập huấn kiến thức về mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị cho 100 cán bộ, hội viên; 03 lớp tập huấn công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải cho gần 300 cán bộ, hội viên nông dân; 02 lớp kỹ thuật trồng cây san chi. Tổ chức 04 lớp dạy nghề về tiểu thủ công nghiệp, cách phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng và vật nuôi, chăm sóc trâu vỗ béo, chuyển giao kỹ thuật sử lý các phế phụ phẩm trong nông nhiệp làm phân bón vi sinh cho 110 hội viên; phối hợp tổ chức 60 lớp dạy nghề về hướng dẫn nấu ăn, mây tre đan, sửa chữa máy nông nghiệp , nghề may công nghiệp, sửa chữa xe máy.... cho 2.535 hội viên.

Triển khai các dự án KHCN, xây dựng và chuyển giao các mô hình ứng dụng KHCN cho nông dân

 Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã triển khai xây dựng và chuyển giao các mô hình ứng dụng KHCN cho nông dân, đến nay đã xây dựng 30 chi, tổ Hội nghề nghiệp gồm 279 thành viên, 245 tổ hợp tác, hợp tác xã trồng trọt, chăn nuôi và 35.938 hộ nông dân SXKDG, 182 trang trại, 5 làng nghề, 174 mô hình cải tạo vườn tạp, 25 mô hình dân vận khéo, trên 300 mô hình phát triển kinh tế .

Phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng tổ chức hội thi Cấy đẹp nông thôn năm 2019, phối hợp với Công ty Thái Bình và công ty cổ phần Nông nghiệp Việt Nam thử nghiệm giống lúa mới TBR 279, DDA1, CP 134 với diện tích 3 ha, phối hợp với công ty Vạn Phúc thực hiện sản xuất liên kết tiêu thụ sản phẩm dưa bao tử vụ Xuân với diện tích 7,3ha gồm 83 hộ hội viên nông dân tham gia (Yên Thủy); phối hợp với giáo sư Nguyễn Lân Hùng khảo sát hiệu quả cây Mắc ca (Cao Phong); tổ chức 01 lớp tập huấn về phòng chống bão, lũ cho 85 hội viên nông dân (Lạc Thủy); tổ chức 02 cuộc Hội thảo tư vấn, hướng dẫn về kỹ thuật bảo quản, sử dụng phân bón hóa học cho 454 hội viên nông dân (thành phố Hòa Bình);

Trong năm 2019, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình có 01 sáng kiến cấp tỉnh đươc Sở Khoa học công nhận với đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế hợp tác trong nông nghiệp của tổ chức Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình”. Đồng thời Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với tập đoàn Vingroup, mở ra hướng tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm nông sản cho hội viên nông dân; phối hợp hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm của địa phương như: Chỉ dẫn địa lý Cam Cao Phong, và 10 nhãn hiệu tập thể: Mía tím Hòa Bình; hạt dổi Lạc Sơn; quả lặc lày và rau hữu cơ của huyện Lương Sơn; cam Lạc Thủy; nhãn Sơn Thủy Kim Bôi và cam bưởi Kim Bôi; rau su su, quýt Nam Sơn và bưởi đỏ Tân Lạc.

Để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong việc triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ trong những năm tới, Hội Nông dân tỉnh đưa ra một số giải pháp chủ yếu như sau:

 i)Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo hội viên nông dân về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội; các thông tin, kiến thức về khoa học và công nghệ, các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh và dịch vụ ở khu vực nông thôn và miền núi. Chú trọng các hoạt động tuyên truyền về lợi ích xã hội của việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm hàng hoá nông - lâm - thuỷ sản có chất lượng cao, an toàn với sức khỏe cộng đồng. Xây dựng các chuyên đề giới thiệu, phổ biến kiến thức khoa học và tập huấn kỹ thuật cho nông dân trên Tập san thông tin Khoa học và Công nghệ, Bản tin Hội Nông dân tỉnh. ii) Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tổ chức có hiệu quả “Cuộc thi sáng tạo nhà nông” các cấp. Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức hoạt động và phổ biến kiến thức về khoa học và công nghệ; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong nông dân. ii) Hướng dẫn, khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho hội viên nông dân tích cực tham gia ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả của sản xuất, kinh doanh nhằm giúp nông dân giảm nghèo tiến tới làm giàu từ sản xuất nông nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. iii) Phối hợp và tổ chức thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế của hội viên nông dân ở từng huyện, thành phố. vi) Vận động hội viên nông dân tích tụ ruộng đất áp dụng khoa học, công nghệ. Nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo nhiều sản phẩm có giá trị cao trên một diện tích. v) Tích cực đề xuất các dự án xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ Khoa học - Công nghệ phục vụ sản xuất. Tăng cường kinh phí cho hoạt động Khoa học - Công nghệ. vii) Triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ nội dung thuộc “Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2015 - 2020”, đặc biệt là các nhiệm vụ về đào tạo, tập huấn khoa học và công nghệ cho hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để tiếp thu và nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…cho nông dân.

P. Loan