00:00 Số lượt truy cập: 2669000

Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tổ chức triển khai hoạt động khoa học và công nghệ đến với nông dân 

Được đăng : 20/05/2019

 

Ngay từ đầu năm 2019, Hội Nông dân đã chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tập trung hướng dẫn nông dân đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao để tăng năng suất, sản lượng; đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho nông dân, xây dựng mô hình trình diễn để nông dân tham quan, học tập và nhân rộng mô hình. Thường xuyên giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm làng nghề, truyền thống của hội viên nông dân qua các phiên chợ, hội chợ hàng năm. Tham gia trưng bày sản phẩm tại Hội chợ triển lãm Nông nghiệp - Thương mại khu vực Tây Nam Bộ tổ chức tại tỉnh Tiền Giang để giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhà.Với phương châm phát triển sản xuất đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm, hội viên nông dân với vai trò nòng cốt trong việc xây dựng nhiều cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, đầu tư thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho nông dân. Hội Nông dân các cấp chủ công vận động thành lập 12 mô hình kinh tập thể, nâng tổng số đến nay được 28 mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả.

Trong năm 2019, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều nội dung và hình thức phối hợp mang lại hiệu quả thiết thực, trang bị cho nông dân kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh và có nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của nông dân ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất. Điển hình như Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, ngày càng nhiều nông dân có tư duy sản xuất, biết khai thác ứng dụng khoa học - công nghệ và xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương. Những mô hình sản xuất mới đã được những người nông dân sáng tạo, mạnh dạn đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới, đa dạng hoá sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Trong năm 2019 đã có 128.216/222.207 hộ nông dân đăng ký danh hiệu nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đạt 57,70% so với hộ nông dân. Kết quả bình xét có 68.517/128.216 hộ đăng ký, đạt 53,43% so với hộ đăng ký. Trong đó cấp cơ sở 55.697 hộ, chiếm 81,28%; cấp huyện 9.661 hộ, chiếm 14,10%; cấp tỉnh 2.965 hộ, chiếm 4,32%; cấp Trung ương 194 hộ, chiếm 0,28%.

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến vận động cán bộ, hội viên, nông dân ở địa phương thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Nông nghiệp - Nông thôn - Nông thôn. Với vai trò, trách nhiệm của mình, Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân trong phát triển nông nghiệp. Hướng dẫn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được 1.395 cuộc, cho 41.875 lượt hội viên nông dân tham dự. Thông qua Website, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, hội viên nông dân về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn và cập nhật một số lĩnh vực khác, các hoạt động của Hội Nông dân đến với cán bộ, hội viên, nông dân. Tiếp tục đổi mới nội dung và chất lượng tuyên truyền phù hợp gắn với việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong hệ thống Hội Nông dân các cấp. Nội dung tin, bài viết mang tính thời sự và tình hình thực tế của địa phương nhằm truyền tải nội dung, thông tin kịp thời những ứng dụng khoa học, kinh nghiệm bổ ích trong sản xuất đời sống, có hiệu quả, những thông tin hữu ích, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân, thực hiện ngày một tốt hơn công tác Hội và phong trào nông dân. Trong năm 2019, Ban biên tập đưa lên trang Website trên 322 tin, bài và hình ảnh. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ thực hiện và hoàn thành xếp loại khá đề tài “ Triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu một số đề tài, dự án trên địa bàn tỉnh Kiên Giang” với 7 mô hình được triển khai có kết quả tốt, đề nghị nhân rộng; Trong đó tổ chức 6 cuộc tập huấn, hướng dẫn cho hơn 180 lượt hộ nông dân ứng dụng mô hình Tôm - Lúa, huyện U Minh Thượng; mô hình trồng Sen, trồng Nấm rơm, huyện Giồng Riềng; mô hình trồng Hoa huệ, Thành phố Rạch Giá; mô hình nuôi Ba khía, huyện An Biên; mô hình Nuôi rắn vi voi, mô hình sử dụng nước sạch, huyện An Minh. Tổng kinh phí 156.807.000đ. Tổ chức 1 lớp bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cho 50 cán bộ, hội viên nông dân, với kinh phí 93.000.000đ. Công tác đào tạo nghề được quan tâm đúng mức, chất lượng đào tạo được nâng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu người học và phát huy có hiệu quả tay nghề vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn. Trong năm, các cấp Hội đã đào tạo có cấp chứng chỉ 29 lớp nghề cho 896 lao động nông thôn, phối hợp với các ngành chức năng mở được 167 lớp với 5.010 lượt lao động. Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề tại 3 huyện Châu Thành, An Biên, An Minh. Tổ chức tổng kết mô hình trồng lúa bằng máy cấy tại xã Tân Hội, huyện tân Hiệp có 34 hộ tham gia với diện tích 114ha. Triển khai mô hình trồng màu theo hướng an toàn tại các huyện, thành được 50 điểm. Đồng thời, phối hợp với các Công ty Xuân Phương, Công ty Giống cây trồng Miền Nam cung cấp vật tư đầu vào và thu mua sản phẩm cho các mô hình, được 800 tấn lúa.

Đánh giá về kết quả đạt được trong năm 2019 như trên khẳng định đó là: Được sự đồng thuận và ủng hộ của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội và hội viên nông dân trong tỉnh, sự quan tâm phối hợp của các ban ngành liên quan tại địa phương (nhất là ở cơ sở). Đặc biệt là Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang phối hợp tích cực giữa Sở Khoa học và Công nghệ, và một số tổ chức khác trong và ngoài tỉnh để tập trung nguồn lực, lồng ghép các chương trình hoạt động tập trung nguồn lực để giúp cho nông dân./.


Lê Khôi