Đưa ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản đã và đang trở thành xu thế tất yếu của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, sự tham gia của nông dân là yếu tố quan trọng, từ khâu khoa học kỹ thuật, quản lý quy trình sản xuất đến tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Chuyển đổi số không chỉ giúp người nông dân đưa sản phẩm lên mạng một cách đơn thuần, mà còn thay đổi trong tư duy sản xuất.
Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã tích cực lồng ghép nội dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vào phong trào, công tác hội. Nhất là về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất.
Để triển khai thực hiện, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh xây dựng chương trình hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phối hợp tuyên truyền, tập huấn, trang bị các kỹ năng cơ bản, năng lực thực hành giúp nông dân hiểu được vai trò của mình và sẵn sàng thực hiện chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, hỗ trợ kết nối nông dân với doanh nghiệp có nền tảng chuyển đổi số để lựa chọn những giải pháp, ứng dụng phù hợp trong trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản; giới thiệu và vận động nông dân ứng dụng các mô hình chuyển đổi số, nhằm cải thiện phương thức sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã tiến hành thu thập thông tin của gần 49.000 hộ sản xuất nông nghiệp để cập nhật lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức tập huấn lồng ghép truyền thông về chuyển đổi số, hướng dẫn hội viên nông dân tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Từ đó, công nghệ số cũng giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và hội viên nông dân thuận tiện hơn trong học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu thị trường, liên kết hợp tác sản xuất. Đây là điều kiện quan trọng, góp phần để nông nghiệp truyền thống dần chuyển đổi sang hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn. Sự thay đổi này không chỉ hiện hữu ở những doanh nghiệp quy mô lớn, mà ngay cả những chi, tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác... cũng đã từng bước áp dụng phù hợp. Từ đó, góp phần triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh và từng địa phương.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh cũng đã hoàn thiện phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh tại địa chỉ truy cập: https://qn.net.vn. Hệ thống bước đầu đã cấp tài khoản tham gia quản lý cho 142 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, tiến tới mở rộng đến cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất nông sản an toàn, liên thông đồng bộ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Qua các trang điện tử, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã cung cấp thông tin 456 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của 13 địa phương trong tỉnh với các siêu thị, chợ, đã có 27 cửa hàng và 5 sàn giao dịch thương mại điện tử trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin cho 418 cơ sở doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh niêm yết và giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
Đây là bước chuyển căn bản, thay đổi phương thức tiêu thụ, nâng tầm nông sản của tỉnh Quảng Ninh trong xu thế công nghệ số ngày càng phát triển như hiện nay. Với những giải pháp tích cực trong triển khai chuyển đổi số, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đang hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Đồng chí Lê Văn Độ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: công nghệ số giúp các doah nghiệp, hợp tác xã và hội viên nông dân thuận tiện hơn trong học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu thị trường, liên kết hợp tác sản xuất. Đây là điều kiện quan trọng, góp phần để nông nghiệp truyền thống dần chuyển đổi sang hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.
Anh Trần Sĩ Dũng - Giám đốc Hợp tác xã chè Dũng Nga chia sẻ: Dù trong lúc dịch bệnh căng thẳng nhất, các thông tin, hình ảnh, video clip về quá trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm chè sạch của hợp tác xã vẫn được tích cực đăng tải, nhằm duy trì độ nhận diện, tăng sức cạnh tranh và tìm kiếm thêm khách hàng. Đến nay, cách làm này cho thấy rất hiệu quả, phù hợp với thói quen tiêu dùng của đông đảo người dân. Họ quan tâm tới các thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ưa chuộng những mặt hàng sạch, tốt cho sức khỏe, mẫu mã phong phú. Nhờ công nghệ số mà những thông tin có thể cung cấp rất đầy đủ, nhanh chóng đến các đối tác và khách hàng.
Trang mạng xã hội Facebook Chả mực Bà Nụ - đặc sản Vân Đồn của cơ sở chả mực Bà Nụ, khu 8, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn được thành lập từ năm 2015 khi xu hướng bán hàng trên mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những kênh giao dịch thương mại lớn. Ông Nguyễn Đình Tuấn, chủ cơ sở, cho biết: Những năm gần đây, cơ sở này tiếp tục bắt nhịp xu thế thương mại mới, tổ chức những buổi livestream bán hàng, quay video quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng này và đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Có ngày cơ sở tiêu thụ được gần 1 tấn chả mực.
Còn đối với HTX Nông - lâm - ngư nghiệp Thái An, thành phố Móng Cái, ngoài kinh doanh theo hình thức truyền thống, hợp tác xã cũng đã đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường…
Sự thay đổi này không chỉ hiện hữu ở những doanh nghiệp quy mô lớn, mà ngay cả những chi, tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác... cũng đã từng bước áp dụng phù hợp. Từ đó, góp phần triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh và từng địa phương.
Điều này phần nào cho thấy thói quen giao dịch điện tử đang ngày càng phát triển; nhận thức của hội viên, nông dân về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngày càng nâng cao. Thực tế, thương mại điện tử chỉ là một trong rất nhiều những biểu hiện của số hoá mà nông dân có thể tiếp cận, ứng dụng và làm chủ. Hiện nay, những nông dân thành thị, nông dân sản xuất bằng công nghệ cao, nông dân sản xuất bằng công nghệ số, không cứ phải có ruộng vườn thẳng cánh cò bay mà vẫn tạo ra sản lượng nông sản lớn, giá trị cao.
Anh Lê Mạnh Quy ở xã Quảng Minh, huyện Hải Hà được nhiều người biết đến nhờ dòng sản phẩm có thương hiệu là trà hoa vàng Quy Hoa. Trong quá trình sản xuất, anh lựa chọn phương pháp sấy đông lạnh thăng hoa để đảm bảo 99% tinh chất trong bông hoa, 97% hình thức bông hoa. Nhờ vậy mỗi bông hoa trà hoa vàng thành phẩm của thương hiệu Quy Hoa cho đến khi nằm trong ấm trà của người tiêu dùng vẫn giữ nguyên hình dáng, màu sắc, hương vị, tinh chất như khi còn đang tươi nguyên ở trên cây trà.
Anh Đồng Quang Cường ở xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, triển khai mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm và vịt đẻ lấy trứng; quy mô sản xuất gần 30.000 con vịt thương phẩm/năm, 7.000 con vịt đẻ trứng/ngày. Anh Cường đưa ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. chăn nuôi vịt.Đàn vịt thương phẩm được nuôi trong chuồng lạnh khép kín, nghĩa là làm chủ các thông số nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với sinh trưởng và phát triển của con vịt, tránh được những tác động bất lợi từ môi trường tự nhiên. Các khâu ăn, uống của con vịt được thực hiện tự động, theo lập trình... Tất cả những thông số sản xuất đều được cập nhật, tích hợp và điều chỉnh thông qua thiết bị smartphone...
Mục tiêu xây dựng những nông dân số để bắt nhịp với xu thế thời đại 4.0, Hội Nông dân tỉnh đã và đang tích cực đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân từng bước ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản. Giúp nông dân chủ động, tích cực tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thích ứng với yêu cầu phát triển xã hội. Theo như lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh nhận định: Với sự quan tâm thiết thực, đúng hướng và tinh thần quyết liệt triển khai trong chuyển đổi số của các đơn vị chức năng, tỉnh Quảng Ninh sẽ có đông đảo những "nông dân số" hoà nhịp xu hướng chuyển động mạnh mẽ như hiện nay.
Nhật Anh