00:00 Số lượt truy cập: 2666967

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa triển khai các dự án KHCN, xây dựng và chuyển giao các mô ứng dụng KHCN cho nông dân 

Được đăng : 21/09/2019

 

  Nhằm nâng cao kiến thức về quản lý và tổ chức ứng dụng khoa học công nghệ cho cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh và nhân rộng kết quả chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ cho nông dân, 9 tháng đầu năm 2019 Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện và đạt được những kết quả như sau:

Thông qua nguồn vốn Quỹ HTND, Ban Thường vụ HND Thanh Hóa đã chỉ đạo một số địa phương khi xây dựng dự án vay vốn Quỹ HTND tập trung vào ứng dụng các sản phẩm của các đề tài KHCN đã nghiệm thu vào phương án sản xuất, kinh doanh, bảo tồn, phát triển các sản phẩm là đặc sản vùng miền, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Một số mô hình rất hiệu quả và đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm như: Mô hình phát triển cây Sâm Báo tại huyện Vĩnh Lộc; xây dựng thương hiệu nước mắm Khúc Phụ tại xã Hoằng Phụ huyện Hoằng Hóa; sản xuất Hương bài truyền thống tại xã Vạn Thắng huyện Nông Cống; khôi phục cây Mía tím Kim Tân tại xã Thành Trực huyện Thạch Thành; xây dựng thương hiệu Bánh Gai Tứ Trụ tại xã Thọ Diên huyện Thọ Xuân; khôi phục giống Bưởi đỏ Luận Văn tại xã Thọ Xương huyện Thọ Xuân; thương hiệu Nước mắm Cự Nham xã Quảng Nham huyện Quảng Xương;  Miến gạo Thăng Long tại xã Thăng Long huyện Nông Cống...

Trong năm 2019, từ nguồn vốn Quỹ HTNDHội Nông dân tỉnh xây dựng dự án phát triển vùng sản xuất hàng hóa: Dự án trồng hoa hồng chất lượng cao ở phường Đông Cương - TP Thanh Hóa, dự án trồng cam tại xã Xuân Thành huyện Thọ Xuân, Dư án nuôi Hàu đại dương ở xã Hải Bình huyện Tĩnh Gia, Dự án Trồng bưởi Diễn xã Nga Liên huyện Nga Sơn; dự án Quỹ HTND gắn với ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao vào SXKD: D án Trồng rau hữu cơ công nghệ cao tại xã Đông Tiến huyện Đông Sơn, dự án Trồng rau quả an toàn tại xã Thiệu Vận huyện Thiệu Hóa; dự án Nuôi hàu đại dương tại xã Hải Bình huyện Tĩnh Gia; dự án nuôi cá quả trong bể xi măng ở phường Quảng Cư thành phố Sầm Sơn; trồng cam, ổi ở các xã Thành Vân, Thành Tâm, Thạch Quảng huyện Thạch Thành..v.v....; dự án Quỹ HTND trong phát triển làng nghề: Dự án Chế tác đá mỹ nghệ tại xã Vĩnh Minh huyện Vĩnh Lộc; Dự án phát triển nghề mộc dân dụng tại xã Thăng Thọ huyện Nông Cống; dự án sản xuất và kinh doanh đá ốp lát tại xã Đông Hưng Thành phố Thanh Hóa......Các dự án này đều có áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ 3D, tia lade,.v.v...trong thiết kế, chế tác sản phẩm, do đó sản phẩm đạt chất thẩm mỹ cao, giúp nông dân rất hiệu quả.

          Triển khai lồng ghép thực hiện các mô hình thuộc các chương trình mục tiêu gắn với ứng dụng KHCN như: Mô hình nuôi gà thịt thương phẩm trên nền đệm lót sinh học tại xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hóa với tổng kinh phí 200 triệu đồng, 10 hộ tham gia (chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới); mô hình rau sạch tại xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Dự án thuộc chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm). Phối hợp với Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông, Công ty cổ phần phân bón Thần Nông tổ chức và triển khai chương trình cung cấp phân bón chậm trả cho hội viên nông dân cung ứng được 14.937 tấn phân bón trả chậm cho hội viên nông dân; phối hợp với Công ty cổ phần Thanh niên Việt Nam, Công ty Phương Nam tổ chức và triển khai chương trình cung cấp phân bón qua lá, chế phẩm sinh học Sumitri cho hội viên nông dân 27 huyện, thị, thành phố; đến nay, đã có 4 đơn vị đăng ký sử dụng.

Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020; Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020. Ban Thường vụ Tỉnh hội đã chỉ đạo thành lập được 6 HTX; tổ chức cho cán bộ Tỉnh hội và Hội Nông dân 27 huyện, thị, thành phố đi học tập kinh nghiệm chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tại Tỉnh Quảng Ninh; tổ chức cho các HTX đi học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển HTX ngoài tỉnh. Chỉ đạo xây dựng mô hình công nghệ và theo hướng công nghệ cao như: Mô hình “Trồng mướp đắng áp dụng công nghệ cao” tại xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân; mô hình “Liên kết chăn nuôi gà an toàn sinh hoạt theo chuỗi giá trị” tại các xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh; mô hình “Chăn nuôi bò cái sinh sản cho các hộ nghèo” tại xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh; Cao Ngọc, Ngọc Lặc và Thọ Tân, huyện Triệu Sơn, mỗi mô hình từ 36 đến 39 con bò giống, trị giá trên 500 triệu/mô hình (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 400 triệu/mô hình). Hỗ trợ hộ gia đình bà Trịnh Thị Sáu, xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân áp dụng hệ thống tưới công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn. Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng các dự án ứng dụng KHCN chuyển giao cho nông dân, trong 9 tháng đầu năm, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã xuất bản 3 số “Thông tin nông dân Thanh Hóa” với số lượng 18.018 cuốn phát hành đến các cấp hội; đồng thời phối hợp với Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh và hệ thống truyền thanh cơ sở, Báo Thanh Hoá thực hiện 23 chuyên mục trên báo, 36 chuyên mục và phóng sự phát sóng trên Đài truyền hình tỉnh nhằm tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo hội viên, nông dân về vai trò của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền về các mô hình, điển hình sản xuất tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và thực tiễn sản xuất. Trong các chuyên mục cũng như trong “Bản tin Nông dân Thanh Hoá”, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng các hoạt động tuyên truyền lợi ích xã hội của việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm hàng hóa nông - lâm - thuỷ sản có chất lượng cao, an toàn với sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường. Tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động và hướng dẫn hội viên, nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh cho các loại cây lương thực và các cây rau màu; tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo các biện pháp, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từ công tác chỉ đạo và hướng dẫn, Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố và cơ sở Hội đã phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN, Nông nghiệp & PTNT, hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để phát triển kinh tế địa phương. Tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng chế phẩm sinh học BioWISH trong chăn nuôi, trồng trọt, sử lý rơm rạ trên đồng ruộng, sử lý môi trường cho 121.115 lượt cán bộ, hội viên nông dân, tổ chức 192 cuộc hội thảo cho 5.474 lượt người tham gia. Các huyện, thị, thành và cơ sở còn phối hợp với các Viện, Trung tâm, các doanh nghiệp xây dựng các mô hình trình diễn đưa các giống, cây, con năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân đi thăm quan học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh để nông dân có điều kiện học tập, nhân rộng.

 Chương trình phối hợp đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc đưa tiến bộ KHKT và công nghệ mới vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nâng cao nhận thức, hiểu biết phương thức sản xuất mới cho hội viên nông dân. Thông qua các lớp tập huấn, các mô hình trình diễn chuyển giao các tiến bộ KHKT đã giúp cho hội viên nông dân có thêm kiến thức mới về ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất và chăn nuôi, từng bước làm thay đổi nhận thức, tập quán, cách làm của nông dân. Đồng thời hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình đạt kết quả cao, giúp nông dân định hướng sản xuất, ứng dụng các kỹ thuật mới, những kinh nghiệm hay vào sản xuất ngày càng hiệu quả hơn, góp phần tăng năng suất cây trồng vật nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa. Các hoạt động KHCN đã chuyển giao thành công cho cộng đồng nông dân, nông thôn, góp phần làm tăng năng suất trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương, đồng thời tạo cho người dân  có ý thức áp dụng tiến bộ mới trong nông nghiệp, trong việc bảo vệ môi trường nông thôn.

T.H