Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã triển khai phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” hiệu quả, góp phần trong thành tích chung xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của tỉnh đã đạt 42,3 triệu đồng/năm.
Các cấp Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã tích cực vận động hội viên nông dân và hộ sản xuất kinh doanh giỏi tham gia tương trợ giúp đỡ hội viên nông dân, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động có việc làm thường xuyên và làm theo mùa vụ hoặc từng khâu công việc.
Một số điển hình tiêu biểu trong phong trào là mô hình sản xuất, kinh doanh chè và chế biến gỗ, sản xuất da giày của hộ ông Phạm Đình Huỳnh, tổ dân phố Tứ Quận, thị trấn Yên Sơn, huyện Yên Sơn doanh thu đạt trên 15 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 500 lao động. Mô hình trang trại tổng hợp VACR của hộ anh Hoàng Văn Tác ở thôn Hải Mô, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm, không chỉ làm giàu cho bản thân anh còn tạo việc làm ổn định cho 17 lao động và giúp đỡ 7 hộ khó khăn về vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2023 Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp và tổ chức đào tạo 15 lớp dạy nghề cho hội viên nông dân, trong đó có các nghề: Kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi; trồng nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản … Để xây dựng các lớp học nghề cho hội viên nông dân trên địa bàn, Hội đã chủ động, phối hợp chặt chẽ Hội Nông dân các huyện, thành phố và bám sát cơ sở Hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân mong muốn được học nghề. Kế hoạch học tập lồng ghép với kế hoạch, lộ trình của tỉnh trong xây dựng các xã về đích nông thôn mới theo từng giai đoạn, từng năm … Từ đó Hội phối hợp với các đơn vị liên quan để mở các lớp đào tạo nghề cho hội viên nông dân.
Việc tập huấn, nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về các chương trình, dự án này cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội. Đây có thể xem như “cánh cửa” giúp nông sản được bảo hộ quyền và lợi ích trên thị trường, đồng thời tăng sự tin tưởng của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngày càng nhiều nông sản gắn với chỉ dẫn địa lý tỉnh Tuyên Quang đã đi vào thị trường và khẳng định thị phần, trong đó một số sản phẩm đã vươn tầm khu vực, xuất khẩu ra thị trường thế giới như chè, mật ong, cá đặc sản, gỗ rừng trồng … Từ đó tạo ra giá trị kinh tế cao, tạo thành những nhóm sản xuất, hợp tác xã, hộ liên kết, nâng cao mức sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Phát huy hiệu quả các vốn đầu tư từ chương trình, dự án, quỹ hỗ tợ nông dân, các nguồn lực khai thác khác, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp, tạo tiềm năng, lợi thế của từng vùng sinh thái. Đồng thời vận động nông dân liên kết với nhau để nâng quy mô sản xuất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã.
Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, quảng bá sản phẩm cho nông dân thông qua việc làm cầu nối liên kết hợp tác, giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó, tư duy của nông dân cũng dần thay đổi. Sản phẩm nông nghiệp làm ra cũng dần xây dựng được thương hiệu.
Kiều Anh