00:00 Số lượt truy cập: 2666929

Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đẩy mạnh xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho nông dân 

Được đăng : 06/12/2019

 

Trong những năm qua, tỉnh Hội đã phối hợp với các ban, đơn vị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

 Phối hợp với Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại tỉnh (FFF) đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh hỗ trợ Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam quy hoạch vùng nguyên liệu Quế hữu cơ trên diện tích 600 hecta tại xã Đào Thịnh (H. Trấn Yên); hỗ trợ HND huyện Yên Bình triển khai sản xuất gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC (tại các xã Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Đại Đồng, Tân Hương, TT. Yên Bình với 1.737,5 ha và 494 hộ (chia thành 31 nhóm) áp dụng các quy trình kỹ thuật chăm sóc, khai thác cây chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Thực hiện kế hoạch áp dụng khoa học kỹ thuật đưa cây con giống vào sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm dưới tán rừng. Ban Quản lý Chương trình FFF tỉnh đã tổ chức 02 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây ba kích và kỹ thuật nuôi ong mật dưới tán rừng cho 60 hộ HVND xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên và xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình.Nhằm hỗ trợ các hộ HVND xây dựng mô hình “Nuôi ong mật có hiệu quả”, BQL Chương trình FFF tỉnh cấp 100 cầu ong giống và 30 thùng nuôi ong cho 10 hộ HVND Tổ hợp tác thôn Hợp Thịnh, cùng với đó các hộ tham gia xây dựng mô hình đã đối ứng được 31 thùng ong và 93 cầu ong; đồng thời tổ chức cho 16 hộ HVND nông dân xã Phú Thịnh (H. Yên Bình) đi tham quan mô hình nuôi ong mật của hộ ông Vũ Văn Đa – Phường Hợp Minh (TP. Yên Bái) với quy mô trên 400 tổ ong. Tại xã Đào Thịnh (H. Trấn Yên), Chương trình đã hỗ trợ 5.000 cây Ba kích xây dựng mô hình “Trồng cây Ba kích dưới tán rừng”.

Phối hợp với Trung tâm Môi trường nông thôn triển khai xây dựng mô hình “Xử lý chất thải trong phát triển trang trại” tại thị trấn Cổ Phúc (H. Trấn Yên). Bước đầu đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sử dụng chế phẩm EM2 cho 90 hộ dân và cung cấp 1.000 lít chế phẩm sinh học EM2 (đợt 1) cho 20 hộ tham gia thực hiện dự án. Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Khoa học nông vận triển khai xây dựng mô hình “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ sản xuất cà chua thương phẩm” trên diện tích 4 hecta tại xã Nga Quán, huyện Trấn Yên với 36 hộ HVND tham gia. Phối hợp với Ban Dân tộc, tôn giáo, quốc phòng – an ninh triển khai thực hiện dự án giảm nghèo “Nuôi bò sinh sản” tại xã Minh An (H. Văn Chấn); xã Minh Tiến, Vĩnh Lạc (H. Lục Yên) cho 60 hộ HVND với tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ trên 800 triệu đồng; đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản cho các hộ tham gia thực hiện Dự án. Phối hợp với Văn phòng Trung ương Hội xây dựng dự án “Nuôi ghép cá nước ngọt theo chuỗi giá trị” tại xã Khánh Thiện (H. Lục Yên) với tổng giá trị 200 triệu đồng gồm: hỗ trợ HTX Nông - lâm - thủy sản Khánh Thiện 11.000 con giống cá trắm với tổng trọng lượng 200kg để thực hiện mô hình nuôi cá trắm trên quy mô hơn 11ha mặt nước; tập huấn kỹ thuật nuôi cá trắm và nguồn thức ăn cho cá.

Nhằm giúp đỡ hội viên, nông dân tháo gỡ khó khăn về vốn và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; tỉnh Hội đã triển khai các hoạt động ủy thác, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôntạo điều kiện cho gần 30.000 hộ hội viên nông dân vay vốntheo hình thức ủy thác và tín chấp với tổng dư nợ trên 1.000 tỷ đồng đểđầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả. Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp trung ương và tỉnh, tỉnh Hội đã triển khai xây dựng 18 dự án phát triển kinh tế cho 207 hộ vay, trị giá 7.900 triệu đồng; tiêu biểu như dự án “Sản xuất và chế biến miến đao” tại xã Giới Phiên (TP. Yên Bái), dự án “Trồng và chăm sóc quế” tại xã Yên Hợp (H. Văn Yên), dự án “Chăn nuôi thỏ thương phẩm” tại xã Lương Thịnh (H. Trấn Yên)…

Thực hiện nhiệm vụ được giao theo Chương trình hành động số 144-CTr/TU ngày 15/02/2019 của Tỉnh ủy Yên Bái, tổ chức Hội đã đứng ra tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng. 6 tháng đầu năm 2019, các cấp Hội đã chủ trì, phối hợp xây dựng 08 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp: Chuỗi giá trị chăn nuôi thỏ thịt (xã Yên Hợp, H. Văn Yên); Chuỗi giá trị chăn nuôi gà đen địa phương (xã Nậm Khắt, H. Mù Cang Chải); Chuỗi giá trị sản xuất phân nén hữu cơ, trồng rau an toàn (thị trấn Mù Cang Chải, H. Mù Cang Chải); Chuỗi trồng Chanh leo (xã Phù Nham, xã Thượng Bằng La, H. Văn Chấn); Chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh quế hữu cơ (xã Đào Thịnh, H. Trấn Yên); Chuỗi giá trị trồng cây dược liệu lá Khôi (xã Đào Thịnh, H. Trấn Yên); Chuỗi giá trị sản phẩm về chăn nuôi, thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm cá lồng trên Hồ Thác Bà (xã Hán Đà, H. Yên Bình); Phối hợp xây dựng Chuỗi sản xuất chè hữu cơ, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm (xã Minh Bảo, TP. Yên Bái).

Các cấp Hội đã tích cực phối hợp vận động nông dân tham gia thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung vào việc thực hiện các Tiểu đề án phát triển sản phẩm, lĩnh vực có lợi thế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp như: Đề án phát triển chăn nuôi; Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản; Đề án phát triển cây ăn quả; Đề án phát triển chè vùng cao; Đề án hỗ trợ sản xuất Ngô đông trên đất hai vụ lúa; Đề án phát triển cây quế; Đề án phát triển cây măng tre Bát Độ; Đề án phát triển cây Sơn tra... Hội Nông dân thành phố Yên Bái phối hợp với phòng Kinh tế triển khai 15 dự án áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng rau sạch, cây ăn quả theo Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị thành phố Yên Bái giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”; Hội Nông dân huyện Lục Yên xây dựng được 35 mô hình nuôi gà, 20 mô hình nuôi lợn thịt, 12 mô hình nuôi lợn nái; Hội Nông dân huyện Trạm Tấu xây dựng mô hình Nuôi dê sinh sản” cho 05 hộ tại Thôn Tà Xùa (xã Bản Công) với số vốn 50 triệu đồng…

Thông qua các hoạt động xây dựng mô hình, triển khai các dự án tại địa phương chuyển giao cho nông dân, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa dạng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho HVND... góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Có thể khẳng định:Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp bền vững. Đẩy mạnh việc thực hiện công táckhoa học & công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với triển khai các phong trào trọng tâm và nhiệm vụ công tác Hội.

P.Loan