00:00 Số lượt truy cập: 2981966

Hội Nông dân xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên thực hiện tốt phong trào vận động hội viên, nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi 

Được đăng : 06/11/2020

 

 

Có thể khẳng định, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những phong trào hành động cách mạng có hiệu quả thiết thực đối với cán bộ, hội viên, nông dân trong thời kỳ đổi mới; việc triển khai và thực hiện phong trào trở thành động lực quan trọng giúp hội viên nông dân trong xã khai thác tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế hộ, kinh tế gia trại, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân nông thôn tại địa phương. Qua đó góp phần xây dựng tổ chức Hội từ xã đến chi hội vững mạnh. 

Nhận thức được ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Trong những năm qua, Hội Nông dân xã thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân; phối hợp tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân tiếp cận chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, của huyện về nông nghiệp, nông thôn;quan tâm tới tình hình sản xuất, kinh doanh của hội viên, thực hiện tốt vai trò làm cầu nối cho nông dân tiếp cận với những nguồn vốn vay. Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện tạo điều kiện cho trên 500 hộ vay vốn với tổng số tiền hơn 25 tỉ đồng, giải ngân dự án quỹ hỗ trợ nông dân cho 12 hội viên với số tiền là 500 triệu đồng; thực hiện cho 10 hộ vay phát triển chăn nuôi bò theo Chương trình dự án 530; cung ứng 75 tấn phân bón trả chậm đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý.

 Để nguồn vốn vay phát huy được hiệu quả Hội Nông dân xã lồng ghép việc trao đổi chia sẻ kinh nghiệm làm giàu giữa các gia đình hội viên với nhau trong các buổi sinh hoạt chi tổ hội. Đồng thời chủ động phối hợp với Trung tâm Cây ăn quả, trạm Khuyến nông của huyện tổ chức hướng dẫn, tập huấn chuyển giao KHKT, tổ chức tham quan, học hỏi tại các trang trại và giới thiệu mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cho Hội viên Nông dân, xây dựng các mô hình trang trại trẻ. Kết quả trong 5 năm (2015 - 2020) Hội Nông dân xã phối hợp mở 7 lớp dạy nghề, tổ chức 240 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 8 nghìn lượt hội viên nông dân.

Bên cạnh đó Hội Nông dân xã tích cực tuyên truyền vận động hội viên, nông dân xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường; qua đó xuất hiện nhiều mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, số hộ sản xuất kinh doanh giỏi năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện nay toàn xã có 70 mô hình kinh tế cho thu nhập cao tiêu biểu như: Mô hình trồng cây ăn quả của hội viên Nình Văn Hòa, Nông Văn Âm, Lù Văn Giang cho thu nhâpsau khi trừ chi phí đạt trên 500 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi lợn của hội viên Bế Văn Huy cho thu nhập trên 700 triệu đồng; mô hình trồng rừng của hội viên Ninh Văn Mậu... Mỗi mô hình đã tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho trên 20 lao động tại địa phương. Toàn xã có 425 hộ gia đình nông dân đạt danh hiệu “Sản xuất kinh doanh giỏi” trong đó 25 hộ đạt cấp tỉnh và 6 hộ đạt cấp Trung ương.  Đi đôi với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi công tác giúp đỡ hộ nghèo được Hội Nông dân xã quan tâm chỉ đạo, hàng năm đều đưa vào chỉ tiêu thi đua. Phát huy tinh thần tương thân, tương ái Hội Nông dân xã vận động tương trợ nhau khắc phục hậu quả lụt, bão và các hội viên khó khăn đột xuất, hộ nghèo neo đơn ...Trong 5 năm có 125 hộ hội viên nông dân thoát nghèo.Thông qua việc triển khai, tổ chức thực hiện tốtphong trào nôngdân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vươn lên làm giàu, thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững thực sự hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững, đồng chí Triệu Thị Bình -  Chủ tịch hội Nông dân xã đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới đó là:

Thứ nhất: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Hội viên nông dân thực hiện chất lượng và hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phát huy hơn nữa ý chí tự lực tự cường, không cam chịu đói nghèo vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Thứ hai: Việc xây dựng các mô hình kinh tế phải phù hợp với điều kiện của địa phương, đúng quy hoạch của huyện, tạo ra những vùng chuyên canh các sản phẩm hàng hoá cho giá trị kinh tế, có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Khuyến khích thành lập các loại hình kinh tế tập thể, như: tổ hợp tác, hợp tác xã; hướng dẫn cho nông dân sản xuất, chế biến và đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm theo theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap….; Thực hiện mở rộng quảng bá sản phẩm thông qua nhiều kênh:  như hội chợ, mạng xã hội, bán hàng oline…

Thứ ba: Hội tiếp tục tín chấp, tạo nguồn vốn cho Hội viên phát triển sản xuất; vận động Hội viên liên kết nhóm hộ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm góp vốn, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nhau trong quá trình đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao kiến thức áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất kinh doanh.

Thứ tư:  Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề  cho Hội viên, nông dân; Cung cấp các tài liệu khoa học, hướng dẫn quy trình kỹ thuật; tư vấn giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Hằng năm thực hiện xây dựng và lựa chọn các mô hình kinh tế về sản xuất kinh doanh có chất lượng sản phẩm, năng xuất, hiệu quả kinh tế cao qua đó làm mô hình trình diễn, tổ chức tham quan, học tập đánh giá rút kinh nghiệm để nhân rộng trong nông dân.

Thứ năm: Thường xuyên tổ chức cho hội viên tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất kinh doanh có giống, vật nuôi, cây trồng mới; tiến bộ khoa học kỹ thuật tiến tiến ở trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh.

Thứ sáu: Phải gắn chỉ đạo Phong trào SXKD giỏi với củng cố, xây dựng tổ chức Hội. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sơ, tổng kết rút kinh nghiệm công tác tổ chức chỉ đạo phong trào trong các cấp Hội, biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua.

Tiến Trình