00:00 Số lượt truy cập: 2989112

Hội Nông dân xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, vận động hội viên, nông dân tích cực thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá 

Được đăng : 16/11/2020

Xuân Vân là xã thuộc vùng thượng huyện Yên Sơn có điều kiện đất đai, khí hậu tự nhiên phù hợp với các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao kết hợp với chăn nuôi gia xúc gia cầm... Bám sát sự chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân cấp trên trong 5 năm qua Hội Nông dân xã Xuân Vân tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, nhất là quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch vùng sản xuất của xã. Tích cực vận động, hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được xác định là cây trồng chủ lực như: Cây Bưởi, cây Na, cây Cam, chăn nuôi gia xúc, gia cầm thay thế những cây có giá trị kinh tế thấp. Kết quả đến nay tổng diện tích cây ăn quả đạt 997,14ha; trong đó, diện tích bưởi 873,32ha, cây cam 88,03ha, cây na 12,42 ha, cây hồng 20 ha, cây nhãn 3,1 ha.

 Xác định việc phát triển kinh tế trang trại, gia trại chính là cơ sở khơi dậy tiềm năng trong dân cư để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng hóa, thúc đẩy áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Trong những năm qua Hội Nông dân xã Xuân Vân phối hợp tuyên truyền vận động hội viên, nông dân phát triển kinh tế trang trại, gia trại, kinh tế tập thể. Kết quả đến nay toàn xã có 12 trang trại, trong đó trang trại tổng hợp: 03, trang trại trồng trọt: 09. Qua đó góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân từ 25,2 triệu đồng/người/năm trong 2015 tăng lên 33 triệu đồng/người/năm trong năm 2019. Trước tình hình mới, đòi hỏi về sản phẩm nông nghiệp ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm; Hội Nông dân xã đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân; đặc biệt chủ động áp dụng kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Phối hợp đã xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm Bưởi Xuân Vân, Hồng ngâm Xuân Vân; có 03 nhãn hiệu nông sản hàng hóa; 01 sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc. …

         Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho hội viên, nông dân vay vốn, đầu tư phát triển sản xuất, Hội Nông dân xã đã chủ động phối hợp Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội nhận tín chấp và ủy thác cho hội viên vay với số tiền 3.700 triệu đồng. Tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả dự án giảm nghèo và các dự án phát triển kinh tế xã hội do tỉnh, huyện, xã triển khai thực hiện trên địa bàn.

         Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động hội viên nông dân tích cực thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Vân đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là:Tăng cường tuyên truyên, vận động hội viên nông dân tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc xây dựng, duy trì, phát triển sản phẩm có thế mạnh của xã như: Cây Buổi, Cây Na và chăn nuôi gia xúc, gia cầm trên cơ sở định hướng tránh tình trạng nhân rộng một cách ồ ạt.

Hai là: Chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo đầu bờ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân. Đồng thời tích cực vận động hội viên nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện tốt các phương pháp sản xuất an toàn toàn sinh học và tiêu chuẩn VietGAP.

Ba là: Tiếp tục phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn để phát triển kinh tế. Chủ động đề xuất với Hội Nông dân cấp trên cho vay từ nguồn vỗn Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh để thực hiện có mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao,; mô hình sản xuất an toàn và các mô hình có sự liên kết, tổ hợp tác. Qua đó để nâng cao nhận thức, ý thức của nông dân trong sản xuất thực phẩm an toàn; đồng thời từ các mô hình này để lan tỏa, thay đổi thói quen sản xuất cho hội viên nông dân.

Bốn là: Tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ nông dân tham gia vào các tổ hội, chi hội nông dân nghề nghiệp; từ đó góp phần hình thành, nuôi dưỡng ý thức liên kết, hợp tác trong nông dân. Qua đó góp phần chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ theo hình thức nông hộ “mạnh ai nấy làm”. Và từ làm ăn theo tổ hợp tác cũng sẽ giúp các hộ có sự giám sát lẫn nhau để đảm bảo thực phẩm an toàn.

Năm là: Phối hợp làm tốt công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm tham gia Hội chợ thương mại; chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng các trường hợp vi phạm thương hiệu.

Trình Vi