Toàn cảnh Hội thảo
Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp tập trung tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, nút thắt nhằm thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có chính sách đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp thông minh. Hiện nay, trên địa bàn thành phố hiện có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Trong đó, công nghệ, thiết bị thông minh được sử dụng chủ yếu trong việc quản lý, điều khiển môi trường sản xuất.
Trong trồng trọt, đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất ứng dụng nhà màng, nhà lưới với hệ thống tự động hóa trong tưới, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng; hệ thống giám sát có thể phân tích đất đai, dự báo năng suất, phát hiện sâu bệnh, dịch hại. Nhân nuôi tế bào thực vật quy mô công nghiệp; ứng dụng công nghệ kết nối vạn vật( IoT), canh tác không sử dụng đất; sử dụng máy bay điều khiển từ xa trong bón phân và phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng cũng đang được áp dụng rộng rãi…Trong chăn nuôi, nhiều hộ nông dân Hà Nội đã xây dựng chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm chuồng nuôi; xây dựng dây chuyền cho ăn, uống tự động; sử dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, xử lý môi trường...Trong nuôi cá, nhiều hộ đã ứng dụng công nghệ "sông trong ao", sử dụng chế phẩm sinh học và máy tạo oxy tự động, công nghệ biofloc...
Tuy nhiên, số lượng mô hình nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế vốn có của Hà Nội. Đầu năm 2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình 04-CTr/TU về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định đến năm 2025, Hà Nội có tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt 70%.
Để đạt được mục tiêu trên, tại Hội thảo các đại biểu, nhà khoa học, các chuyên gia đã tập trung phân tích, thảo luận về thực trạng phát triển nông nghiệp thông minh ở Việt Nam và Hà Nội, đồng thời, đưa ra định hướng, giải pháp phù hợp với thực tiễn và xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển nông nghiệp ở Hà Nội hiện nay.
TS Lê Thành Ý (Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, Hà Nội có lợi thế lợi thế sẵn có về nguồn trí thức vì trên địa bàn thành phố có nhiều viện nghiên cứu đầu ngành, các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp hàng đầu. Trên cơ sở đó, nông nghiệp Thủ đô cần mở rộng hoạt động nghiên cứu nhằm tạo ra các loại vật tư và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sau thu hoạch và chế biến bảo quản. Bên cạnh đó, phải coi trọng việc nhập khẩu công nghệ và thiết bị trong nước chưa sản xuất được trên cơ sở nghiên cứu thử nghiệm, thích nghi và làm chủ được công nghệ nhập từ bên ngoài.
Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Để phát triển nông nghiệp thông minh không chỉ ở Hà Nội mà còn trên phạm vi cả nước:, Chính phủ cần tiếp tục ban hành những chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính khả thi cao; từ đó nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp thông minh. Ngoài ra, cần quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh.
PGS.TS Đặng Văn Đông - Viện Nghiên cứu rau quả trung ương cho biết, trong bối cảnh đô thị hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp liên tục bị thu hẹp, Hà Nội cần định hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị - thông minh, mang tính sinh thái, bền vững, xây dựng nông thôn mới phù hợp đặc thù của Hà Nội.
Một số chuyên gia, nhà khoa học cũng đề xuất Hà Nội cần tiếp tục có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phục vụ nông nghiệp. Triển khai xây dựng, thu thập cơ sở dữ liệu trực tuyến nông nghiệp, tích hợp đồng bộ. Bên cạnh đó, công nghệ tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với hộ nông dân nhỏ, gắn với nền tảng truy xuất nguồn gốc cũng là lĩnh vực cần được thành phố ưu tiên để có thể ứng dụng ngay trong thời gian ngắn.
Kết thúc buổi Hội thảo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu, nhiều giải pháp thiết thực cho sự phát triển Nông nghiệp thông minh trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Ông cũng cho biết: Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu thành phố hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
TB