Các chủ đề trao đổi, thảo luận tại hội thảo liên quan tới chuỗi giá trị nông sản, nông nghiệp bền vững; chính sách thương mại hàng nông sản; những thách thức phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đây là những vấn đề mang tính thời sự đang được Việt Nam và quốc tế quan tâm, liên quan mật thiết đến bối cảnh thực tế hiện nay, đặc biệt là những vấn đề về phát triển nông nghiệp bền vững; ứng phó khủng hoảng trong dài hạn và ngắn hạn như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và đại dịch Covid-19...
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã nỗ lực tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu với nhiều sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao như thủy sản, gỗ, cà phê, hoa quả… Nông sản nước ta hiện có mặt tại hơn 196 nước. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vẫn đạt 41,25 tỷ USD. Tính chung, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trung bình 9,1%/năm trong 10 năm qua.
Theo ý kiến phát biểu của TS Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, quy hoạch phát triển sản xuất ngành Nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra mục tiêu chính: phát triển nông nghiệp hiện đại, vào Top 10 - 12 nước nông nghiệp phát triển nhất thế giới, là một trong những trung tâm sản xuất, chế biến và thương mại nông sản hàng đầu thế giới; Phát triển nông nghiệp xanh như nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp sạch, có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến thế giới; Tỷ lệ nông sản được chứng nhận sản xuất bền vững trên 60%; GDP NN tăng 3 - 4%, thu nhập từ chế biến NS tăng từ 5 - 7%/năm, năng suất lao động nông nghiệp tăng trên 7%/năm. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 30%; tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản trên GDP ngành Nông nghiệp đạt khoảng 20-25%; tỷ trọng nông sản chế biến trong tổng giá trị hàng nông sản xuất khẩu đạt 50-60%; kinh tế số trong nông nghiệp đạt khoảng 20-25% GDP nông nghiệp... Ngoài ra, đến năm 2030, xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao… hứa hẹn đem lại những đột phá lớn về chuỗi cung ứng, nông nghiệp công nghệ cao, quy mô sản xuất.
Trong khi đó, đánh giá về thách thức và cơ hội đối với hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam bền vững, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động đến các chuỗi giá trị thực phẩm như: Làm đứt gãy chuỗi giá trị; gây nên tình trạng thiếu dịch vụ hậu cần (logistics); tình trạng không có việc làm, lao động di cư; gia tăng chi phí sản xuất và thái độ tiêu dùng có sự thay đổi... Vì vậy, để bảo đảm các chuỗi giá trị thực phẩm cần tăng cường kết nối thông in và điều phối chuỗi giá trị; Tăng cường áp dụng ATTP và tiêu chuẩn chất lượng; Đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến; Minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc áp dụng công nghệ số; Đa dạng kênh phân phối, thương mại điện tử…
. Trên cơ sở lý thuyết và phân tích chuyên sâu trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp có giá trị khuyến nghị chính sách cao. PGS.TS. Nguyễn An Thịnh nhấn mạnh, để phát triển chuỗi giá trị nông sản, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phát huy tác động tích cực của các FTA thế hệ mới, hỗ trợ việc tích hợp nông sản Việt Nam vào sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; áp dụng chuyển đổi số, mạng xã hội, ICT; Chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp và hệ thống lương thực vì mục tiêu phát triển bền vững và chống chịu khủng hoảng; Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA). Ngoài ra, Việt Nam cần phát triển các mô hình chuyển đổi sinh thái - xã hội (SET) cũng như các mô hình phát triển năng suất xanh (GP).
Cũng tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học đã chia sẻ, phân tích về các chính sách và thực tiễn các vấn đề đặt ra trong phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập Đông Nam Á; các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) trong thương mại nông sản...
TB