Ngày 28/7, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã Ban hành Kế hoạch xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chiến lược được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, định hướng, mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở tổng kết, đánh giá sâu sắc những thành tựu đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện (2010-2020); đồng thời, đề xuất cách tiếp cận xây dựng Chiến lược giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp lớn và đột phá để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, bền vững hơn.
Bối cảnh hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu thay đổi tư duy. Sản phẩm nông nghiệp không chỉ đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng mà còn nhiều yêu cầu mới như: sản phẩm phát thải carbon thấp, không tác động tới biến đổi khí hậu, môi trường, sức khỏe của chính người nông dân... Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, hiện nay ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển dựa trên đơn ngành; sử dụng nhiều đất đai, chi phí đầu vào thay vì sử dụng yếu tố khoa học công nghệ hay những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Muốn phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần chuyển đổi quan niệm và cấu trúc dựa trên việc phát triển những giá trị khác ngoài sản lượng. Những năm gần đây GDP đóng góp cho ngành nông nghiệp tăng nhưng chi phí đầu vào cũng tăng theo nên giá trị gia tăng bị giảm đi, thu nhập trực tiếp của người nông dân không đồng hành với sự tăng trưởng của ngành.
20 năm qua động lực chính của nông nghiệp là đổi mới chính sách, tiếp đến là đổi mới khoa học công nghệ. Hiện vẫn còn dư địa để đổi mới chính sách nhưng động lực chính sẽ phải ở khoa học nông nghiệp vì trong điều kiện nguồn lực giảm thì khoa học công nghệ là động lực để tạo ra giá trị.
Trong bối cảnh mới, cần có một chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn mang tính hệ thống, có định hướng bao quát, dài hạn trong 10 năm và có thể có những tầm nhìn dài hạn hơn nữa. Chiến lược này hiện thực hóa định hướng của Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII; trong đó, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cần gắn chặt hơn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với những cơ hội về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thị trường. Từ đó, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Chuyển đổi mạnh mẽ từ nhận thức tới hành động về phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái. Cùng đó, chuyển đổi tư duy của nông dân về phát triển kinh tế nông nghiệp, tập trung nâng cao giá trị, chất lượng, hiệu quả sản xuất; chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”. Ngoài ra, đẩy mạnh tư duy gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ.
Chung Anh