00:00 Số lượt truy cập: 3040376

Hội viên người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo và làm giàu 

Được đăng : 20/06/2023
Là một người dân tộc thiểu số ở xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, bằng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân và gia đình, cùng với sự giúp đỡ của Hội Nông dân các cấp và chính quyền địa phương, anh Cút Văn Cháu đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu một cách ngoạn mục, là tấm gương sáng cho bà con nông dân ở điạ phương học tập.

van1

Tư duy mở rộng diện tích đất canh tác góp phần giảm nghèo bền vững

 

Sinh ra và lớn lên ở vùng sâu, vùng xa, cách thành phố Thanh Hóa trên 250 km với rất nhiều thiếu thốn, đi lại khó khăn, mùa mưa đường giao thông thường hay bị sạt lở nên có khi di chuyển cả ngày mới xuống đến trung tâm huyện. Điều này cũng khiến cho nhiều người ở xã Mường Chanh, huyện Mường Lát chưa 1 lần được đặt chân đến thành phố. Chính vì vậy mà điều kiện dân trí của người dân tộc thiểu số nơi đây còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Tuy đã được Nhà nước đầu tư xây dựng trường Nội trú nhưng trình độ học vấn của con em tại địa phương vẫn còn cách xa so với các huyện miền xuôi. Hơn nữa, do địa hình núi cao, độ dốc lớn nên trên địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, nhất là lũ ống, lũ quét. Đây là một trở ngại lớn trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Bản thân anh Cút Văn Cháu được học đến lớp 7, sau khi lập gia đình và ở riêng, anh được vay nguồn vốn 50 triệu đồng thông qua tổ tiết kiệm vay vốn của Hội Nông dân để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Anh đã chăm chỉ làm ăn, lo tích lũy trả nợ và phát triển kinh tế gia đình. Có sức khỏe, anh đã miệt mài cày cuốc, vỡ hoang làm ruộng nước cùng với đồi rừng, kinh tế gia đình dần ổn định. Có được đồng vốn, anh trồng cây lâu năm như lát, xoan, nhất là mô hình cây dược liệu do Hội Nông dân huyện hướng dẫn. Khi tích lũy đồng vốn lớn hơn, anh mạnh dạn mua xe tải phục vụ vận chuyển nông, lâm sản cho bà con trong vùng. Với tiêu chí là tích cóp, tiết kiệm và chi tiêu hợp lý để xây dựng kinh tế gia đình nên dần số vốn của anh lớn lên. Lúc này anh đầu tư mua thêm máy xúc để khai hoang ruộng nước, đào ao thả cá và làm đường giao thông.

Tuy có máy móc, xe vận tải nhưng khi mùa mưa xuống là không làm ăn được, lúc này anh vận động và hướng dẫn các con lên đồi trồng cây, chăm sóc vườn rừng, không để thời gian phí hoài. Cứ như vậy, khi có việc thì làm, khi không thì cả gia đình tập trung chăm sóc khu vườn xung quanh nhà.

Hiện nay gia đình anh có 06 khẩu, trong đó có 04 lao động. Tổng tài sản trị giá trên 3,5 tỷ đồng gồm: 01 máy xúc, 01 xe vận tải; 2ha cây lâm nghiệp có giá trị như lát, xoan; 0,6ha ao thả cá cho thu nhập hàng tấn mỗi năm; 0,9ha ruộng lúa nước đủ cung cấp lương thực cho gia đình trong năm; đàn bò 36 con, trên 350 con gia cầm,...

Thông qua vệc kinh doanh vận tải, đồi rừng, vườn, ao, chuồng, gia đình anh thu nhập đã trừ chi phí mỗi năm bình quân đạt 707 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 118.triệu đồng/năm.

 Trong cuộc sống, gia đình anh không chỉ chú trọng đến sản xuất, kinh doanh mà luôn tự nguyện giúp đỡ người người xung quanh. Hàng năm hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho 20 lao động, tạo việc làm ổn định cho 16 lao động bình quân mỗi lao động 4,9 triệu đồng/tháng. Những lao động làm việc tại gia đình anh đều được anh hướng dẫn và chỉ bảo tận tình cung cách làm ăn, nhất là phải thu vén, tiết kiệm và có kế hoạch chi tiêu. Anh thường lấy chính tấm gương tiết kiệm, vun vén và nỗ lực của mình trong cuộc sống hàng ngày để hướng dẫn họ.

Tuy không được ăn học lên cao, nhưng bằng kinh nghiệm của mình, anh đã giúp đỡ, hỗ trợ cho 07 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo. Số vật chất giúp đỡ tuy không nhiều, chỉ là cây, con giống, có khi là chuyến xe, ca máy quy tổng số vốn vật tư hỗ trợ ra tiền khoảng 15 triệu đồng/hộ, nhưng họ đã biết cách làm ăn và đều thoát nghèo bền vững. Đó là cách giúp họ đường hướng làm ăn, giúp họ biết trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với điều kiện của gia đình họ cũng như chăm sóc, thu vén gia đình. Các gia đình này hiện nay đang có nguồn thu đều mỗi năm từ canh tác ruộng nước, từ chăn nuôi dê, nuôi gà, trồng cây dược liệu... con cái các hộ đều được đi học đầy đủ. Đối với anh, đây là thành công nhất mà anh muốn chia sẻ cùng các đại biểu có mặt tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V do Trung ương Hội tổ chức.

Để có được thành quả như hôm nay, ngoài nỗ lực cố gắng của bản thân và gia đình, anh luôn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền, của Hội Nông dân các cấp, đã tạo cho anh có nguồn vốn, có hướng đi và cả những kiến thức khoa học kỹ thuật hữu ích. Trong cuộc sống, bản thân anh luôn luôn gương mẫu chấp hành nghiêm túc chính sách của Đảng và Nhà nước, Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên đề ra, luôn học hỏi rèn luyện nâng cao nhận thức. Trong sinh hoạt Hội Nông dân, anh gương mẫu và vận động các hội viên khác đóng hội phí, quỹ hội, quỹ hỗ trợ nông dân đầy đủ, thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện giúp đỡ người còn khó khăn hơn mình.

Trong câu chuyện về sự nỗ lực, cố gắng vươn lên đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thanh Hóa, anh luôn mong muốn được sự quan tâm giúp đỡ hơn nữa của các đồng chí lãnh đạo Hội các cấp. Thường xuyên tổ chức tập huấn, truyền đạt kỹ thuật sản xuất cho người dân miền núi bằng các mô hình. Tạo điều kiện để nông dân miền núi có thể tự lực phát triển kinh tế như các vùng, miền khác trong tỉnh. Một mong muốn đại diện cho bà con Mường Lát là được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về thăm và trực tiếp chứng kiến đời sống của người vùng cao Thanh Hóa để có những định hướng, hỗ trợ người dân cùng phát triển, để miền núi tiến kịp miền xuôi, cùng hòa chung vào sự phát triển của nông dân Việt Nam./.

Vân Anh