Máy thu hoạch mía cỉa anh Đệ thể hiện nhiều công dụng ngay ngày đầu vận hành
Năm 1989, gia đình anh Phi Anh Đệ cũng như nhiều gia đình khác rời Bắc Ninh đi lập nghiệp tại xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Anh luôn coi đây là quê hương thứ hai của mình, một vùng kinh tế mới còn gặp rất nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Cái đói, cái nghèo, bệnh tật vây quanh, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà cửa không có phải sống tạm bợ, nhiều lúc anh tưởng chừng còn khổ hơn nhiều khi còn ở ngoài Bắc. Lớn lên, cũng như bao người anh lập gia đình và ra ở riêng, kinh tế gia đình lúc bấy giờ rất khó khăn, nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu dựa vào mấy sào đất trồng mía là chính.
Với hai bàn tay trắng, vợ chồng anh luôn trăn trở mơ ước làm sao cho đủ ăn, đủ mặc thoát khỏi cảnh đói nghèo.Nhiều đêm nằm suy nghĩ trong lòng anh luôn ấp ủ phảinỗ lực lao động để vươn lên, nhưng vươn lên bằng cách nào và bằng nghề gìđể tạo thu nhập cho gia đình. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu, phải làm bằng cách nào.
Khoảng thời gian những năm 2002, thấy có nông dân trồng mía tại địa phương mỗi vụ thu hoạch rất vất vả, đa số đều thuê nhân công lao động phổ thông nên chi phí cao mà giá thành sản phẩm thấp. Anh mới nảy sinh ý tưởng cải tạo, cải tiến máy trồng và thu hoạch mía để giúp đỡ cho bà con giảm lao động thủ công, tăng năng suất. Nghĩ là làm anh quyết định đi vào Tp. Hồ Chí Minh để tìm hiểu và học nghề cơ khí, sau đó anh còn qua cả Thái Lam để tìm, nghiên cứu sâu hơn về một số máy móc, thiết bị đã được sản xuất trên thị trường. Qua đi thực tế, anh nhận thấy bản thân mình có thể chế tạo được những loại máy này tại địa phương cho nên anh về bàn với vợ vay ngân hàng 15 triệu đồng để làm thử nghiệm một chiếc máy trồng mía. Ban đầu, lúc thử nghiệm cũng còn nhiều trục trặc về kỹ thuật nhưng với sự tìm tòi, học hỏi qua sách báo, bạn bè, người thân cuối cùng chiếc máy cũng được bà con nông dân tại địa phương đón nhận.Anh nhận thấy, nếu đầu tư tốt sản phẩm có chất lượng, có uy tín trên thị trường thì đây có thể là nghề vừa làm giàu cho gia đình vừa giúp đỡ cho bà con nông dân đỡ vất vả vì vậy gia đình anh đã quyết định đầu tư chuyển sang làm nghề này. Đồng thời, với phương châm lấy ngắn nuôi dài gia đình anh còn luân canh trồng nhiều loại cây trồng như: lúa, đậu xanh, bắp…và đầu tư chăn nuôi để tăng thêm thu nhập.
Lúc đầu làm nghề cơ khí, gia đình anh chỉ có 02 nhân khẩu và cũng là lao động chính nên gặp muôn vàn khó khăn thách thức, hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm; lúng túng trong khâu trình diễn và quảng bá sản phẩm nên sản phẩm làm ra không bán được.Vợ chồng anh cùng động viên nhau vừa làm vừa học hỏi,làm sao rút ngắn thời gian, giảm chi phí sản xuất mà chất lượng sản phẩm vẫn đảm bảo. Đồng thời vẫn phải bố trí thời gian đi nhiều nơi khảo sát thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Cuối cùng, sản phẩm máy móc nông nghiệpcũng được bà con nông dân trong và ngoài tỉnh tìm đến ký kết hợp đồng mua hàng.Năm 2018, công ty TNHH Cơ Khí Nông Nghiệp Thành Đạt do gia đình anh làm chủ chính thức được ra đời.
Từ khi bắt tay chế tạo chiếc máy đầu tiên đến nay, anh đã chế tạo ra nhiều loại máy canh tác phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu cho cây mía và cây sắn như: máy trồng mía hàng đôi, hàng đơn; máy băm xay lá mía sau thu hoạch; máy bón phân; máy thu hoạch mía; máy phạt gốc; máy cày lên luống.. và một số máy canh tác khác.
Công việc ngày càng thuận lợi, nhiều hộ bà con trong và ngoài tỉnh biết đến sản phẩm của anh với những tiêu chí: Tốt, bền, rẻ, dễ sử dụng. Vì thế mà thu nhập của anh Đệ cùng ngày càng khấm khá hơn, năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính trong khoảng 5 năm gần đây lợi nhuận trung bình đạt trên dưới 1 tỷ đồng/năm.
Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua yêu nước do các cấp Hội Nông dân và chính quyền địa phương phát động, trong đó nòng cốt là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững với vai trò trách nhiệm của một người hội viên, nông dân anh đã tích cực tuyên truyền, vận động đông đảo hội viên nông dân tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua; đồng thời thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội bản thân tích cực vận động bà con nông dân nhất là những thanh niên trẻ cùng tham gia học nghề cơ khí do gia đình anh đứng ra tổ chức.
Trực tiếp dạy và đào tạo nghề cơ khí cho hơn 100 thanh niên thất nghiệp, không có việc làm ổn định ở địa phương; truyền nghề cho hơn 70 hộ trong và ngoài xã có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm; giúp các hộ khó khăn, thiếu vốn phát triển sản xuất bằng cách cho vay không tính lãi hơn 20 hộ gia đình nghèo với tổng số tiền 69 triệu đồng/năm. Nhờ đó, nhiều hộ đã có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, điển hình có hộ gia đình trở nên khá giả; góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, đời sống người dân ngày một nâng cao ổn định.
Thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, thực hiện tốt hương ước, quy ước của địa phương, tham gia đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất, cây cối, hoa màu để giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, hỗ trợ những hộ nghèo ở thôn, tích cực tham gia và ủng hộ các phong trào ở địa phương phát động. Bản thân anh Đệ và gia đình trong những năm qua được nhiều cấp, nhiều ngành vinh danh, nhận nhiều bằng khen, giấy khen, được các cấp Hội Nông dân vinh danh « Nhà khoa học của nông dân »(2019), « nông dân sản xuất kinh doanh » giỏi, cấp tỉnh, cấp Trung ương(2020)
Trường Giang