00:00 Số lượt truy cập: 2990318

Hội viên nông dân làm giàu từ mô hình nuôi trồng thủy sản 

Được đăng : 04/10/2020

t1baitm 

Ông là Phan Khắc Nhật Tiến ở Khóm 8 phường 5 – thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Vốn xuất thân tầng lớp nông dân, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, với sự động viên, giáo dục của gia đình, bản thân nhận thức được rằng chỉ có con đường học vấn mới có thể giúp mình đổi đời. Từ đó, bản thân quyết tâm học hành cho đến nơi đến chốn, có được cái nghề cho bản thân sau này. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (tốt nghiệp 12/12), ông quyết định thi vào đại học chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản, trong quá trình học đại học, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân đã phải vừa học vừa làm để kiếm tiền đóng học phí và dụng cụ học tập. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã quyết định về Bạc Liêu lập nghiệp, năm 2000 ông vào làm công cho Công ty Duyên Hải Bạc Liêu, làm công được 05 năm, với số tiền công tích cóp được, ông quyết định thuê đất để nuôi tôm sú tại khóm 8 phường 5 – thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, với diện tích canh tác: 5.000 m2. Với các điều kiện thuận lợi, việc nuôi tôm của ông đã đem lại hiệu quả, kinh tế ngày càng khấm khá, ông quyết định mở rộng sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Đến nay, tổng diện tích canh tác hơn 30 hécta, lợi nhuận thu được hàng năm hơn 10 tỷ đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định, bản thân có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, tham gia đóng góp phúc lợi xã hội và đóng góp quỹ an sinh xã hội do địa phương vận động.

Vận dụng kiến thức khoa học – kỹ thuật mà bản thân có được trong quá trình học tập, cộng với kinh nghiệm thực tiễn trong nuôi tôm, bên cạnh đó, với bản chất của một người nông dân cần cù, chịu thương chịu khó, sự nghiệp của bản thân và gia đình ngày càng phát triển. Hiện nay, ông đã sở hữu hơn 30 hécta diện tích đất nuôi trồng thủy sản, với tổng giá trị tài sản gần 100 tỷ đồng.

Về mô hình sản xuất – kinh doanh:

Trước năm 2013, bản thân đầu tư nuôi tôm sú theo mô hình nuôi tuần hoàn khép kín trong hồ, xây dựng hệ thống tuần hoàn nước từ khâu lấy nước vào hồ nuôi, qua hệ thống xử lý nước thải làm sạch nguồn nước rồi sử dụng lại chính nguồn nước này. Phương pháp này giúp hạn chế rủi ro do nguồn nước bị ô nhiễm, giúp tôm sạch bệnh, năng suất ổn định.

Ngoài việc xây dựng hệ thống trên, bản thân còn đầu tư xây dựng hệ thống điện phục vụ cho nuôi tôm với chi phí đầu tư ban đầu gần 01 tỷ đồng để có nguồn điện ổn định. Ngoài ra, do diện tích canh tác khá lớn (30 héc ta), bản thân không thể quản lý hết, nên đã thuê 30 nhân công có chuyên môn, kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản để giúp ông quản lý. Ở thời điểm này, hàng năm trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận thu được hàng năm gần 7 tỷ đồng.

Từ năm 2014 đến nay, do tình hình thị trường tôm thiếu ổn định, có tính rủi ro cao, mặt khác, thời tiết biến đổi thất thường, chi phí đầu tư cho con tôm tăng lên, thời gian từ lúc thả giống đến khi thu hoạch kéo dài hơn, lợi nhuận có phần giảm sút; ông có ý định tìm thêm mô hình mới để phát triển. Với ý tưởng đó, ông đã nghiên cứu và quyết định đầu tư thêm mô hình nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân. Hiện nay, ông đã đầu tư nuôi nhiều loại cá thương phẩm như: Cá Hô, cá Chép Giòn, cá Trạch Lấu, cá Lăng, Lươn,…, thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, gồm thị trường ở các thành phố lớn ở Việt Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ…

Doanh thu, lợi nhuận: Nhờ áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đánh giá thị trường tiêu thụ, nên hiện nay bình quân hàng năm tổng sản lượng thu hoạch hơn 30 tấn sản phẩm tôm cá các loại, doanh thu hàng năm khoảng 100 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được gần 15 tỷ đồng.

Nhờ đó, đời sống của gia đình ngày một khấm khá, có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội cũng như đóng góp vào xây dựng quê hương, xây dựng đất nước, hưởng ứng vào chủ trương xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh của Đảng và Nhà nước đã đề ra.  Với mô hình sản xuất như trên, gia đình ông đã tạo việc làm ổn định cho 30 lao động thường xuyên với mức lương từ 5 triệu - 7 triệu đồng/người/tháng tùy theo công việc được phân công (riêng đối với 02 nhân công có trình độ chuyên môn, mỗi tháng trả lương 10 triệu đồng/người/tháng), từ đó cũng góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, gia đình cũng thường xuyên quan tâm giúp đỡ những hộ nghèo, cận nghèo ở phường, bằng nhiều hình thức như: tạo việc làm, hỗ trợ vốn, phương tiện phục vụ sản xuất, chia sẽ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, hàng năm đã giúp đỡ cho gần 70 hộ.  Với trách nhiệm là một công dân sống trên địa bàn, điều kiện kinh tế ổn định cũng là nhờ chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cả về cơ chế, chính sách, cũng như giữ gìn an ninh trật tự, giúp ông an tâm sản xuất. Khi có được thu nhập khấm khá, bản thân ông thiết nghĩ việc đóng góp cho địa phương là điều phải làm và cần làm để góp phần cùng địa phương trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Chính từ quan niệm đó, ông luôn tự nguyện và tích cực tham gia các cuộc vận động đóng góp do địa phương phát động như gây quỹ “an sinh xã hội”, quỹ “vì người nghèo”; quỹ “Hỗ trợ nông dân” sửa chữa, nâng cấp lộ hẻm, lộ nông thôn… bình quân hàng năm, ông đã đóng góp vào các loại quỹ ở địa phương với số tiền 60 triệu đồng, ngoài ra còn ủng hộ vật tư xây dựng để sửa chữa, dặm vá lộ nông thôn. Ông đã được chính quyền các cấp tặng nhiều giấy khen, bằng khen.

Văn Khôi