Từ nhỏ sinh ra đã thấy gỗ, thấy bào, thấy cưa, sống chung với bụi gỗ, mùn cưa, đến khi trưởng thành, cuộc sống xung quanh anh vẫn lại là cưa, là gỗ. Rời ghế nhà trường, anh Kiều Văn Hậu quyết tâm theo nghề gia truyền của cha ông bao đời truyền lại. Xưa kia là làng, nay là thị trấn xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc từ bao đời nay nổi tiếng với nghề mộc với sản phẩm đặc trưng: Lâm đình, chùa, kiệu, án gian, long đình, thiều châu trưng nhĩ, đại tự, cuốn thư, câu đối, sập, tủ chè, bàn ghế mỹ nghệ, gia công nội thất.... Thị trấn Thanh Lãng có gần 2.000 hộ làm nghề với hơn 6.000 lao động. Giá trị sản phẩm kinh doanh từ nghề mộc truyền thống chiếm gần 60% tổng sản phẩm ở địa phương.
Thợ mộc Thanh Lãng
Các cụ có câu “Làm thầy thì nuôi vợ, làm thợ thì nuôi miệng”, ngẫm rồi anh quyết tâm học hỏi, cố gắng sao cho vững tay nghề để đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Thời kỳ đó, người thợ làng Thanh Lãng ăn cơm khắp thiên hạ, anh Hậu cũng trong những đoàn người đó. Nơi nào có nhu cầu xây dựng đình chùa, nhà cửa, đồ gia dụng bằng gỗ... là đều có mặt người thợ mộc Thanh Lãng.
Khi có được tay nghề vững cũng là lúc cha già mẹ yếu, anh không thể đi làm xa nhiều như trước đây được nữa. Thời điểm đó, xã hội phát triển, nhu cầu hàng hóa thương mại tăng cao, không còn cái cảnh thợ mộc “ăn khoán công nhật” tại gia chủ như trước kia nữa, làng Thanh Lãng trở nên tấp nập nào xưởng, nào gỗ, nào máy... gỗ về hàng đi rầm rập như một đại công trường, người làm thuê khắp nơi đổ về đây kiếm việc làm.
Nhận thấy nguồn gỗ rừng tự nhiên trong nước đang ngày càng cạn kiệt, nhu cầu tiêu thụ gỗ của thị trường nhất là các làng nghề khá lớn, ngoài việc phục vụ cho nhu cầu chế biến của các xưởng mộc nơi đây còn có thể cung cấp cho nhiều nơi khác trong và ngoài tỉnh, anh quyết định đầu tư hết vốn nhập gỗ về làm đầu mối cung cấp. Sau nhiều năm vừa sản xuất, vừa kinh doanh, đến nay gia đình anh đã là một đại lý cung cấp gỗ lớn, xưởng sản xuất 400m2 đầu tư hơn 10 máy sản xuất, chế biến gỗ công nghệ cao để phát triển sản xuất. Bảo đảm công ăn việc làm thương xuyên cho hơn 10 lao động với múc thu nhập 7-9 triệu đồng/người/tháng, bản thân anh còn hỗ trợ, đào tạo nghề cho lớp trẻ hàng năm có từ 5-7 lao động ra nghề tự kiếm việc làm.
Kinh tế gia đình ổn định, thu nhập tăng cao theo từng năm, cụ thể: Năm 2015: doanh thu 2,6 tỷ đồng, lợi nhuận 400 triệu đồng; năm 2016: doanh thu 3,08 tỷ đồng, lợi nhuận 470 triệu đồng; năm 2017: doanh thu 3,3 tỷ đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng; năm 2018: doanh thu 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận 550 triệu đồng; năm 2019: doanh thu 4 tỷ đồng, lợi nhuận 620 triệu đồng/năm.
Anh Hậu thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người cùng sản xuất kinh doanh đồ gỗ về giá cả vật tư, về giá cả, thị trường tiêu thụ sản phẩm, kỹ thuật, thị hiếu của người tiêu dùng, về mẫu mã sản phẩm, có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường làng nghề, gia đình anh đã tiên phong trong sử dụng lò hút bụi sơn nhằm giảm bụi gỗ, bụi sơn; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên Hội Nông dân và bà con thôn xóm, được nhiều người trong thôn tin yêu, quý trọng.
Ngoài việc sản xuất kinh doanh, với trách nhiệm là một hội viên Hội Nông dân Việt Nam bản thân anh luôn gương mẫu, vận động gia đình tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động như: ủng hộ Trường Sa, ủng hộ xây dựng di tích của Hội Nông dân Việt Nam, vận động ủng hộ phòng, chống dịch covid-19; ủng hộ các cuộc vận động (quỹ ngày vì người nghèo, ủng hộ thiên tai, bão lụt, quỹ đến ơn đáp nghĩa); tích cực tham gia các phong trào tại địa phương như xây dựng nông thôn mới, phong trào cải tạo công rãnh thoát nước...
Gia đình anh luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tích cực tham gia các họat động phong trào địa phương, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình khó khăn trong tổ dân phố.. Nhiều năm liền gia đình được công nhận là Gia đình văn hóa.
Nhiều năm liền dạt danh hiệu “nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, năm 2020 anh hậu vinh dự được tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ Vdo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhân dịp kỷ niêm 90 năm ngày thập Hội(14/10/1930 -14/10/2020)
Trường Giang