Anh Đoàn giới thiệu trang trại Dế than của mình cho khách tham quan
Thời gian đầu anh thấy nhiều người thân, bạn bè đầu tư nuôi bọ cạp. Thấy đây là loài côn trùng dễ nuôi, thị trường đang có nhu cầu cao thu mua để làm thương phẩm, làm dược liệu, chế biến các món ăn độc đáo, anh cũng chạy vạy vay mượn người thân, anh em họ hàng, bà con lối xóm được chút ít tiền đầu tư nuôi bọ cạp nhưng thất bại.
Không nản chí, qua tìm hiểu trên các trang mạng, tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi cũng như nhu cầu của thị trường, anh chuyển sang với con dế. Năm 2010, lại nhờ bạn bè và người thân hỗ trợ vốn để đầu tư nuôi dế than. Khi có 40 triệu đồng trong tay, anh mua 8.000 con dế than giống từ một trang trại nuôi dế ở Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh đem về Bình Dương nuôi. Bỏ nhiều công sức chăm sóc và kỳ vọng rất nhiều vào lứa dế than đầu tiên, nhưng do còn chưa có nhiều kinh nghiệm, nên lứa dế này không đạt hiệu quả như anh mong đợi. Mặc dù vậy, anh vẫn không nản chí, tiếp tục tìm hiểu, học tập kiến thức từ các trang mạng, từ sách, báo cũng như tự đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số trang trại dế ở trong và ngoài tỉnh.
Quyết tâm “ăn cùng dế, ngủ cùng dế,” anh bàn với người thân vay thêm tiền ngân hàng, đầu tư mở rộng trang trại nuôi dế với diện tích 1ha, với khoảng 1.500 thùng nuôi dế thịt và dế đẻ trứng. Trong suốt hơn 10 năm qua(2010-2020), vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa làm vừa tự học hỏi, nghiên cứu quá trình sinh trưởng vòng đời của những con dế, giờ đây anh có thể tự hào rằng anh hiểu con dế cả bản thân mình. Mỗi tháng trại dế của anh cung ứng từ 1,5 đến 1,8 tấn dế và trở thành đầu mối cung cấp dế uy tín cho nhiều cửa hàng cũng như thương lái trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, trại dế than của anh mang về nguồn thu khoảng từ 500 - 600 triệu đồng/năm.
Anh Đoàn cho biết “Nuôi dế không khó, chỉ cần môi trường râm mát, sạch sẽ, dế sinh sôi và sinh trưởng rất nhanh. Hàng ngày chỉ cần dọn chuồng trại sạch sẽ, dế ít khi bị bệnh. Tuy nhiên, người nuôi dế phải hết sức cẩn thận khi cho dế ăn uống để phòng dế bị bệnh đường ruột. Nếu con dế nào bị mắc bệnh thì không có thuốc gì để chữa trị, bởi vậy phát hiện con dế nào bị bệnh thì phải loại bỏ, tránh nguồn bệnh lan rộng”.
Có nghề trong tay, anh còn tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân, TT Khuyến nông tổ chức cho bà con Hội viên để chuyển giao khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm về nuôi dế sinh sản; tạo điều kiện công ăn việc làm cho 07 nhân công lao động có việc làm ổn định. Lương của mỗi công nhân từ 5 – 6 triệu đồng/ người/tháng. Hàng năm anh ủng hộ Quỹ hỗ trợ nông dân và đóng góp quỹ vì người nghèo của địa phương, giúp đỡ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn và tương trợ hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh.
Với nỗ lực vươn lên thoát nghèo, với những đóng góp cho phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Hội Nông dân các cấp phát động, anh Cao Văn Đoàn được các cấp, các ngành trao tặng nhiều danh hiệu: Giải thưởng Lương Định Của(2013); Nhà nông trẻ xuất sắc(2015); Điển hình tiên tiến(2020); và “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2020.
Anh Tuấn