Ông Nguyễn Tấn Phong đang cho cá ăn
Là người con lớn lên trên vùng đất phèn chua, nước mặn nơi đây, hàng năm chỉ làm được một vụ lúa thu nhập rất thấp, gia đình ông Nguyễn Tấn Phong sống bằng nghề trồng lúa, trồng mía bao nhiêu năm mà vẫn không đủ ăn. Cây lúa nơi đây thường xuyên bị dịch rầy nâu gây hại còn cây mía năng suất không cao, giá thu mua hằng năm luôn bất ổn, cộng với triều cường luôn đe dọa trong khi hệ thống đê bao thủy lợi chưa có, nông dân Bình Lợi gặp rất nhiều khó khăn, có nhiều hộ đã bán đất bỏ nghề hoặc chuyển đi nơi khác để sinh sống. Bản thân ông Phong cũng đã chuyển một phần diện tích canh tác sang nuôi cá thịt nhưng lợi nhuận sau trừ chi phí chẳng còn đáng là bao.
Vào thời điểm năm 2001 có 01 hộ dân ở nơi khác đến thuê đất nuôi cá cảnh là cá bảy màu và cá chép Nhật, ông thấy nuôi cá cảnh có hiệu quả kinh tế cao hơn cá thịt nên năm 2003 ông chuyển từ cây lúa, nuôi cá thịt sang nuôi cá cảnh. Thời gian đầu, ông nuôi với diện tích 2000m2, thấy có thu nhập cao hơn cây lúa nên năm 2005 ông tăng thêm diện tích 5.000m2. Được sự quam tâm hỗ trợ của Hội Nông dân, và Sở Nông nghiệp Thành phố tập huấn, dạy nghề, tổ chức đưa đi tham quan học tập các mô hình nuôi cá có hiệu quả ở nhiều nơi; được mời tham gia triển khai trình diễn nhiều mô hình nuôi cá cảnh hiệu quả nên năm 2009 ông mạnh dạn phát triển diện tích nuôi cá cảnh lên 30.000m2. Đến năm 2012 ông tiếp tục phát triển diện tích lên 50.000m2, được sự vận động của Hội Nông dân ông tham gia thành lập Tổ hợp tác cá cảnh Bình Lợi. Tích cực tham gia các Hội chợ triển lãm con giống trên toàn quốc giúp thương hiệu con cá cảnh Bình Lợi được nhiều địa phương, đơn vị trong và ngoài nước biết đến nên sản phẩm đầu ra dần ổn định nhờ có nhiều đơn đặt hàng. Năm 2015 ông mạnh dạn đầu tư tăng thêm diện tích tăng lên 60.000m2; năm 2016 tăng lên 70.00m2, đến nay tổng diện tích cá cảnh của ông sản xuất là 90.000m2/490.000m2 cá cảnh của toàn xã Bình Lợi. Sản phẩm của ông chủ yếu là cá chép Koi, cá chép Nhật và cá chép Nam Dương, tổng doanh thu đạt từ 05 tỷ đến 06 tỷ đồng/năm.
Để phát triển nghề cá cảnh, cũng như chủ động về nguồn giống và giúp các thành viên trong tổ hợp tác, ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hồ, mái che và nhập cá giống bố, mẹ về ép đẻ cá giống để cung cấp ra thị trường, đặc biệt là hỗ trợ con giống cho hội viên, nông dân tại địa phương với giá rẻ để không phải phụ thuộc nguồn cung cấp giống từ nơi khác, đồng thời cágiống ép đẻ tại địa phương phù hợp với khí hậu, nguồn nước nên dễ nuôi, ít hao hụt. Với quy mô sản xuất đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 15 lao động với chi phí lương phải trả từ 04 đến 06 triệu đồng tháng/lao động. Hằng năm giúp đỡ từ 04 đến 06 hộ nghèo, thường xuyên chăm lo hộ chính sách, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất ở địa phương; tích cực ủng hộ, đóng góp các quỹ từ thiện của địa phươngvận động quyên góp, các chỉ tiêu Hội Nông dân giao, hỗ trợ cho 29 hộ nghèo về vốn muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang nuôi cá kiểng, trong đó giúp 05 hộ vượt khó thoát nghèo bền vững, và trên 30 hộ khó khăn khác với số tiền trên 2 tỷ đồng, luôn luôn phát huy tình thần đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình và nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Phát huy vai trò nông dân là nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, ông vận động gia đình nghiêm túc thực hiện các tiêu chí về thu nhập, tiêu chí hộ nghèo, tiêu chí tổ chức sản xuất và tiêu chí bảo vệ môi trường đã tham gia cùng Hội Nông dân xã tổ chức 14 lớp tập huấn, hướng dẫn kỷ thuật nuôi cá cảnh cho 280 lượt hội viên nông dân, để có thể phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã; vận động thành lập được 01 tổ hợp tác, 01 tổ hội nghề nghiệp 19 thành viên và vận động thành lập 01 hợp tác xã (trong đó có 07 thành viên, đang hoàn tất thủ tục thành lập); tham gia xây dựng 03 mô hình bảo vệ môi trường: (1) kết hợp nuôi cá Hô chung với cá chép Koi để cá Hô ăn các chất thừa, chất thải từ cá chép Koi đảm bảo không có tồn dư thức ăn đảm bảo môi trường nước sạch và còn tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, (2) cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã có nơi đựng chứa bao bì, thu gom trên 6.000 vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật mang đi tiêu hủy đúng quy định, (3) trồng trên 200 cây xanh tại đường Tam Đa với thông điệp bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị; hội viên, nông dân tham gia nhiều ngày công lao động, hiến đất, nhựa hóa nhiều tuyến đường, tuyến hẻm giao thông nông thôn. Hỗ trợ 05 hội viên nông dân dẫn nước sạch vào sinh hoạt gồm đồng hồ nước, đường ống và 01 máy lọc nước uống, bên cạnh đó thực hiện “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” ủng hộ trải đá dăm trên kênh nội đồng có chiều dài 800 mét, trải đá xanh đường vào Trường THCS Gò Xoài dài 300m, tham gia nâng cấp Kênh 02 ngôi dài 02km; hằng tuần cùng hội viên nông dân ấp 4 nạo vét các kênh nội đồng tại Khu A khơi thông dòng chảy.
Để phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả, tạo điều kiện giúp nông dân an tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, theo anh Phong, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan sớm thống nhất hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất đai phù hợp với vùng, địa phương tạo điều kiện cho nông dân được xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp như: nhà chứa vật tư nông nghiệp, nhà màn, nhà lưới, nhà sơ chế nông sản,... để nông dân mạnh dạn đầu tư vốn, mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra nông sản đặc trưng của địa phương, đủ cung cấp thường xuyên ra thị trường, phù hợp với nông nghiệp đô thị.
Ánh Dương