00:00 Số lượt truy cập: 2984549

Hướng dẫn biện pháp phòng, trừ Bệnh Đạo ôn và khô vằn hại lúa 

Được đăng : 02/11/2021

benhdaoonhailua-1

Bệnh đạo ôn và bệnh khô vằn thường xuất hiện và gây hại trên cây lúa vụ mùa ở các tỉnh miền Bắc khi 2 bệnh đó xảy ra trên diện rộng gây hại đến năng xuất và sản lượng rất lớn.

 

I.                  Bệnh đạo ôn.

1.Nguyên nhân

Bệnh do nấm Pyricularin gây ra. Nấm tồn tại trên tàn dư cây trồng, lúa chét, cỏ dại. Tính gây bệnh thay đổi tùy theo giống và vùng địa lý. Khi gặp điều kiện thuận lợi về nhiệt độ, ẩm độ nấm sẽ xâm nhập vào cây, để gây bệnh. Nấm đạo ôn tồn tại ở dạng sợi nấm, bào tử trong rơm rạ cỏ lồng vực, đuôi phụng cỏ chỉ, lúa ma, lúa mọc lại gốc rạ-lúa chét. Nhiệt độ hình thành bào tử từ 10 – 300C, thích hợp từ 20 - 300C và độ ẩm trên 80%. Trong vụ Đông Xuân, trời âm u, có mưa phùn, sương mù liên tục trong nhiều ngày là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn lây lan, phát triển và gây hại nặng. Ruộng lúa bón thừa đạm thường bị bệnh nặng. Phân lân ảnh hưởng ít đến mức độ nhiễm bệnh của cây. Tuy nhiên nếu bón thêm phân lân trên vùng đất phèn sẽ hạn chế bệnh đạo ôn lá lúa. Ruộng bón thiếu kali sẽ làm bệnh tăng nặng hơn. Ruộng bón cân đối đủ N-P-K hạn chế lúa bị bệnh.

Ruộng gieo cấy dày bệnh gây hại nặng hơn. Thông thường các giống lúa cao sản ngắn ngày mang gen có thể kháng hay chống chịu lại bệnh đạo ôn cao. Nếu trồng giống lúa kháng bệnh kết hợp với việc áp dụng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) hạn chế mắc bệnh đạo ôn, lúa sẽ cho năng suất cao.

2. Triệu trứng

Bệnh hại ở trên lá, cổ bông, đốt thân.

- Trên lá: Ban đầu vết bệnh là những chấm nhỏ, sau vết bệnh lớn có hình thoi, rộng. Khi bệnh nặng các vết bệnh nối liền nhau làm cho lá bị cháy, rễ bị thối và lúa không hồi phục.

- Trên thân: Vết bệnh màu nâu bao quanh đốt thân làm đốt khô, teo. Các đốt thân gần gốc bị mục làm cho gốc lúa bị gãy đổ.

- Cổ bông: Vết bệnh ban đầu là chấm nhỏ màu đen lớn dần làm cổ bông héo, bông lúa trắng hoặc lép.

- Trên hạt: Vết bệnh có màu nâu xám. Hạt giống bị bệnh là nguồn truyền bệnh sang vụ khác.

3. Biện pháp phòng trừ

 Dọn sạch tàn dư rơm rạ và cỏ dại mang mầm bệnh trên đồng ruộng; gieo cấy các giống kháng hoặc chống chịu với bệnh đạo ôn trong vùng thường xảy ra bệnh và mức gây hại cao; xử lý giống ở nhiệt độ thích hợp.

Mật độ gieo, cấy vừa phải. Bón phân với tỉ lệ cân đối giữa phân chuồng và N:P:K, bón tập trung nặng đầu, nhẹ cuối; sao cho khi lúa trỗ bông có bộ lá đòng màu xanh hơi vàng là đạt yêu cầu.

 Khi bị bệnh đạo ôn không để ruộng khô hạn, không bón phân đạm, không phun các loại phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng. Nếu ruộng bị đạo ôn lá  nặng sau khi phun thì 5 - 7 ngày còn vết trên lá non dạng cấp tính phun thuốc lại lần 2.

Giữ mực nước đầy đủ thường xuyên trên mặt ruộng tùy theo nhu cầu nước theo từng giai đọan của cây lúa.

- Cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện.

Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi cho đạo ôn cổ bông phát triển gây hại cần phun phòng cho các ruộng gieo, cấy giống nhiễm trước khi lúa trỗ 5 - 7 ngày, nhất là khi trỗ gặp điều kiện nhiệt độ dưới 28°C, trời râm mát, có mưa nhỏ hoặc mưa rào.

Dùng các thuốc đặc hiệu để phun trừ bệnh như: Beam 75WP, Filia 525SC, Kabim 30WP, Trizole…...Kết hợp phun thuốc phòng khô vằn, thối thân thối bẹ giai đoạn đồng trổ; với liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn trên chai thuốc. Chú ý tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi phun: Đúng thuốc; đúng lúc; đúng liều lượng; đúng cách.

I.                Bệnh khô vằn

1.   Nguyên nhân

Bệnh khô vằn do nấm Rhizoctonia solani gây nên. Bệnh phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao và độ ẩm cao. Nhiệt độ thích hợp cho bệnh phát triển khoảng 24-32 0C và ẩm độ bão hoà hoặc lượng mưa cao bệnh phát sinh phát triển mạnh, tốc độ lây lan nhanh. Bệnh thường phát sinh trước ở các bẹ và lá già sát mặt nước hoặc ở dưới gốc. Tốc độ lây lan lên các lá phía trên phụ thuộc rất nhiều và thời tiết mưa nhiều, lượng nước trên đồng ruộng quá cao, đặc biệt ở các ruộng nhiều nước, cấy quá dày, cấy nhiều dảnh. Bệnh khô vằn ở thời kỳ đầu từ cây mạ đến đẻ nhánh có mức độ bệnh ít. Giai đoạn làm đòng - trỗ đến chín sáp là thời kỳ nhiễm bệnh nặng. Ở miền Bắc bệnh khô vằn gây hại trong vụ mùa lớn hơn ở vụ đông xuân. Bón phân đạm nhiều, bón lai rai, bón thúc đòng muộn bệnh sẽ phát sinh phát triển mạnh hơn.

2.   Triệu chứng bệnh

Vết bệnh ở bẹ lá lúc đầu là vết đốm hình bầu dục màu lục tối hoặc xám nhạt, sau lan rộng ra thành dạng vết vằn da hổ, dạng đám mây. Khi bệnh nặng, cả bẹ và phần lá phía trên bị chết lụi.

Vết bệnh ở lá tương tự như ở bẹ lá, thường vết bệnh lan rộng ra rất nhanh chiếm hết phiến lá tạo ra từng mảng vân mây hoặc dạng vết vằn da hổ. Các lá già ở dưới hoặc lá sát mặt nước là nơi bệnh phát sinh trước sau đó lan lên các lá ở trên.

Vết bệnh ở cổ bông kéo dài bao quanh cổ bông, hai đầu vết bệnh có màu xám loang ra, phần giữa vết bệnh màu lục sẫm co tóp lại.

Trên vết bệnh ở các vị trí gây hại đều xuất hiện hạch nấm màu nâu, hình tròn dẹt hoặc hình bầu dục nằm rải rác hoặc thành từng đám nhỏ trên vết bệnh. Hạch nấm rất dễ rơi ra khỏi vết bệnh và nổi trên mặt nước ruộng.

   3. Biện pháp phòng trừ

Gieo cấy đúng thời vụ, mật độ gieo cấy hợp lý, bón phân đầy đủ, bón theo nhu cầu của cây và bón cân đối giữa các loại phân để tăng cường khả năng chống chịu của cây.

Sử dụng một trong các loại thuốc để hạn chế sự phát triển của bệnh như Validacin 3SL, Vida 3SC, Daconil 75WP…Lưu ý phải phun theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

Lê Khôi