00:00 Số lượt truy cập: 2981354

Hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây xoài theo tiêu chuẩn VietGAP 

Được đăng : 25/07/2024

 

       

          Xoài là loại quả chứa nhiều dinh dưỡng. Quả xoài chín có màu vàng đẹp mắt, mùi thơm hấp dẫn và vị ngọt lôi cuốn. Xoài có thể ăn tươi, làm nước uống, làm bánh kẹo, làm khô để tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu. Với giá trị cao, đây là loài cây tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp. Sau đây Ban biên tập xin gửi tới bà con nông dân kỹ thuật canh tác cây xoài theo tiêu chuẩn VietGAP để cho ra năng suất cao, chất lượng tốt nhất, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế.

Tình hình chung về thị trường tiêu thụ quả xoài

        Giá trị xuất khẩu xoài Việt Nam tăng mạnh qua các năm, tổng kim ngạch xuất khẩu xoài và các sản phẩm chế biến từ xoài đạt hằng trăm triệu USD. Thị trường xuất khẩu xoài lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu.

        Bên cạnh đó, xoài đã được xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, Úc. Quả xoài Việt Nam có khả năng cạnh tranh vào các nước này do có chất lượng ngon đặc biệt. Tuy nhiên, để được chấp nhận, các doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm thì cần chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là tại các khu vực có cộng đồng người Á Châu và Mỹ La Tinh một cách mạnh mẽ.

212345

Ảnh minh họa

 

Phân bố vùng trồng chính cây xoài

        Xoài là một trong những cây ăn quả chủ lực của Việt Nam, với tổng diện tích khoảng 104 nghìn ha. Cây xoài được trồng khắp từ Nam tới Bắc. Tại phía Bắc, Trung du miền núi phía Bắc là vùng xoài lớn nhất, chủ yếu tại tỉnh Sơn La; Tại phía Nam, vùng Duyên hải Nam Trung bộ với Khánh Hòa và Bình Thuận có diện tích xoài lớn nhất, Đông Nam bộ với Đồng Nai và Tây Ninh, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) trồng xoài tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang và Hậu Giang (Cục Trồng trọt, 2020).

        Hiện nay, các giống xoài được trồng phổ biến như xoài Cát Chu, xoài Cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan và một số giống xoài địa phương và nhập nội khác, nhà vườn có xu hướng chuyển đổi giống xoài phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Nhiều nơi đã hình thành những vùng trồng tập trung, như xoài Cát Chu (Đồng Tháp), xoài Cát Hòa Lộc (Tiền Giang), xoài Xiêm Núm (Vĩnh Long), xoài Úc (Khánh Hòa), xoài Đài Loan (An Giang).

Kỹ thuật canh tác cây xoài theo tiêu chuẩn VietGAP 

1.      Lựa chọn khu vực sản xuất:

   * Yêu cầu sinh thái:

        – Khí hậu: Xoài là cây ăn quả nhiệt đới, nhiệt độ tối ưu từ 24-27 độC. Thích hợp trồng ở những vùng có hai mùa mưa và khô rõ rệt, trong đó mùa khô ít nhất phải kéo dài 4 tháng, mùa mưa không kéo dài quá 7 tháng.

        – Nước và độ ẩm: Lượng mưa phù hợp xoài là 1.000 – 1.200 mm/năm, ẩm độ không khí tương đối từ 55 – 70%. Hệ thống tưới tiêu phải đảm bảo điều tiết lượng nước cho nhu cầu  sinh trưởng và phát triển của cây xoài tương đương với lượng nước 11.000 m3/ha/năm.

        – Chọn vùng trồng tránh ảnh hưởng trực tiếp của bão, lốc xoáy, gió mạnh, đặc biệt trong thời điểm cây đang ra hoa, mang quả gió mạnh làm hoa rụng nhiều.

        – Nơi chịu ảnh hưởng của gió to theo các đợt gió mùa hàng năm thì phải bố trí hệ thống cây chắn gió hợp lý trước khi trồng.

   * Vùng trồng:

        – Chọn khu vực sản xuất phù hợp, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm khói, bụi. Khu vực sản xuất không bị ô nhiễm bởi chất thải, hóa chất độc hại từ hoạt động giao thông, công nghiệp, làng nghề, khu dân cư, bệnh viện, khu chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nghĩa trang, bãi rác và các hoạt động khác.

        – Khu vực sản xuất VietGAP của cơ sở có nhiều địa điểm sản xuất xoài phải có tên hay mã số cho từng địa điểm.

        – Khu vực sản xuất VietGAP cần phân biệt hoặc có biện pháp cách ly và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm từ các khu sản xuất không áp dụng VietGAP lân cận (nếu có). Vùng đất sản xuất và vùng phụ cận phải được xem xét về các mặt: Sự xâm nhập của động vật hoang dã và nuôi nhốt tới vùng trồng và nguồn nước; Khu chăn nuôi tập trung; Hệ thống chất thải có gần khu vực sản xuất; Bãi rác và nơi chôn lấp rác thải; Các hoạt động công nghiệp; Nhà máy xử lý rác thải.

        – Phải đánh giá nguy cơ gây ô nhiễm về hóa học và sinh học từ các hoạt động trước đó và từ các khu vực xung quanh. Trường hợp xác định có mối nguy phải có biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát hiệu quả hoặc không tiến hành sản xuất.

        Vùng sản xuất có các mối nguy cơ ô nhiễm cao không thể khắc phục thì không sản xuất theo VietGAP.

* Đất trồng:

– Lấy mẫu đất theo phương pháp lấy mẫu hiện hành (5 ha/mẫu) và được thực hiện bởi người lấy mẫu đã qua đào tạo, cấp chứng chỉ đào tạo người lấy mẫu.

– Nếu kết quả phân tích mẫu đất của vùng sản xuất cho thấy vượt mức ô nhiễm cho  phép cần tìm hiểu nguyên nhân và xác định biện pháp xử lý thích hợp nhằm giảm thiểu rủi ro.

2.      Thiết kế vườn trồng:

    * Thiết kế lô, liếp trồng

        – Vùng đất thấp (ĐBSCL): Phải đào mương lên liếp, liếp có chiều rộng trung bình 6 – 8 m, mương rộng 2 m và sâu 1 – 1,5 m. Khi lên liếp, nên xới nền đất để giúp cho rễ cây xoài sau này có thể phát triển xuống sâu hơn.

        – Vùng đất cao: Phải chọn nơi có nguồn nước suối hoặc nước ngầm để tưới cho cây xoài vào mùa nắng.

        – Vùng đất dốc (TDMNPB): Để tránh xói mòn, cần thiết kế trồng cây trên đường đồng mức. Đất dốc vừa phải (dưới 100), không cần làm thành băng theo đường đồng mức mà chỉ cần trồng những hàng cây xen với hàng xoài hoặc tạo các bờ bao thấp dọc theo các hàng cây. Nếu đất độ dốc lớn (10 – 300), tùy theo độ dốc, cần san, gạt thành các băng có độ rộng 3 – 6m theo đường đồng mức.

        – Đối với vườn diện tích nhỏ dưới 1 ha không cần phải thiết kế đường giao thông, song với diện tích lớn hơn thậm chí tới 5 – 10 ha cần phải phân thành từng lô nhỏ có diện tích từ 0,5 – 1 ha/lô và có đường giao thông rộng để có thể vận chuyển vật tư phân bón và sản phẩm thu hoạch bằng xe cơ giới, đặc biệt đối với đất dốc cần phải bố trí đường rộng, thuận tiện cho việc canh tác và thu hoạch.

   * Bờ bao và cống bọng: áp dụng cho các vùng đất thấp như ĐBSCL.

        – Tùy diện tích của vườn mà có một hay nhiều cống chính còn gọi là cống đầu mối đưa nước vào cho toàn khu vực. Cống nên đặt ở bờ bao, đối diện với nguồn nước chính để lấy nước vào hay thoát nước ra được nhanh. Cần chọn cống có đường kính lớn lấy đủ nước trong khoảng thời gian thủy triều cao. Nên đặt 2 cống cho nước vào và nước ra riêng để nước trong mương được lưu thông tốt.

        – Nắp cống có thể bố trí nắp treo đặt đầu miệng 1 nắp cống phía trong và 1 nắp cống phía ngoài bờ bao để khi thủy triều lên thì nắp cống tự mở cho nước vào vườn, khi thủy triều xuống thì nắp tự đóng giữ nước trong vườn.

   * Trồng cây chắn gió:

        – Nên trồng cây chắn gió để hạn chế việc rụng hoa, quả, gãy cành nhánh, đổ ngã trong mùa mưa bão. Hàng cây chắn gió được trồng dọc theo phía ngoài, thẳng góc với hướng gió.

   * Mật độ và khoảng cách trồng:

        – Trồng cây trong vườn có thể theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật, hình nanh sấu hoặc theo đường vành nón cho vườn ở vùng đồi núi.

        – Khoảng cách trồng trung bình 3 x 4 m; 5 x 5 m; 6 x 6 m; 7 x 8 m; 8 x 8 m tùy theo từng giống và từng vùng.

3.      Giống trồng:

        – Lựa chọn giống trồng:

        + Phải sử dụng giống trồng có nguồn gốc rõ ràng, được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc giống địa phương đã được canh tác lâu năm.

        + Vật liệu giống khai thác từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng được Sở Nông nghiệp và PTNT công nhận.

        + Cần lựa chọn giống có khả năng chống chịu sâu bệnh hại và sử dụng cây giống khỏe, sạch sâu bệnh.

        + Nên chọn giống có chất lượng tốt được thị trường ưa chuộng và đáp ứng nội tiêu và xuất khẩu.

        – Yêu cầu về nguồn gốc cây giống:

        + Cây giống phải được sản xuất từ cơ sở có uy tín, có nhãn mác rõ ràng

        + Trường hợp mua cây giống phải có hồ sơ ghi rõ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân và thời gian cung cấp, số lượng, chủng loại, phương pháp xử lý giống, gốc ghép.

        + Trường hợp tự sản xuất cây giống phải liệt kê rõ phương pháp nhân giống, xử lý cây giống.

4.      Kỹ thuật trồng:

   * Chuẩn bị đất trồng:

        – Vùng đất thấp: Phải trồng trên mô, lúc đầu mô có thể rộng 0,6 – 1m đắp thành hình tròn rộng, cao 50 – 70cm so với mặt nước trong vườn, sau đó bồi mô và làm liếp dần dần.

        – Vùng đất cao: Phải đào hố trồng có kích thước thông thường dài x rộng x sâu là 0,8 m x 0,8 m x 0,6m, vùng đồi đất xấu cần đào hố to hơn, kích thước tương ứng là: 1 m x 1 m x 0,8 m. Hố trồng cần chuẩn bị trước khi trồng 2-4 tuần.

        – Bón lót 10-20 kg phân chuồng hoai mục và 200g NPK 16-16-8 hoặc 0,5 kg phân Super lân (nếu vùng đất chua phèn thì sử dụng lân nung chảy).

   * Cách trồng:

        – Dùng dao cắt đáy bầu và đặt cây xuống giữa mô, nên giữ mặt bầu nhô cao 3-5cm so với mặt mô, sau đó cho toàn bộ hỗn hợp đất vào xung quanh bầu cây ém nhẹ, kéo bao nilon từ từ lên và lấp đất lại ngang mặt bầu.

        – Sau khi trồng cắm 2 cọc chéo hình chữ X vào cây và buộc dây để tránh lây gốc làm chết cây, đồng thời tủ rơm rác mục quanh mặt mô và tưới nước giữ ẩm cho cây.

   * Thời vụ trồng:

        Nên trồng vào đầu mùa mưa, nếu chủ động được nguồn nước tưới cũng có thể trồng trong mùa khô. Thời vụ trồng thay đổi tùy theo điều kiện của từng địa phương.

5.      Quản lý phân bón theo VietGAP:

        – Phải sử dụng phân bón và chất bổ sung được phép sản xuất, kinh doanh có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Nếu sử dụng phân gia súc, gia cầm làm phân bón thì phải ủ hoai mục và kiểm soát hàm lượng kim loại nặng theo quy định.

        – Cần sử dụng phân bón theo nhu cầu của cây xoài, kết quả phân tích các chất dinh dưỡng trong đất theo quy trình đã được khuyến cáo của cơ quan có chức năng.

        – Phân bón và chất bổ sung phải giữ nguyên trong bao bì, nếu đổi sang bao bì, vật chứa khác, phải ghi rõ và đầy đủ tên, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng như bao bì ban đầu.

        – Một số loại phân bón và chất bổ sung như: Amoni nitrat, nitrat kali, vôi sống phải được bảo quản tránh nguy cơ gây cháy, nổ, làm tăng nhiệt độ.

6.      Quản lý nước tưới theo VietGAP:

        – Nước tưới có hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật không vượt quá giới hạn tối đa cho phép đối với chất lượng nước mặt theo QCVN 08-MT: 2015/BTNMT

        – Phải lấy mẫu nước phân tích hàng năm (5 ha/mẫu)

         – Trường hợp muốn tái sử dụng nguồn nước thải để tưới phải xử lý đạt yêu cầu theo quy định về chất lượng nước mặt dùng cho mục đích tưới tiêu.

        – Trường hợp sử dụng hóa chất để xử lý nước phải ghi và lưu hồ sơ về thời gian, phương pháp, hóa chất và thời gian cách ly (nếu có).

        – Việc tưới nước cần dựa trên nhu cầu của cây xoài và độ ẩm của đất. Cần áp dụng phương pháp tưới hiệu quả, tiết kiệm như: nhỏ giọt, phun sương và thường xuyên kiểm tra hệ thống tưới nhằm hạn chế tối đa lượng nước thất thoát và rủi ro tác động xấu đến môi trường

        – Cần có biện pháp kiểm soát rò rỉ thuốc BVTV và phân bón để tránh gây ô nhiễm nguồn nước.

        – Các hỗn hợp hóa chất và thuốc BVTV đã pha, trộn nhưng sử dụng không hết phải được xử lý đảm bảo không làm ô nhiễm nguồn nước.

7.      Quy định xử lý ra hoa xoài theo VietGAP:

        – Chỉ áp dụng với vườn khỏe, ít nhiễm sâu bệnh;

        – Xử lý ra hoa liên tục làm cây suy yếu nên hiệu quả xử lý ra hoa không cao. Nên chăm sóc cho cây khỏe và chọn thời điểm xử lý phù hợp;

        – Chỉ kích thích ra hoa khi trời khô ráo, rút cạn nước trong mương (vùng ĐBSCL);

        – Nên xử lý ra hoa đúng thời điểm, xử lý quá sớm hoặc quá trễ khả năng thành công thấp;

        – Bón phân không hợp lý (bón hoặc phun phân bón lá nhiều đạm trong giai đoạn xử lý ra hoa) dẫn đến cây ra lá hoặc hình thành bông lá.

8.      Quản lý thu hoạch theo VietGAP:

        – Thu hoạch sản phẩm phải đảm bảo thời gian cách ly đối với thuốc BVTV

        – Phải có biện pháp kiểm soát, tránh sự xâm nhập của động vật vào khu vực sản xuất trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch và thời điểm thu hoạch, nhà sơ chế và bảo quản sản phẩm

        – Nơi bảo quản sản phẩm phải sạch sẽ, ít có nguy cơ gây ô nhiễm sản phẩm. Để tránh nguy cơ nhiễm chéo các sản phẩm vừa mới thu hoạch không được đặt gần các sản phẩm đã sơ chế và đóng gói. Sau khi đóng gói các sản phẩm cần được đánh dấu đầy đủ thông tin để đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi có sự cố xảy ra

        – Có hướng dẫn nhân công về vệ sinh cá nhân, về quy trình thu hoạch quả. Không sử dụng trẻ em và phụ nữ mang thai thu hoạch quả

        – Khi thu hoạch không để sản phẩm tiếp xúc với nước sông (mương) và để trên mặt đất (phải trải bạt) sẽ làm quả bị bầm dập, nhiễm VSV trong đất, không chất quả thành đóng lớn, tránh tổn thương quả.

9.      Quy định quản lý và xử lý chất thải trong sản xuất theo VietGAP

        – Không tái sử dụng bao bì, thùng chứa lẫn hóa chất với sản phẩm

        – Vỏ bao, thuốc BVTV sau khi sử dụng thu gom, xử lý theo quy định

        – Rác thải trong quá trình sản xuất, sơ chế, chất thải từ nhà vệ sinh phải thu gom và xử lý đúng quy định và có kế hoạch tái chế phù hợp