00:00 Số lượt truy cập: 2940885

Hướng dẫn Kỹ thuật nuôi dê sinh sản 

Được đăng : 22/06/2021

 

 

Dê là gia súc nhai lại có tầm vóc nhỏ, ăn được nhiều lá cỏ và loại cây, khả năng chịu đựng kham khổ và chống đỡ bệnh tật tốt. Dê mắn đẻ, thời gian mang thai ngắn, tốc độ tăng đàn nhanh. Chăn nuôi dê ít vốn, quay vòng nhanh, tận dụng được lao động nhàn rỗi trong gia đình.

I. Những giống dê hiện có ở Việt Nam

Chọn giống là kỹ thuật đầu tiên và quan trọng nhất mà bà con phải nắm được để đưa ra hướng chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế, môi trường đặc thù nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình chăn nuôi. Hiện nay ở nước ta có rất nhiều giống dê trong nước và nhập từ nước ngoài về để nuôi rất hiệu quả như:

1. Dê dịa phương (dê cỏ): Là dê lâu đời tại các địa phương, có màu lông pha tạp không thuần nhất, đa số màu nâu hoặc đen loang trắng, tai nhỏ, không cụp. Dê đực và dê cái đều có râu và sừng. Dê cỏ nuôi chủ yếu để lấy thịt với đặc điểm: Khả năng sinh trưởng chậm, tầm vóc nhỏ bé:

– Khối lượng trưởng thành:  Con cái: 25 – 32 kg/con; con đực: 35 – 37 kg/con.

– Tỷ lệ thịt xẻ đạt: 39 – 41%

Tuổi phối giống lần đầu là: 6 – 7 tháng tuổi đẻ 1,4 lứa/năm (2 năm 3 lứa) tỷ lệ đẻ 1 con /lứa là 70%; 2 con/lứa là  25%; 3 con/lứa là 5% (1,3 con/lứa )

2.Dê bách thảo: là giống dê sữa và giống dê kiêm dụng sữa – thịt, khả năng cho sữa của dê bách thảo từ 1,1-1,4 kg/con/ngày với chu kỳ cho sữa là 148-150 ngày. Dê bách thảo hiền lành, có thể kết hợp với chăn thả với các điều kiện khác nhau đều cho kết quả chăn nuôi tốt.

          duc-de

3. Dê Jumnapari:là giống dê sữa của Ấn Độ khả năng mỗi con cho sữa 1,4-1,6 lít /ngày với chu kỳ tiết sữa 180-185 ngày. Dê phàm ăn và chịu đựng tốt với thời tiết nóng bức.

4.Dê Anpin:giống dê nổi tiếng của Pháp, dê có màu lông chủ yếu là màu vàng, đôi khi đốm trắng. Khối lượng trưởng thành: con cái đạt 40 – 42 kg/con. Con đực: 50 – 55 kg/con…

II. Kỹ thuật nuôi

1. Cách chọn giống: Dê con phải có khối lượng sơ sinh 1,8 – 2 kg/con (con cái), và 2,3 kg/con (con đực). Lúc cai sữa đạt khối lượng 6,5- 7,5 kg/con trở lên thì chọn làm hậu bị. Các dê được chọn phải từ các lứa đẻ của dê mẹ đẻ từ lứa thứ 2 đến lứa thứ 8. Bố chúng là dê đực ở độ tuổi 2 đến 5 năm.

– Chọn dê cái: Là con của dê mẹ cho nhiều sữa, dê con mau lớn, ngoại hình thanh mảnh; đầu nhỏ nhẹ; mình dài, phần sau phát triển hơn phần trước; da mỏng, lông mịn; bầu vú to, mềm mại, đều.

– Chọn dê đực giống: Dê đực khoẻ mạnh, hăng hái, không khuyết tật; đầu to, ngắn, trán rộng; thân hình cân đối, không quá béo, hoặc gầy. Phần thân sau chắc chắn, bắp nở đều, bốn chân chắc khoẻ, 2 hòn cà đều và cân đối. Dê đực phải là dê của con mẹ cho nhiều sữa, dê con tăng trọng nhanh, khả năng chống bệnh tốt. Dê đực 6 tháng tuổi không đạt 15 kg trở lên không sử dụng làm giống.

2. Phối giống: Tuổi bắt đầu phối giống của dê cái là 7 – 8 tháng tuổi, dê đực 5 – 6 tháng tuổi. Khi bắt đầu phối giống dê cái phải đạt khối lượng 17 – 18 kg, dê đực phải đạt khối lượng 15 – 16 kg.

– Tỷ lệ đực/cái thích hợp là: 1/20 – 1/25.

– Những dê cái có ngoại hình, thể chất và khối lượng đạt yêu cầu thì phải theo dõi sát các kỳ động dục để phối giống kịp thời.

– Thời điểm phối giống thích hợp là 24 giờ kể từ sau khi dê cái có biểu hiện động dục.

– Không cho giao phối đồng huyết và không cho dê đực non phối với dê cái già.

– Dê cái trên 7 năm tuổi và dê đực trên 8 năm tuổi cần được loại thải.

3. Thức ăn cho dê:

–  Thức ăn thô xanh: Dê là loại ăn tạp, nguồn thức ăn chính là cỏ và các loại lá cây. Dê có thể ăn các loại lá cây mà trâu, bò không ăn được. Nhưng dê không thích ăn các loại cỏ và lá cây bị ướt, nên khi chăn thường phải thả dê vào khoảng 9 – 10 giờ sáng.

Ngoài chăn thả dê ở bãi chăn thì nên cho dê ăn thêm cỏ ở chuồng 2 – 3 kg/con. Có thể trồng một số cây họ đậu và một số giống cỏ làm thức ăn cho dê như: Cỏ hoà thảo: cỏ Voi, cỏ Lông Pa Ra; cây họ đậu: keo dậu, điền thanh; các cây khác: cây mía, cây mít, cây sung…

– Thức ăn hỗn hợp: Gồm các loại cám gạo, ngô, bột sắn… tuỳ theo lứa tuổi, khả năng sinh sản và tiết sữa cho dê mà ăn từ 0,2 – 0,8 kg/con/ ngày.

– Có thể bổ sung một lượng muối ăn và khoáng đa vi lượng dưới dạng đã chế biến để dê sử dụng tuỳ thích.

– Tuyệt đối tránh thức ăn chua, hôi, mốc, ướt. Hàng ngày cho dê ăn no, đủ các chất dinh dưỡng. Nếu thiếu hụt khẩu phần, dê sinh trưởng kém, thành thục chậm, giảm thể trọng, giảm sản lượng sữa, sinh sản kém, dê gầy dễ bị sinh bệnh.

– Dê thích ăn ở độ cao do vậy cần treo máng thức ăn lên cao cách mặt đất 0,4- 0,5 m, cây lá cho ăn thêm cũng nên treo cao để dê dễ ăn.

4. Chuồng trại:Làm chuồng trại nơi cao ráo, thoát nước, ở cuối hướng gió đảm bảo đông ấm hè mát.

– Phải làm chuồng sàn, cách mặt đất 50 – 80 cm.

– Vật liệu làm chuồng đơn giản, bằng gỗ, tre, nứa, lá…

– Sàn chuồng làm bằng thanh tre, gỗ, nứa thẳng, nhẵn, bản rộng 2,5 cm; cách nhau 1,5 cm đủ lọt phân và tránh cho dê không bị lọt chân.

– Chuồng nên có ngăn riêng cho dê đực giống, dê hậu bị, dê chửa gần đẻ, dê mẹ và dê con dưới 3 tuần tuổi và các loại dê khác.

– Có sân chơi cao ráo, không đọng nước, định kỳ lấy phân ra khỏi chuồng và vệ sinh tẩy uế chuồng trại bằng vôi bột 1 tháng 1 lần.

– Diện tích chuồng nuôi: Phải bảo đảm:

+ Dê trên 6 tháng tuổi: 0,7 – 1 m2 /con

+ Dê dưới 6 tháng tuổi: 0,3 – 0,5 m2 /con.

5. chăm sóc dê sinh sản:

– Dê chửa: 150 ngày (dao động trong vòng 146 – 157 ngày) trong thời gian chửa cần chăn thả dê gần chuồng, nơi bằng phẳng, tránh đuổi đánh đập. Tách xa dê đực giống để tránh nhảy dê chữa, dễ gây sẩy thai.

– Trước khi đẻ 5 – 10 ngày nhốt riêng dê chửa. Dê sắp đẻ, bầu vú căng sữa, dịch nhờn chảy ở âm hộ, sụp mông. Cho cỏ khô, sạch vào lót ổ và chuẩn bị đỡ đẻ cho dê.

– Sau khi dê đẻ cần lấy khăn mềm, sạch, lau khô lớp màng nhầy ở mồm, mủi để tránh ngạt thở cho dê con.

– Thắt cuống rốn bằng chỉ cách bụng 1cm rồi cắt ngoài chỗ thắt và sát trùng bằng cồn Iod. (I ốt).

– Sau khi đẻ 30 phút cho dê bú sữa đầu ngay nhằm tăng cường sức khoẻ và sức đề kháng của dê con.

– Không cho dê mẹ ăn nhau thai, cho dê mẹ uống nước muối 0,5% hoặc nước đường 10%.

– Để dê con nằm ở ổ ấm, nuôi nhốt dê mẹ và dê con 3 – 4 ngày, cho ăn tại chuồng, sau đó chăn thả gần nhà.

– Từ ngày thứ 4 đến ngày 21. Nuôi dê con trong cũi (ô riêng) đảm bảo ấm áp, khô sạch, cho bú ngày 3 – 4 lần. Khi 10 ngày tuổi tập cho dê con ăn thức ăn dễ tiêu, cỏ non sạch và khô ráo.

– Không chăn thả dê con trước 21 ngày tuổi và dê mẹ sau khi đẻ 7 – 10 ngày

– Đến 21 – 30 ngày tuổi cho dê con chăn thả theo đàn.

– Dê con sau 3 tháng tuổi tách riêng dê đực, cái và phân đàn theo hướng sản xuất.

* Bà con lưu ý: dê sắp đẻ nên nhốt riêng từng con ở chuồng đã được vệ sinh tiêu độc khô, sạch, kín ấm và yên tĩnh; trước khi đẻ 5-10 ngày nên giảm bớt thức ăn tinh ở những dê cái có năng suất sữa cao để tránh viêm vú, sốt sữa. Cần có người trực dê đẻ, chuẩn bị cũi, lót ổ nằm cho dê con sau khi sinh và các loại dụng cụ như cồn iốt, giẻ lau, kéo, chỉ để cắt rốn cho dê sơ sinh. Nếu dê con đang ra mà bị kẹt, khó đẻ, dê mẹ thường kêu la, cần hỗ trợ bằng cách đưa tay đã sát trùng vào đẩy thai theo chiều thuận, khi lôi thai ra cần cẩn thận, hai tay nắm phần thân phía ngoài kéo nhẹ ra theo nhịp rặn của dê mẹ.

                                                                                Ths Phạm Văn Đức