00:00 Số lượt truy cập: 2984500

Hướng dẫn kỹ thuật trồng chậu hoa cát tường (Eustoma grandiflorum (Raf) Shinn) 

Được đăng : 03/11/2021

 

1. Đặc điểm cây hoa cát tường trồng chậu

Hoa cát tường có tên khoa học Eustoma grandiflorum (Raf) Shinn, nguồn gốc từ miền Tây nước Mỹ, có khả năng chịu lạnh tốt. Cát tường là cây thân thảo, lá trơn, mọng nước. Tùy thuộc giống cây, điều kiện thổ nhưỡng có thể là cây ngắn ngày hay cây lâu năm (1-2 năm). Ở Việt Nam, hoa cát tường được trồng chủ yếu ở Đà Lạt.

- Rễ: Thuộc loại rễ cọc được phân hóa từ mầm rễ của hạt.

- Thân:Thân chia thành nhiều đốt, có khả năng phân nhánh mạnh, giòn, dễ gãy, bên ngoài thân được phủ một lớp sáp trắng mỏng.

- Lá: Lá hơi mọng nước, mọc đối, hình trứng hoặc hình thuôn, màu xanh xám và hầu như không có cuống

- Hoa: Hoa đa dạng về màu sắc, hình dạng, kích thước. Hoa có 2 dạng hoa đơn và hoa kép.

- Quả: Thuộc dạng quả nẻ, hình tròn, mỗi quả có vài trăm hạt.

- Một số giống hoa cát tường trồng chậu phổ biến hiện nay:

+ Giống hoa kép: Gồm các nhóm là Avilia, Balboa, Catalina, Mariachi, Candy, Echo trong đó nhóm Mariachi thích hợp nhất để trồng chậu.

+ Giống hoa đơn: Gồm các nhóm là Flamenco, Heidi, Laguna, Malibu, Yodel.

2. Thời vụ trồng hoa cát tường chậu

            Hoa cát tường có thể trồng quanh năm ở điều kiện nhiệt độ từ 18 – 26oC, trồng để thu hoa vào dịp Tết nguyên đán thì trồng vào tháng 9.

3. Giá thể trồng hoa cát tường chậu

Sử dụng giá thể là hỗn hợp gồm đất: mụn xơ dừa : trấu hun : phân chuồng hoai mục với tỷ lệ 3:3:3:1. Có thể thay thế phân chuồng bằng phân trùn quế hoặc phân vi sinh. Phun đều Ridomil gold 68WG (nồng độ 3g/lít) để xử lý nấm bệnh trong giá thể trước khi trồng 3-5 ngày.

4. Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cát tường chậu

4.1. Tiêu chuẩn cây giống

Cây gieo hạt, cây có 2-3 cặp lá, chiều cao cây từ 3-5 cm.

4.2. Kỹ thuật trồng

Tùy thuộc vào kích thước, kiểu dáng khác nhau mà lựa chọn số cây để trồng trong chậu cho phù hợp. Có thể dùng bầu nilon có kích thước 18x22cm ( chiều cao x đường kính miệng chậu), trồng 3 cây/chậu.

Cách trồng: Cho giá thể đã xử lý nấm bệnh vào chậu cao cách miệng chậu 5cm. Dùng giầm hoặc cây có đầu nhọn tạo các lỗ vừa đủ bằng kích thước bầu và  nhẹ nhàng đặt cây vào, tránh làm vỡ bầu tổn thương tới rễ cây. Trồng các cây sao cho cây phân bố đều xung quanh chậu để tán cây đều, không trồng cây quá sát vào thành chậu. Nên trồng cây vào buổi chiều, sau khi trồng tưới đẫm nước. Xếp chậu cách chậu 10 -15cm (tính từ mép chậu). Mật độ 10.000 chậu/1.000m2.

4.3. Kỹ thuật tưới nước

Trong thời gian đầu sau trồng tưới nước 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát để cây bén rễ hồi xanh tốt. Sau đó tưới nước để duy trì ẩm độ đất 60-70% để cây sinh trưởng phát triển. Khi cây có nụ, hoa chỉ nên tưới gốc, không tưới vào lá và hoa quá đẫm dẫn đến cây bị thối.

4.4. Che lưới đen

Sau khi trông xong che một lớp lưới đen (khoảng 60 - 70% ánh sáng tương đương khoảng 15.000 lux) để hạn chế lượng ánh sáng mặt trời trực tiếp vào cây . Tuy nhiên vào những ngày mưa nhiều, thời tiết âm u cần phải bỏ lưới đen ra để hạn chế một số nấm bệnh phát triển gây hại trên rể, thân, lá và hoa.

4.5. Cắm cọc đỡ cây

thể sử dụng que cao 60cm cắm 4 phía xung quanh chậu và dùng dây nilon liên kết các que tre lại với nhau giúp cây không bị đổ.

4.6. Kỹ thuật bón phân

- Sau khi trồng 3 tuần (khi vừa ngắt ngọn) bón thúc  NPK Đầu trâu (30:10:10) với liều lượng 20 kg phân/1.000 lít nước/1.000 m2. Định kỳ 7 ngày tưới/1 lần.

- Sau khi trồng 6 tuần (thời điểm phân nhánh mạnh) bón thúc NPK Đầu trâu (20:20:15 +TE) với liều lượng 20 kg phân/1.000 lít nước/1.000 m2. Định kỳ 7 ngày tưới/lần.

- Sau khi trồng 9 tuần (thời điểm đã xuất hiện nụ hoa) bón NPK Đầu trâu (15:5:20 + TE) với liều lượng 20 kg phân/1.000 lít nước/1.000 m2. Định kỳ 7 ngày tưới/lần.

Bổ sung phân bón lá đầu trâu 501, 701, Atonik 1,8SL  với liều lượng 1 lít/1.000 lít nước, phun 60-80 lít/1.000m2,7 ngày phun một lần để bổ sung dinh dưỡng cho cây, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.

Trong quá trình bón phân thường kết hợp với việc xới xáo, làm cỏ. Sau khi bón xong cần tưới lại bằng nước lã.

4.7. Kỹ thuật tỉa nụ, bấm ngọn

- Bấm ngọn lần 1 khi cây được 1 lóng thân (khoảng 20 - 25 ngày sau khi trồng). Sau khi ngắt ngọn sẽ mọc ra 1- 4 chồi mới.

- Bấm ngọn lần 2 cách lần bấm ngọn thứ nhất 20 ngày. Từ 1- 4 chồi mới này sẽ tạo ra được 2-8 chồi tùy theo giống, mật độ trồng và cách chăm sóc, tùy theo số lượng bông hoa và thời gian thu hoa mà bấm ngọn. Thời gian từ khi bấm ngọn lần 2 đến khi cây cho hoa đẹp nhất có thể xuất vườn khoảng 70-85 ngày.

5. Phòng và trị sâu, bệnh hại

Nhện đỏ (Tetranychus urticae)

            - Triệu chứng: Nhện thường cư trú ở mặt dưới lá và chích hút dịch trong mô lá và hoa tạo thành vết hại có màu sáng, dần dần các vết chích này liên kết với nhau. Khi bị hại nặng, lá cây hoa hồng có màu nâu phồng rộp, vàng rồi khô và rụng đi.

- Phòng trừ:

+ Đảm bảo vườn cây thông thoáng.

+ Tưới đủ ẩm trong mùa khô.

+ Bón phân đầy đủ, cân đối.

+ Khi mật độ nhện hại cao có thể sử dụng biện pháp tưới phun để rửa trôi nhện.

+ Biện pháp hóa học: Nhện đỏ là loài dịch hại có khả năng kháng thuốc cao, vì vậy khi sử dụng cần luân phiên, thay đổ thuốc khi sử dụng

            + Thuốc hoá học để trừ nhện đỏ là: Map Winer 5WG; Tasieu 1.0 EC, 3.6 EC;  Rholam super 12 EC; Ortus 5 SC; Vimite 10EC; Benknock 1 EC liều lượng, nồng độ theo khuyến cáo.

            Bọ trĩ (Thrips palmi)

- Triệu chứng: Bọ trĩ gây hại trên lá, chồi non và hoa. Triệu chứng trên lá là những chấm bạc, sau đó lan rộng ra, hoa có sẹo và không nở được nếu bị nặng.

 - Phòng trừ: Sử dụng các thuốc lưu dẫn như Confidor 100SL, Regent 800WG liều lượng, nồng độ theo khuyến cáo.

Bệnh lở cổ rễ (Rhizoctonia solani, Pythium spp.)

- Triệu chứng: Bệnh này thường xuất hiện trong giai đoạn cây con. Triệu chứng bệnh là cây bị héo và ngã gục ngang phần cổ rễ.

- Nguyên nhân: Do nấm Pythium spp. và Rhizoctonia solani gây ra.

 - Phòng trừ: Sử dụng thuốc Monceren 250SC hay Kasuran 47WP liều lượng, nồng độ theo khuyến cáo.

Bệnh đốm đen (Diplocarpon rosae)

            -  Triệu chứng: Vết bệnh có hình tròn hoặc hình bất định, ở giữa màu xám nhạt, xung quanh màu đen. Bệnh thường phá hại trên các lá bánh tẻ, vết bệnh xuất hiện ở cả 2 mặt lá. Bệnh nặng làm lá vàng, rụng hàng loạt.

- Nguyên nhân: Bệnh do nấm Diplocarpon rosae gây ra

            - Phòng trừ: Score 250ND hoặc Anvil 5SC liều lượng, nồng độ theo khuyến cáo.

6. Thu hoạch

Sau khi trồng từ 110-120 ngày thì cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn, trên câycó một nụ phình to nở căng có thể thu hoạch vận chuyển đến nơi bán.

7. Bảo quản

Dùng túi nilon hình phễu cho vừa chậu và cây tránh gãy lá và hoa. Xếp khít nhau vào thùng caton hoặc khay nhựa và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

8. Hình ảnh  giống hoa cát tường hiện nay

ky33ky34

Thạc sĩ: Ngô Văn Kỳ