00:00 Số lượt truy cập: 2984150

Hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa lan dendro (dendrebium) 

Được đăng : 07/11/2021

 

1. Đặc điểm cây hoa lan Dendro

Lan Dendro có tên khoa học là dendrebium, thuộc họ Orchidaceae, gồm hơn 1.600 loài lan khác nhau, Chúng phân bố chủ yếu ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới, chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á và châu Úc. Lan dendro có thân hình trụ, lá thường mọc đối, có màu xanh. Cây có thể cho nhiều đợt hoa trong năm, nên người ta thường sử dụng để cắt cành. Tùy thuộc vào từng giống lan Dendro mà chúng có điều kiện khí hậu khác nhau, có loài thích hợp với điều lạnh, có loài phù hợp với điều kiện nóng.

- Rễ: Cũng giống như những loại loại lan khác thuộc chi lan dendro cũng có bộ rễ chùm khỏe mạnh để bám chắc vào giã thể

- Thân: Thân lan Dendro là những đốt nhỏ,

- Lá: Lá giống lá tre nhưng dày, dài và thuôn hơn.

- Hoa: Từ đầu ngọn lan sẽ cho ra những vòi hoa có thể có từ một đến hai ba vòi. Trên các vòi hoa sẽ có các nụ hoa, thường mỗi cây chăm sóc tốt có thể lên tới 20 bông hoa. Bông hoa: Cấu tạo của bông lan Dendro có khuôn tròn, 5 cánh và 1 lưỡi, cánh hoa hình thuôn mỏng tỏa đều về các phía. Lưỡi lan hình ống thu vào trong, trông rất hài hòa. Loại lan này có rất nhiềumàu sắc như tím, trắng, vàng, xanh, đỏ, chớp

- Quả: Quả nhỏ chứa nhiều hạt bên trong.

- Một số giống hoa lan Dendro phổ biến hiện nay:

Hiện nay giống hoa lan dendro có rất nhiều mầu sắc khác nhau đang được trồng phổ biến như các giống có mầu hoa vàng, mầu hoa đỏ, màu hồng, mầu tím, mầu xanh, mầu trắng …

2. Thời vụ trồng hoa lan dendro

Có thể trồng quanh năm, tuy nhiên mùa hè là thời điểm cây lan sinh trưởng, phát triển mạnh nhất lên tốt nhất có thể trồng vào khoảng tháng 3- tháng 5 dương lịch để cây có đủ thời gian sinh trưởng chống rét vào mùa đông.

3. Chuẩn bị cơ sở, vật chất trồng hoa lan dendro

3.1. Thiết kế vườn

- Khung sườn giàn lan:

+ Cột bằng xi măng hoặc ống kẽm, chiều cao cột: 3,5-4m. Ở chiều cao của cột khoảng 1,5-1,7 m từ mặt đất đặt thêm hệ thống thanh ngang xếp thành hàng để treo chậu cho dễ chăm sóc. Tùy vào điều kiện nuôi trồng, diện tích và số lượng cây giống có thể thiết kế thêm 1 tầng treo cây nữa cách tầng 1 khoảng 50-60 cm

+ Dùng ống kẽm hoặc sắt gác song song cách nhau 30-35 cm ở tầng treo thứ nhất, tầng treo trên (tầng thứ 2) nên để khoảng cách giữa các thanh ngang là từ 50-60 cm.

+ Hệ thống rào chắn: Hàng rào bằng lưới B40 hoặc có thể dùng lưới chống côn trùng (loại mắt to 25 mắt/1cm2).

- Mái che: Dùng lưới đen hoặc lưới xanh che bớt được 20-35% ánh sáng, tuỳ theo loại lan.

3.2. Hệ thống tưới

- Dàn phun tưới tự động: Gồm máy bơm, téc chứa nước, hệ thống ống dẫn bố trí song song nhau cách nhau 1,2m, cách mặt đất 2,5 - 3 m, cao hơn dàn treo lan 1m, các vòi phun cách nhau 2m, xếp so le nhau.

- Ngoài ra có thể tưới bằng vòi hoặc bình phun tay

4. Giá thể trồng hoa lan dendro

- Giá thể: có thể dùng xơ dừa; than củi; vỏ cây; xỉ than... Giá thể phải được khử trùng trước khi trồng cây.

- Chậu trồng: Chậu trồng bằng nhựa hoặc đất nung, thường có kích thước thích hợp (12 x 12 x 10 cm; 25 x 15 x 15 cm; 35 x 20 x 20 cm; ...), có nhiều lỗ thoát nước ở đáy và xung quanh.

5. Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan dendro

5.1. Tiêu chuẩn cây giống

Cây giống được nhân bằng phương pháp nuôi cấy mô, đưa ra vườn sản xuất khi được 6 tháng tuổi (cây cao 10-12 cm, có 3-4 lá) bắt đầu có nhánh mới, cây khỏe mạnh. Ngoài ra có thể dùng cây tách thân hoặc giâm đoạn cành. Đối với cây thu thập thì cần xử lý nấm bệnh trước khi trồng bằng Daconil 75WP.

5.2. Kỹ thuật trồng cây vào giá thể

- Trồng trong chậu: cố định cây vào chậu, bổ sung giá thể, vỏ thông (kích thước 1-3 cm để giữ ẩm và giúp cây đứng vững).

- Trồng trên thân cây: có thể trồng trên thân cây sống hoặc thân cây đã chết. Đối với cây sống, trong quá trình trồng phải chú ý tán cây sao cho ánh sáng phù hợp với loài lan được trồng. Đối với thân cây chết chọn các cây gỗ chắc (nhãn, vải, táo...) cưa thành khúc, bóc sạch vỏ cây sau đó cố định thân lan vào khúc gỗ, ngọn lan hướng lên hoặc rủ xuống tùy theo loài.

5.3. Tưới nước

Lượng nước tưới tuỳ theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây và tuỳ theo mùa. Mùa nắng tưới 2 lần vào 8h30 - 9h30 sáng và 3h30-4h30 chiều, tưới dạng phun mưa cho ướt đều lá và giá thể. Mùa thu tưới 1 lần/ngày, mùa đông (tháng 10-11) giảm tưới 2-3 ngày/lần để tạo thời gian ngủ nghỉ cho cây, kích thích hình thành chồi hoa. Nên dùng nước giếng khoan đã lọc hoặc nước mưa có EC ≤ 1,0 ms/cm.

5.4. Kỹ thuật bón phân     

Chia làm 3 giai đoạn chính:

a. Giai đoạn cây con: Từ cây mô mang ra vườn ươm đến khi ra vườn trồng sản xuất (khoảng 4 - 6 tháng). Cường độ ánh sáng 50-60% so với ánh sáng tự nhiên (tương đương 20.000-25.000 lux)

- Sử dụng các loại phân: có thành phần NPK 30-10-10 hoặc NPK 30-15-10 pha 500g/1.000 lít nước.

- Ngoài ra, có thể bổ sung thuốc kích thích sinh trưởng Atonik 1.8 SL dùng 1 lít/1.000 lít nước và Vitamin B1 dùng 1 lít/1.000 lít nước.

- Cách bón:

+ Phun luân phiên các loại phân 5-7 ngày/1 lần.

+ Phun đều mặt lá, rễ và giá thể, lượng phun 60-80 lít/1000m2

b. Giai đoạn cây sinh trưởng sinh dưỡng (ra vườn sản xuất đến cây trưởng thành). Cường độ ánh sáng 70-80 % ánh sáng tự nhiên.

- Sử dụng các loại phân sau: Orchid, Plant-soul có thành phần NPK 20-20-20 xen với phân NPK 30-15-10 pha 1 kg/1.000 lít nước; phun 60-80 lít/1.000m2.

          - Ngoài ra, có thể bổ sung thuốc kích thích sinh trưởng Atonik 1.8 SL dùng 1 lít/1.000 lít nước và Vitamin B1 dùng 1 lít/1.000 lít nước.

            - Cách bón:

+ Phun luân phiên các loại phân: 5-7 ngày/1 lần.

+ Phun đều mặt lá, rễ và giá thể, lượng phun 60-80 lít/1.000 m2
          -  Có thể đặt thêm phân NPK chậm tan với tỷ lệ như trên, dùng 3-5 g phân cho vào túi vải, buộc chặt miệng túi, đặt cách gốc hoặc rễ khoảng 5 cm. Mỗi lần tưới nước phun nhẹ vào túi vải cho phân chảy chậm dần vào giá thể.

c. Giai đoạn ra hoa:

Yêu cầu cường độ ánh sáng 60-70% ánh sáng

- Sử dụng các loại phân Orchid, Plant-soul có thành phần 9:45:15, pha 1 kg/1.000 lít nước.

+ Ngoài ra, có thể bổ sung thuốc kích thích sinh trưởng Atonik 1.8 SL dùng 1lít/1.000 lít nước và Vitamin B1 dùng 1 lít/1.000 lít

- Cách bón: Như giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng.

d. Chăm sóc sau khi thu hoa

            - Đưa cây lan vào chỗ thoáng mát, có ánh sáng nhẹ. Nếu thấy chậu ẩm ướt thì phải để chậu khô ráo hẳn từ 1 đến 2 ngày mới tưới nước lại. Vệ sinh sạch cắt bỏ lá già, lá bị dập hỏng, lá có biểu hiện bệnh; rễ già, rễ khô; ngồng hoa cũ. Bôi vôi vào các vết cắt.

            - Chỉ tưới nước cho cây, ngoài ra để cây nhanh ra rễ mới nên pha thêm B1 (pha với nồng độ 500-700 ml/1.000 lít nước) có chứa kích thích tố NAA, hoặc atonik (pha 700-1000 ml/1.000 lít nước), tưới 60-80 lít cho 1.000 m2; Cứ 3 lần tưới nước thì có 1 lần bổ sung thêm B1 cho đến khi ra rễ mới; chỉ tưới phân khi cây có dấu hiệu tăng trưởng trở lại (rễ mới bám vào chậu);

            - Tùy điều kiện nơi trồng mà tưới nước sao cho vẫn đảm bảo đủ nước mà không gây úng làm hư rễ. Trong điều kiện nóng nắng, tưới nước từ 1-2 lần vào buổi sáng sớm và chiều mát; ngày mưa hoặc trời mát, sau khi tưới phải quan sát khi nào khô đáy chậu và rễ khô trắng bề mặt mới tưới lại;

            - Cách tưới: Tưới phun sương hoặc cũng có thể tưới phun mưa cho nước thấm vào toàn bộ chậu lan;

            - Sau 1,5-2 tháng, cây phát triển ổn định trở lại, tiến hành chăm sóc, bón phân, tưới nước bình thường giống như từ giai đoạn "Chăm sóc cây trưởng thành".  

6. Phòng và trị sâu, bệnh hại

Các loại sinh vật gây hại: gián, cuốn chiếu, ốc sên...

 Phòng trừ bằng cách: Vệ sinh vườn thường xuyên, xịt thuốc; hoặc thay giá thể mới.

Rệp (Chrysomphalus ficus)

+ Triệu chứng: rệp chích hút nhựa trên chồi, lá non và để lại chất thải là nguồn dinh dưỡng cho 1 số loài nấm. Lá bị xoăn, hoa và nụ biến dạng.

+ Phòng trừ: Kết hợp với các đợt cắt tỉa, cắt bỏ cành và lá có rệp để tiêu hủy. Phun thuốc diệt rệp có chất dầu như Neem oil, Year Round hay Spray oil,...làm rệp chết ngạt, hoặc ung thối các trứng rệp. Phun vào sáng sớm hoặc chiều mát, không phun khi nắng nóng tới 370C, phun kỹ từ mặt trên, mặt dưới lá, thân cây, bẹ lá và tận gốc rễ, nồng độ phun 0,5 ml/1 lít nước. Cách 1 tuần phun lại 1 lần, phun liên tục 3-5 lần.

Bệnh đốm lá(Cercospora sp.)

- Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao.

- Triệu chứng: Bệnh đốm lá: lá bị đốm nâu hoặc đốm đen, vết đốm nhỏ, nằm rải rác ở cả mặt trên và mặt dưới lá. Bệnh nặng làm lá vàng và hỏng lá.

- Phòng trừ:

+ Vào mùa hè che giảm ánh sáng cho phù hợp

+ Thông gió tốt vườn trồng đặc biệt là vào mùa hè

+ Không tưới quá muộn vào buổi chiều tối khiến lá chưa kịp khô

+ Không để mật độ cây quá dày

+ Định kỳ phun thuốc Ridomil 68WG nồng độ 30 g/10 lít nước.

Thối rễ (Fusarium sp.)

- Bệnh xảy ra khi điều kiện sinh trưởng của cây không lý tưởng: sự thay đổi liên tục giá thể ướt, khô, độ lạnh của giá thể...

- Triệu chứng: lá bị mềm ẻo, mép lá chuyển sang màu vàng, rễ cây có màu nâu, tuy nhiên lõi rễ vẫn giữ nguyên. Rễ và thân nhiễm bệnh sẽ ngả sang màu nâu.

- Phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, sử dụng giống sạch, tiêu hủy tàn dư cây bị bệnh, phun Aliette 800 WG: cây con pha 10g/bình10 lít nước, cây già pha 20g/bình 10 lít nước; hoặc Rhidomil: cây con 7-10 ml/bình10lít nước, cây già 10-15 ml/bình 10lít nước. Dùng 6-8 bình 10 lít phun cho 1.000m2.

Bệnh thán thư (do nấm Collettotrichum sp.)

- Bệnh phát triển khi gặp điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, vườn thiếu ánh sáng và thông gió kém, mật độ cây dày.

- Triệu chứng: Trên lá hoặc thân xuất hiện vết thối đen, khô, vết thối lúc đầu nhỏ sau lan rộng ra có khi đến vài cm2, làm hỏng lá hoặc thối đen thân.

- Cách phòng trừ:

+ Vào mùa hè che giảm ánh sáng cho phù hợp

+ Thông gió tốt vườn trồng đặc biệt là vào mùa hè

+ Không tưới quá muộn vào buổi chiều tối khiến lá chưa kịp khô

+ Không để mật độ cây quá dày

+ Định kỳ phun thuốc Ridomil 68WG nồng độ 30 g/10 lít nước hoặc Zineb Bul 80WP nồng độ 25 g/10 lít.

7. Thu hoạch

7.1. Với hoa cắt cành

Thu hoạch vào thời điểm có từ 2 - 3 hoa đang nở. Thu hái vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để tránh cho hoa không bị mất nước. Dùng dao hoặc kéo sắc cắt hoa cẩn thận để không làm dập nát gốc, ảnh hưởng đến chất lượng hoa.

7.2. Với hoa chơi giò, chậu

- Tưới nước để duy trì độ ẩm trước khi thu hoạch, sau khi trồng cây có rễ ổn định, lá xanh tốt có thể xuất bán cho người tiêu dùng về chăm sóc.

8. Bảo quản

8.1. Với hoa cắt cành

Cắm hoa đã cắt vào dung dịch TOG 30 + TOG 75 và đặt ở nơi thoáng mát trong khoảng 15-20 phút. Phân loại, cắt tỉa và bao gói hoa sau đó đặt ở nơi thoáng mát trước khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

7.2. Với hoa chơi giò, chậu

- Bao gói và buộc dây cố định cây để tránh va chạm, dập nát cành, hoa trong quá trình vận chuyển.

- Duy trì độ ẩm cho cây bằng việc tưới nước hàng ngày ở nơi tiêu thụ.

8. Hình ảnh các nhóm giống hoa lan dendro hiện nay

ky71ky-71ky-74ky-75

 

Thạc sĩ: Ngô Văn Kỳ