Ốc bươu đen (hay còn gọi là ốc nhồi) đang là loại thực phẩm được thị trường ưa chuộng. Nuôi ốc bươu đen đang là một hướng phát triển kinh tế mới, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi này. Kỹ thuật nuôi ốc bươu đen sinh sản được đánh giá là khá đơn giản, cách chăm sóc không quá phức tạp.
1. Chuẩn bị bể cho ốc sinh sản
Chuẩn bị bể bạt, kích thước 3m x 3m x1m, giữa bể bố trí gò đất có kích thước 1,5m x 0,7m x 0,6m; xung quanh đáy gò đất tấn gạch nhằm hạn chế đất sạt lỡ, đồng thời trên gò đất đậy lớp cỏ mỏng tạo điều kiện giống môi trường tự nhiên. Trên bể làm máy che bớt ánh nắng để hạn chế tăng nhiệt độ nước trong các bể. Cấp nước vào bể với độ sâu 0,3 m, trong bể thả lộc bình với diện tích 2/3 bể.
2. Chuẩn bị giống ốc bố mẹ
Ốc bố mẹ được bắt ngoài tự nhiên, chọn ốc khỏe mạnh, kích cỡ trung bình 25- 30 con/kg, ốc có màu đặc trưng của ốc bươu đen và được đưa về thuần dưỡng trong điều kiện nuôi của gia đình.
Tỷ lệ thả đực cái 1:1 (chọn ốc cái to hơn ốc đực cùng độ tuổi, mài hơi lõm vào trong, miệng loe hơn ốc đực, vòng xoắn và đít màu vàng nghệ. Tuyến trứng nằm cạnh tuyến abumin có màu vàng của lòng đỏ trứng. Ống trứng cũng màu vàng đi xuyên qua tuyến abumin). Mật độ nuôi thuần dưỡng có thể từ 26- 30 con/m2 hoặc có thể nhiều hơn. Độ sâu mực nước nuôi từ 0,5 đến 0,8m.
Thuần dưỡng ốc khoảng 1 tháng. Hàng ngày cho ốc ăn cám mịn, lá khoai mì…, thời gian cho ăn là lúc chiều mát, lượng thức ăn bằng 3% trọng lượng ốc.
3. Kích thích cho ốc sinh sản
Thu số ốc đã được nuôi thuần dưỡng ở nhà, lựa chọn những ốc cái to, ốc được trải ra đất để trong mát khoảng 30 phút, sau đó đưa ốc vào bể đẻ. Tiến hành theo dõi ốc đẻ và theo dõi môi trường nước. Những ngày ốc đẻ vẫn cho ăn như nuôi dưỡng.
4. Chuẩn bị bể ấp
Chuẩn bị bể bạt diện tích mỗi bể là 2m2, trên bể làm mái che không cho mưa tạt và hạn chế ánh sáng chiếu vào. Cấp nước vào khoảng 20 cm, để lắng trong và thả ít bèo tai tượng chuẩn bị cho việc ấp trứng.
5. Thu và ấp trứng
Quan sát hoạt động sinh sản của ốc trong điều kiện sinh sản nhân tạo, thu các chùm trứng ốc đã sinh sản, rửa sạch, rồi cho vào bể ấp.
Dùng thân chuối chẻ đôi dài khoảng 50 cm đặt vào bể ấp. Thu các chùm trứng ốc xếp lên các thân cây chuối và dùng lá chuối che lại.
Sau 11 ngày ấp, trứng chuyển sang màu xám tro, sau 14 ngày ấp trứng bắt đầu nở. Khi sắp nở, trứng ốc có hiện tượng trương ra, vỏ ngoài vở ra, chỉ còn thấy lớp màng trong suốt nhìn thấy được ốc con bên trong. Khi trứng nở hoàn toàn ốc con sẽ tự động bò xuống nước và bắt đầu kiếm ăn.
6. Chuẩn bị ao và bể ương:
Ao được dọn sạch cỏ, tát cạn, bắt hết cá dữ và bón vôi bột 10kg/ 100 m2, 5 ngày sau cấp nước vào độ sâu khoảng 1m, bón 20 kg phân trâu khô, sau đó bố trí lồng ương ốc con.
Lồng được làm bằng lưới cước, mắt lưới có kích thướt cỡ nhỏ để ốc con không chui ra được, kích thước lồng: 2,5m x 4m x 1,2 m. Lồng được bố trí đáy sát mặt đáy ao, phần mặt lồng cách mực nước khoảng 20 cm, trong lồng thả lộc bình, bèo tai tượng khoảng ½ diện tích mặt lồng, phía bên ngoài lồng thả lộc bình hạn chế nắng nóng.
7. Ương ốc giống
- Thả ốc con
Ốc con đựng trong thau nhựa, đem thau ốc đặt dưới lồng, đồng thời nghiêng thau từ từ cho nước vào đợi khoảng 3-4 phút tiến hành cho ốc ra lồng từ từ nhằm hạn chế ốc bị sốc môi trường.
- Chăm sóc ốc con
Hàng ngày cho ốc con ăn thức ăn là cám gạo, khối lượng cho ăn bằng 10% khối lượng ốc thả, ngoài ra còn cho ốc ăn thêm lá khoai mì ngày 1 lần vào buổi chiều.
Bà con lưu ý: Hàng ngày quan sát hoạt động của ốc đến khi đạt được kích thước như mong muốn thì tiến hành thả nuôi.
Ths Phạm Văn Đức