Nuôi cá ao nước tĩnh muốn đạt năng suất cao phải nuôi ghép nhiều loài cá có tập tính ăn khác nhau trong 1 ao để chúng không cạnh tranh thức ăn mà còn hỗ trợ nhau làm môi trường nước nuôi cá tốt hơn.
Phương pháp cân bằng sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
1. Chọn ao nuôi và xác định loại cá nuôi chính
- Những ao có diện tích khoảng 1000m2 trở lên, có mực nước sâu từ 1,5 – 2m, chất nước có màu tốt, không bị ô nhiễm thì nên nuôi cá mè làm chủ.
- Những ao đất thịt pha cát có chất đáy là cát bùn thì nên nuôi cá trôi làm chủ.
- Những ao diện tích rộng vài nghìn mét vuông, có nhiều rong, bèo cỏ… và ở địa phương có nhiều cây làm thức ăn nuôi cá trắm cỏ làm chủ.
- Những ao có nguồn nước rửa chuồng lợn và thải thức ăn thừa của lợn hằng ngày, nên thả cá rô phi làm chủ.
2. Chuẩn bị ao và thả cá giống
- Ao được tát dọn, vét bớt bùn đáy, sửa lại những chỗ bờ sạt lở, rắc vôi bột để diệt cá tạp.
- Nếu là ao nuôi cá mè là chính thì phải bón lót tương tự như ao ương cá hương, cá giống. Nếu là ao nuôi cá trắm cỏ thì không cần bón lót.
Những ao mới đào nếu gặp phải vùng nước chua mặn, nước sẽ bị chua, độ pH thấp, phải khử chua bằng cách bón vôi rồi bón lót phân chuồng và lá dầm để gây màu nước một thời gian trước khi thả cá.
- Thời vụ thả cá giống có 2 vụ: vụ xuân và vụ thu. Cá giống thả nên đạt chiều dài như sau: cá mè 10 – 20cm; trắm cỏ 12 – 15cm; cá chép, trôi, rô phi từ 7 – 10cm.
- Không nên thả cá giống quá nhỏ vì tỷ lệ hao hụt sẽ tương đối lớn, các tỉnh phía Bắc thì không thả cá rô phi trong vụ thu.
3. Mật độ nuôi, thành phần và tỷ lệ thả ghép
- Ao nuôi cá mè làm chủ: Tổng số cá thả từ 12.000 – 14.000 con/ha, trong đó tỷ lệ cá mè trắng 60%, mè hoa 5%, trắm cỏ 3%, có trôi 25%, chép 7%. Nếu thả cá mrigan hoặc rô hu thay cá trôi thì tỷ lệ chỉ cần 20% và tăng tỷ lệ cá khác.
- Ao nuôi cá trắm cỏ làm chủ: Thả 7.000 – 8.000 con/ha; trong đó tỷ lệ cá trắm cỏ 50%, mè trắng 20%, mè hoa 2%, cá trôi 8%, cá chép 4%, rô phi 6%. Nếu thả cá mrigan hoặc rô hu thay cá trôi thì tỷ lệ chỉ cần 14% và tăng tỷ lệ cá khác.
- Ao nuôi cá rô phi làm chủ: Thả 4.000 con/ha. Trong điều kiện ao có diện tích rộng nên ghép với tỷ lệ: cá rô phi 45%, mè trắng 20%, mè hoa 5%, trôi 20%, trắm cỏ 4%, chép 6%. Nếu thả cá mrigan hoặc rô phi thay cá trôi thì tỷ lệ chỉ cần 15% và tăng tỷ lệ cá khác.
- Ao nuôi cá trê lai làm chủ: Diện tích rộng 100m2, tỷ lệ thả ghép cá trê lai 2.000 con, rô phi 200 con. Nếu ao có bờ xây gạch, nền đáy cứng thì thả thêm lươn, trạch khoảng vài trăm con giống.
Trong thực tế sản xuất, không phải gia đình nào cũng hoàn toàn áp dụng như vậy mà có thể điều chỉnh số lượng cá thải cũng như tỷ lệ ghép. Nếu cá giống nhỏ hơn quy định phải thả nhiều hơn để trừ hao hụt. Thời gian nuôi sau một chu kỳ thu hoạch thấy loài cá nào lớn nhanh thì lần sau thả tăng tỷ lệ và ngược lại.
4.Cho cá ăn
Ao nuôi cá mè làm chủ:
Thức ăn cho cá chủ yếu là bón phân chuồng và lá dầm, phân đạm, phân lân.
Cách cho cá ăn:
+ Đối với phân chuồng 1 tháng bón 4 lần, phân được rải đều khắp ao.
+ Phân xanh 1 tháng thả 6 lần, lá xanh bó thành bó, dìm ngập ở góc ao.
+ Phân đạm, lần bón theo tỷ lệ 1 đạm + 1 lân hoặc 1,5 đạm + 1 lân, hòa tan trong nước té đều xuống ao. Những ngày thời tiết thay đổi, oi bức hoặc mưa rào thì ngừng bón phân.
Ao nuôi cá trắm làm chủ:
+ Thức ăn chủ yếu là bèo tấm, bèo dâu, rong cỏ, rau muống, rau nấp, cây ngô non (muốn tăng trọng được 1kg thịt cá trắm cỏ phải tốn 30 – 40kg thức ăn xanh).
+ Ngoài thức ăn xanh, còn cho cá ăn thêm các loại phụ phẩm nông nghiệp: cám, bã, khô dầu, khoai lang… Khối lượng thức ăn hằng ngày bằng 10 – 25% khối lượng cá trong ao. Vào mùa nóng ấm cá ăn nhiều, phải bón nhiều, mùa đông cá ăn ít giảm số lượng. Thức ăn cho cá trắm cỏ được thả vào khung nổi trên mặt nước đặt cách bờ 1,5 – 2m.
Ao nuôi cá rô phi làm chủ:
Theo kỹ thuật nuôi cá bón phân chuồng, lá dầm, phân vô cơ theo số lượng trong các tháng như bảng sau:
Lượng đạm cần tháng thứ nhất 20 – 30%; tháng thứ 2 từ 10 – 20%; tháng thứ 3 từ 10 – 15% tổng số thức ăn. Cho cá ăn thêm nắm từng nắm cho từ từ xuống để cá ăn hết lại cho tiếp; ngày cho ăn 2 lần vào sáng sớm và chiếu mát, lượng thức ăn cho ăn theo mức cá ăn hết, thường từ 4 – 6% khối lượng cá/ngày.
+ Trường hợp nuôi cá kết hợp nuôi lợn (dùng nước rửa chuồng lợn thải xuống ao) thì tùy theo màu nước tốt hay xấu mà điều chỉnh lượng phân bón bổ sung.
Ao nuôi cá trê lai:
+ Thường cho ăn trực tiếp phân hữu cơ (như phân cầu, phân lợn, trâu, bò). Phân của 10 – 15 con lợn có thể nuôi đủ 2.000 con cá.
+ Thức ăn chế biến gồm: bột cá, vụn cá, đầu tôm, phế phẩm lò mổ đem nấu với cám gạo, cám ngô… để nguội cho cá ăn ngày 2 lần. Cá càng lớn càng ăn tạp, khả năng tiêu hóa mạnh, cần phối hợp các loại thức ăn, chất bột cần nấu chín.
5. Quản lý, chăm sóc cá ao
- Phải thường xuyên giữ đủ nước theo đúng quy định, hằng ngày kiểm tra bờ, cống rãnh, chuẩn bị trước đăng mành, cọc để phòng lũ lụt cá đi mất.
- Mỗi tháng đùa khuấy ao một lần, hàng tuần vớt sạch rác, thức ăn thừa; sau khi đùa ao kết hợp cấp thêm nước mới.
- Thường xuyên theo dõi màu nước để quyết định tăng hay giảm số lượng thức ăn và phân bón.
- Khi trời nắng oi bức, màu nước quá béo cá dễ bị nổi đầu do thiếu oxy. Nếu thấy cá nổi đầu khắp ao, nghe tiếng động mạnh cũng không lặn xuống mà vẫn cứ bơi lờ đờ trên mặt nước, màu sắc trên lưng cá mè, trắm cỏ ngả sang hơi vàng, môi dưới của cá dài ra, đó là hiện tượng nổi đầu nghiêm trọng.
6. Thu hoạch cá
- Sau khi thả cá từ 8 – 9 tháng có thể dùng lưới đánh tỉa những con đủ tiêu chuẩn cá thịt. Riêng cá rô phi nuôi sau 4 tháng có thể bắt đầu đánh tỉa cá thịt.
- Tháo cạn và thu hoạch toàn bộ cá ao vào các tháng sau:
+ Cá thả tháng 2 – 5 thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 2 dương lịch (trước Tết âm lịch).
+ Cá thả tháng 8 – 9 thu hoạch tháng 9 – 10 năm sau. Riêng cá rô phi ở các tỉnh phía Bắc phải thu hoạch xong trong tháng 12. Trước khi thu hoạch 10 ngày phải ngừng bón phân và trước 1 ngày phải ngừng cho thức ăn trực tiếp. Khi thu hoạch phải rút bớt nước, dùng lưới đánh bớt cá, sau đó tháo cạn ao thu toàn bộ.
P.Loan