00:00 Số lượt truy cập: 2984125

Hướng dẫn sử dụng mật rỉ đường trong nông nghiệp 

Được đăng : 03/08/2021

 

Trong ngành công nghiệp chế biến đường, ngoài việc sản xuất chế biến mía, củ cải đường thành đường thương phẩm phục vụ tiêu dùng và trong công nghiệp, còn thu nhiều phụ phẩm khác; trong đó có sản phẩm là mật rỉ đường. Đây là sản phẩm từ lâu đã được sử dụng trong nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

1. Tên gọi

Mật rỉ đường hay còn được gọi bằng các loại tên khác nhau như: mật rỉ, rỉ mật, rỉ đường,… Đây là sản phẩm có dạng chất lỏng đặc sánh còn lại sau khi đã rút đường bằng phương pháp cô đặc và kết tinh.

Nguyên liệu sản xuất mật rỉ có thể từ hai loại nông sản là mía đường và củ cải đường. Tuy nhiên, dựa trên điều kiện khí hậu và đặc điểm canh tác thì rỉ đường tại nước ta được làm ra từ mía.

Trong 100 tấn mía, sẽ sản xuất ra khoảng 3 - 4 tấn mật rỉ. Đồng nghĩa với sản lượng mật rỉ chiếm khoảng ⅓ sản lượng đường sản xuất.

2. Mô tả đặc tính của mật rỉ đường

Mật rỉ đường có dạng lỏng, hơi sánh màu nâu đen. Tuy nhiên, độ sánh và độ sậm màu của mật rỉ sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Mật rỉ nguyên chất sẽ gần như là dung dịch đồng nhất và có khả năng hòa tan trong nước.

3. Thành phần hóa học và dinh dưỡng của mật rỉ đường

Phụ thuộc vào: giống mía, thời tiết, thổ nhưỡng, giai đoạn thu hoạch mía. Cũng như quy trình sản xuất của từng nhà máy. Do vậy, mật rỉ có khả năng thay đổi về thành phần dinh dưỡng, mùi vị, màu sắc và độ nhớt.

Thành phần tiêu chuẩn của rỉ mật thường được chia thành 3 phần: đường, chất hữu cơ không đường và chất khoáng. 

Các loại gluxit hòa tan (đường đôi và đường đơn) là thành phần dinh dưỡng chính của rỉ mật, trong đó sucroza là chủ yếu. Tổng lượng đường trong rỉ mật củ cải đường thường thấp hơn trong rỉ mật mía, nhưng lại chứa hầu như toàn bộ là sucroza. 

Các chất hữu cơ không phải là đường của rỉ mật quyết định nhiều tính chất vật lý của nó, đặc biệt là độ nhớt dính. Nó bao gồm chủ yếu là các loại gluxit như tinh bột, các hợp chất chứa N và các axit hữu cơ. 

Rỉ mật đường là một nguồn giàu khoáng: Na, K. Mg và S. Rỉ mật cũng chứa một lượng đáng kể các nguyên tố vi lượng như Cu, Zn, Fe, Mn,… 

4. Ứng dụng của rỉ đường trong nông nghiệp

4.1 Trong trồng trọt

Bổ sung vào đất trồng để tăng hoạt tính sinh học của đất

Sử dụng trong thủy canh để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng

Dùng làm nguồn thức ăn trong nuôi cấy vi sinh, làm enzyme sinh học GE, làm phân chuối, trứng, sữa,…

Những ứng dụng phổ biến của rỉ đường thường thấy trong ngành nông nghiệp như ủ phân hữu cơ và nuôi vi sinh, enzyme sinh học

4.2.Trong chăn nuôi – thủy – hải sản

Dùng để bổ sung sắt cho các đối tượng không dung nạp khoáng chất này trong viên sắt bổ sung.

Sử dụng để lên men tạo ra các sản phẩm như nấm men, axit amin và axit xitric.

Phụ gia trong chế biến thức ăn chăn nuôi.

Có tác dụng trong quá trình xử lý nước thải công nghiệp, xử lý ao nuôi tôm.

Trong ngành thủy sản: kiểm soát N, khí độc, amoni và pH trong ao tôm, cá. Giúp cân bằng quá trình quang hợp trong nước

5. Bảo quản mật rỉ đường

Mật rỉ đường chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, là nguồn thức ăn cao cấp cho vi sinh vật nên nếu không bảo quản đúng cách rất dễ bị vi khuẩn xâm nhiễm. Sau khi mua về, đặt mật rỉ tại nơi khô ráo, thoáng mát và tránh bụi bẩn. Đặc biệt, sau mỗi lần sử dụng nếu vẫn còn dư nên đậy kín lại và không đổ lại vào bình nguyên ban đầu.

T. Khuyên