00:00 Số lượt truy cập: 2983560

Hướng dẫn sử dụng vôi, I ốt và Cloramin B trong chăn nuôi 

Được đăng : 02/07/2021

 

1. Vôi

Có nhiều từ để mô tả các trạng thái khác nhau của vôi và việc hiểu đúng về những tên gọi này sẽ đi kèm với cách dùng khác nhau.

Đá vôi

Là một loại đá trầm tích. Đá vôi ít khi ở dạng tinh khiết, mà thường bị lẫn các tạp chất như đá phiến silic, silica và đá mácma cũng như đất sét, bùn, cát, bitum… nên nó có màu sắc từ trắng đến màu tro, xanh nhạt, vàng và cả màu hồng sẫm, màu đen.

Vôi bột

Là dạng tinh thể bột có màu trắng, thu được khi ngâm vôi sống với nước (quá trình tôi vôi). Dung dịch có chứa canxi hydroxit gọi chung và vôi nước và có tính khử trùng mạnh.

Vôi sữa

Là dung dịch Ca(OH)2 chưa lọc, vẫn còn thể vẩn của các hạt canxi hydroxit rất mịn trong nước.

Nếu mô tả thông dụng thì từ đá vôi, nung nóng sẽ được vôi sống. Vôi sống thả vào bể nước có phản ứng sinh nhiệt và tạo ra nước vôi bão hòa, sữa vôi và vôi bột. Trong một bể vôi đã “tôi” và nguội đi sẽ có các lớp khác nhau:

Váng mỏng trên cùng là nước vôi bão hòa;

Nước vôi trong kế tiếp có tác dụng sát khuẩn;

Lớp dịch đặc, lỏng, màu trắng đục còn gọi là “sữa vôi” khử trùng rất mạnh. Có thể pha loãng 10%, 20% quét lên trần, tường, gốc cây. Sữa vôi cũng có thể được pha thêm nước, để lắng, khi nào thấy có lớp váng mỏng bên trên thì ta lại thu được nước vôi bão hòa.

Tuy nhiên nước vôi bão hòa khi để lâu ngoài môi trường, gặp CO2 lại tạo ngược lại CaCO3 (chính là sạn ở các hố khử trùng), không còn tác dụng diệt khuẩn nữa.

2. Povidone Iod và Cồn Iod

Nhiều người chăn nuôi vẫn nhầm lẫn giữa hai khái niệm này và cho rằng Cồn Iod và Povidone Iod là cùng một sản phẩm. Tuy nhiên, hai dung dịch này là khác nhau. Nhiều thuốc khử trùng trong thú y đều sử dụng Povidon Iod chứ không phải dùng cồn Iod.

Cồn Iod:

Là hỗn hợp gồm iod, kali iodid và cồn. Nhược điểm của cồn iod là gây xót, kích ứng da và nhuộm màu da. Do vậy không dùng dung dịch cồn iod nồng độ trên 5% để sát trùng. Hạn chế sử dụng trên vùng da mặt, da nhạy cảm và chỉ sử dụng cho vết thương ngoài da, không dùng cho vết thương sâu, hở miệng.

Povidon Iod:

Povidon iod là hợp chất giữa iod và polyvinyl pyrolidon, chứa 9 – 12% iod, dễ tan trong nước và cồn. Dung dịch povidon – iod sẽ giải phóng iod từ từ, kéo dài tác dụng diệt khuẩn, nấm, virut, động vật đơn bào, kén và bào tử. Mặt khác, tác dụng của thuốc kém hơn các chế phẩm chứa iod tự do, nhưng ít độc hơn, vì lượng iod tự do thấp hơn, dưới 1 phần triệu trong dung dịch 10%.

Liều sử dụng:

Dạng đóng chai của Povidon Iod dùng trong thú y thường là chai 1 lít với hàm lượng là 10%. Pha loãng 1 lít sản phẩm với 100 – 250 lít nước để phun khử trùng chuồng trại. Phun bề mặt (trần, vách tường, nền chuồng, lối đi) với lượng 10 lít cho 100 m2 bề mặt. Phun sương không khí chuồng nuôi với lượng 10 lít nước khử trùng đã pha cho 100 m3 không khí.

3. Cloramin B

          Theo Tiêu chuẩn 10 TCN 537:2002 của Bộ NN&PTNT, Cloramin B có dạng bột, màu trắng hay hơi vàng, thoảng có mùi Clo. Cloramin B dễ tan ttrong nước sôi, tan được trong nước mát hoặc cồn, không tan trong ete, cloroform, benzen. Cloramin B có hoạt tính ô-xy hóa khử cao, thường được sử dụng để khử trùng bề mặt. Cloramin có hoạt tính diệt vi khuẩn, nấm và virus cao, giá thành rẻ. Tuy nhiên chỉ có khả năng phát huy tác dụng trong thời gian ngắn do ion Cl+ dễ bị phân huỷ dưới tác dụng của ánh sáng. Theo Trần Quang Huy và cộng sự (2014), Cloramin B hàm lượng 25 – 30% clo hoạt tính.

Trong công tác phòng chống dịch, các dung dịch pha từ các hóa chất chứa clo với nồng độ 0,125%; 0,25%; 0,5% và 1,25%, 2,0% clo hoạt tính thường được sử dụng tùy theo mục đích và cách thức của việc khử trùng. Việc tính nồng độ dung dịch phải dựa vào tỷ lệ clo hoạt tính. Việc tính toán đúng công thức Clo hoạt tính để khử trùng không dễ dàng với người chăn nuôi. Vì vậy, hướng dẫn sử dụng Cloramin B trong khử trùng đều rất chi tiết với việc cân khối lượng Cloramin B và lượng nước pha.

4. Quy trình khử trùng dành cho trang trại chăn nuôi

Do có nhiều thuốc khử trùng đa dạng nên việc xây dựng quy trình khử trùng chuồng nuôi cũng khác nhau tùy vào trang trại. Tuy nhiên vẫn có một số tiêu chuẩn (ví dụ: QCVN 01 – 14: 2010/BNNPTNT) để người chăn nuôi đối chiếu nhằm xây dựng quy trình phù hợp nhất cho trang trại của mình. Dưới đây là hướng dẫn sử dụng Vôi, Povidon Iod và Cloramin B trong khử trùng trang trại chăn nuôi.

 Bước 1: Làm sạch cơ học (quét dọn chất thải).

Bước 2: Rửa sạch bằng nước (nếu khử trùng trong chuồng nuôi)

Bước 3: Khử trùng bằng hóa chất. Cần phun “từ ngoài vào trong”, “từ trên xuống dưới” rồi mới đến không khí chuồng nuôi. Cụ thể cần phun khử trùng vòng ngoài chuồng nuôi, sau đó khi vào trong cần phun trần, tường, lối đi rồi mới phun không khí chuồng nuôi.

Bước 4: Để khô một khoảng thời gian (thường là 7 ngày) rồi mới đưa vật nuôi vào lại chuồng.

P. Loan