00:00 Số lượt truy cập: 2991152

Hướng đi mới từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt 

Được đăng : 24/06/2019

 

Đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất kinh doanh là một trong những vấn đề quan trọng đối với người nông dân hiện nay, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường, xây dựng thương hiệu theo hướng phát triển bền vững. Anh Trần Văn Quyên, hội viên nông dân Chi hội thôn Nội, Hội Nông dân xã Mỹ Hà là tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững, với hướng đi mới từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt.

nga-nd-tom

Anh Quyên chủ trang trại đang kiểm tra tôm nuôi

Những năm qua, trang trại của anh Quyên chủ yếu nuôi cá trắm đen và kết hợp nuôi lợn, gà. Tuy nhiên khoảng 2 năm trở lại đây, chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn do giá thức ăn lên cao, trong khi giá bán các mặt hàng nông sản lên xuống thất thường, đặc biệt là giá thịt lợn luôn trong tình trạng rớt giá thê thảm, giá bán cá trắm đen giảm từ 30.000-40.000 đồng/cân, nguyên nhân sâu xa do phong trào nuôi cá trắm đen phát triển ồ ạt đến mức bão hòa, phá vỡ quy luật cung - cầu, sản phẩm làm ra nhiều nhưng nhu cầu tiêu thụ của thị trường có hạn, dẫn đến tình trạng giá cá trắm đen xuống thấp, người nuôi cá không có lãi hoặc có lãi rất ít, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Tâm sự với tôi, anh cho biết: “Trước đây, cả khu vực này chỉ có vài hộ nuôi cá trắm đen, về sau do giá bán cao nên nhiều trang trại, gia trại đã chuyển sang nuôi cá trắm đen. Tuy nhiên, sản lượng cá trắm đen xuất bán vượt quá nhu cầu thị trường, giá bán cá trắm đen tụt dốc, khiến các hộ nuôi gặp nhiều khó khăn.”

Đứng trước thực tế đó, anh Quyên quyết tâm tìm hướng đi mới cho mình đó là thoát khỏi lối tư duy tiểu nông, hướng tới tư duy giá trị, chú trọng đến thương hiệu, chất lượng, tính đặc thù trong sản xuất kinh doanh, tuân theo quy luật nền kinh tế thị trường. Nhận thấy nuôi tôm thẻ chân trắng có giá trị kinh tế cao, anh mạnh dạn tìm hiểu kiến thức qua Internet, sách vở và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia nông nghiệp. Tháng 5 năm 2018, anh quyết định chuyển đổi 2 ao nuôi cá trắm đen trong trang trại của gia đình sang thí điểm nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 3.000m2. Quá trình nuôi tôm, anh gặp muôn vàn khó khăn do con tôm rất nhạy cảm với sự thay đổi môi trường, thời tiết khí hậu. Anh phải vừa nuôi, vừa mày mò tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm. Giống tôm anh nhập từ Kiên Giang, vốn quen sống trong môi trường nước lợ có tỷ lệ muối 5%o, khi nhập về trang trại, anh phải thả vào 2 bể chứa và tiến hành quy trình giảm dần nồng độ muối để con tôm thích nghi với môi trường nước ngọt tự nhiên; sau đó, anh thả tôm giống xuống hai ao nuôi. Để đảm bảo đàn tôm sinh trưởng khỏe mạnh. Anh thường xuyên kiểm tra con giống, vệ sinh ao nuôi, kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường để có biện pháp chữa trị hiệu quả, nhất là dịch bệnh vì tôm chỉ sống trong môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm; hơn nữa thời tiết khí hậu miền Bắc thường xuyên thay đổi thất thường khiến con tôm bỏ ăn, khi đó anh phải vất vả che chắn, chạy máy sục khí để con tôm nhanh hồi phục. Trải lòng với nghề nông, anh tâm sự: “Nghề nông trăm nỗi nhọc nhằn, nếu người nông dân không năng động, sáng tạo thích ứng với xu thế thị trường thì không thể tồn tại, sẽ mãi quanh quẩn trong vòng xoáy được mùa mất giá, được giá mất mùa. Mấy năm nay việc nuôi cá trắm đen bão hòa nên tôi quyết định tìm hướng đi mới, thí điểm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt. Đây là bước đi táo bạo bởi trong vùng chưa ai nuôi thử nghiệm, nên tôi phải tự mày mò học hỏi. Việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong môi trường nước ngọt không hề đơn giản chút nào, đòi hỏi sự chăm sóc hết sức công phu, chặt chẽ, chỉ cần sơ suất là đàn tôm trong ao nuôi chết sạch, nhưng bù lại nếu đàn tôm cho thu hoạch thì giá bán tương đối cao”.

Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, 2 ao nuôi tôm của anh bước đầu đã cho thu hoạch. Trong hai vụ tôm năm 2018, anh đầu tư khoảng 12 vạn con giống với chi phí 12 triệu đồng, sau thời gian nuôi, anh xuất bán cho thương lái 9 tạ tôm thành phẩm với giá 160.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 145 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 55 triệu đồng. Từ đầu năm 2019, anh tiếp tục đầu tư 13 vạn con giống, hiện nay đàn tôm trong 2 ao nuôi của anh đang sinh trưởng tương đối tốt. Kết hợp mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt, anh tiếp tục duy trì nuôi cá trắm đen và chăn nuôi gà, trồng cây… để nâng cao thu nhập.

Có thể nói, tinh thần dám nghĩ dám làm, mạnh dạn tìm hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh của anh khiến chúng tôi thực sự khâm phục. Ở anh luôn toát lên nghị lực phi thường, lòng khao khát vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Anh không chỉ là tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi mà còn là hội viên nông dân năng nổ, nhiệt tình, tràn đầy tâm huyết trách nhiệm với công tác Hội và phong trào nông dân địa phương, luôn sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã, đặc biệt trên cương vị Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, anh đã giúp đỡ rất nhiều các tổ viên cùng phát triển kinh tế. Quá trình sản xuất kinh doanh, anh luôn được Hội Nông dân xã, Đảng ủy, chính quyền địa phương quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ để đẩy mạnh sản xuất. Ghi nhận thành tích trong sản xuất kinh doanh, năm 2017 anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, tham gia chương trình Sao Thần Nông do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Thu Nga -  Trần Thế Hiển