Người dân bản Hang (Phú Lệ, Quan Hóa) xây dựng nông thôn mới gắn với giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, huyện Quan Hóa đã chỉ đạo các địa phương rà soát, điều tra, xác định chính xác đối tượng thụ hưởng chính sách bảo đảm tính minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, từ đó hỗ trợ tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất nhằm khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng... Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hướng dẫn cách sản xuất, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ để người dân áp dụng vào phát triển kinh tế nhằm xóa nghèo nhanh và bền vững. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo, vì vậy ý thức vươn lên thoát nghèo của người nghèo được thay đổi.
Tại xã Phú Xuân, lãnh đạo xã đã xác định, một trong những nội dung về xây dựng nông thôn mới là tập trung giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, trên địa bàn đã và đang tập trung xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn, chăn nuôi dê, vỗ béo trâu bò và mô hình trồng lúa tẻ nương ở các bản. Đây là các mô hình đang phát huy hiệu quả ở các bản trên địa bàn xã.
Còn với xã Phú Nghiêm, xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xã đã ban hành nghị quyết giảm nghèo, đồng thời thành lập ban chỉ đạo giảm nghèo và phân công các thành viên theo dõi, đôn đốc việc triển khai chính sách giảm nghèo tại thôn, bản. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể trong hệ thống chính trị cũng tích cực phối hợp triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn. Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, các hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, phát triển du lịch cộng đồng cho người dân; tích cực vận động các nguồn lực giúp hộ nghèo làm ăn, tìm kiếm việc làm, xóa nhà tạm... Ngoài ra, xã cũng kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ vốn trực tiếp để thực hiện mô hình sinh kế nhỏ, phù hợp với đặc điểm và thói quen chăn nuôi, trồng trọt của các hộ nghèo; nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả để tạo thêm việc làm cho người nghèo, trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao... Do thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác giảm nghèo, nên tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh. Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm còn 11,49% (theo tiêu chí mới); thu nhập bình quân đầu người đạt 36,7 triệu đồng/năm.
Có thể thấy, bằng các giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Quan Hóa đã đạt được những chuyển biến tích cực, số hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đều giảm và có xu hướng bền vững. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Quan Hóa còn 3.738 hộ, bằng 33,5%; đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3.154 hộ, bằng 28,16%. Cùng với việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống nhân dân dần được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 27,63 triệu đồng. Các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, chính sách dân tộc được thực hiện kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây có thể được xem là kết quả rất đáng khích lệ trong công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện Quan Hóa.
Hữu Khang